Phái đoàn Taliban chụp ảnh chung tại sân bay Kabul trước khi khởi hành sang Oslo, Na Uy ngày 22/1/2022. Nguồn: AFP/TTXVN |
Cuộc đàm phán chính thức đầu tiên tới đây giữa đại diện chính quyền Taliban tại Afghanistan với các nước phương Tây sẽ là cơ hội để “chuyển đổi bầu không khí chiến tranh" sau hai thập kỷ chiến tranh tại Afghanistan chống lại lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đây là lần đầu tiên Taliban có đại diện tham gia các cuộc họp chính thức tại châu Âu kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền tại Afghanistan hồi tháng 8 năm ngoái.
Trao đổi phóng viên hãng tin AFP ngày 22/1, ông Zabihullah Mujahid - người phát ngôn của Taliban - nêu rõ, Taliban đã thực hiện các bước để đáp ứng các yêu cầu của phương Tây và hy vọng tăng cường quan hệ ngoại giao với tất cả các các nước. Ông này khẳng định Taliban mong muốn "biến bầu không khí chiến tranh ... thành hòa bình."
Được biết, theo kế hoạch, các cuộc đàm phán giữa Taliban và các quan chức phương Tây sẽ diễn ra tại Oslo (Na Uy) ngày 23/1 và dự kiến kéo dài tới ngày 25/1, với nội dung chính là bảo đảm quyền con người và viện trợ nhân đạo.
Trong khi đó, ở diễn biến ngược lại, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho hay, sự kiện này không đồng nghĩa với sự công nhận hay hợp pháp hóa lực lượng Taliban cầm quyền tại Afghanistan.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, nạn đói đang đe dọa gần 23 triệu người Afghanistan, tương đương 55% dân số nước này. Nền kinh tế Afghanistan đứng trước nguy cơ sụp đổ, khi các khoản viện trợ quốc tế bị đóng băng, mà trước đó từng chiếm tới 80% ngân sách của Afghanistan.
Hàng triệu người Afghanistan mất việc làm, trong khi mùa đông khắc nghiệt, hạn hán nghiêm trọng và đại dịch Covid-19 bủa vây.