Video: 'Máy chém' lộng hành khắp đường phố, nỗi ám ảnh của dân Thủ đô
Hà Nội lại... ra quân
Ngày 9/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo công an tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Chỉ đạo này được đưa ra sau 1 ngày xảy ra vụ tai nạn xe buýt bị bó thép trên chiếc xe ba bánh tự chế đâm thủng kính chắn gió và phần đầu, xảy ra trên đường Nguyễn Trãi.
Xe ba gác chở sắt thép đâm thủng kính xe buýt ở Hà Nội vào sáng 8/5.
Đây không phải lần đầu tiên UBND TP Hà Nội đưa ra chỉ đạo tăng cường xử lý vấn nạn trên. Trước đó, Công an thành phố cũng liên tục ra quân xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, có những đợt ra quân rầm rộ kéo dài cả tháng. Tuy nhiên việc xử lý chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", các loại xe này vẫn lê "máy chém" tung hoành khắp phố.
"Trước đó đã có nhiều vụ việc, những vụ tai nạn gây cái chết thương tâm, chính quyền cũng ra quân xử lý rồi đâu lại vào đó. Người tham gia giao thông vẫn phải đối diện với những hiểm hoạ chực chờ”, chị Lan Anh (trú tại quận Thanh Xuân) cho biết.
Ngày nào trên tuyến đường Nguyễn Trãi cũng có vài chục chuyến xe chở sắt, thép đi qua. Mỗi khi đi ngoài đường thấy những chiếc xe này, chị Lan Anh đều phải cố gắng né ra xa hoặc chuyển sang hướng đi khác vì sợ "tai bay vạ gió".
Ngày 11/5, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội lại ra quân xử phạt xe ba bánh tự chế, mô tô quá niên hạn, chở hàng cồng kềnh.
Thiếu tá Đinh Xuân Thăng - Tổ trưởng tổ công tác Đội CSGT số 14 cho biết, khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra, các tài xế đều thừa nhận, họ nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhưng vì mưu sinh nên vẫn đưa phương tiện vào lưu thông.
Những thanh sắt dài không được bao bọc, che chắn cẩn thận hoàn toàn có thể trở thành lưỡi dao cướp mạng người dân khi va chạm xảy ra. (Ảnh: Ngô Nhung)
Tài xế thương binh gây áp lực
Trả lời câu hỏi vì sao CSGT mãi chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng xe tự chế, xe ba bánh chở những tấm tôn sắc lẹm, bó thép khổng lồ diễu phố, Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do "áp lực" từ các tài xế thương binh.
“Rất nhiều trường hợp lúc chúng tôi kiểm tra, thương binh không lái xe nhưng lại ngồi trên xe. Khi lực lượng chức năng xử lý người lái xe không nằm trong đối tượng ưu tiên thì thương binh ngồi cạnh nêu lý do vì cuộc sống mưu sinh mới phải đi làm như thế, rồi họ đã cống hiến xương máu cho đất nước thì giờ phải được ưu tiên… Rất khó khăn trong công tác xử lý với những đối tượng được hưởng chính sách này.
Có cả những trường hợp người vi phạm gọi nhờ thương binh, người khuyết tật đến xin hộ hay gây áp lực với lực lượng chức năng để không bị xử lý vi phạm. Điều này không chỉ riêng Đội CSGT đường bộ số 6 mà nhiều anh em ở các đơn vị khác cũng gặp phải”, Thiếu tá Trần Quang Chinh chia sẻ.
Khi lực lượng chức năng xử lý người lái xe không nằm trong đối tượng ưu tiên thì thương binh ngồi cạnh nêu lý do vì cuộc sống mưu sinh mới phải đi làm như thế, rồi họ đã cống hiến xương máu cho đất nước thì giờ phải được ưu tiên…
Thiếu tá Trần Quang Chinh
Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, pháp luật quy định đối tượng thương binh vẫn được phép điều khiển xe ba bánh nên nếu tài xế đưa ra chứng nhận thương binh thì lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt lỗi chở hàng cồng kềnh với mức 300.000 - 400.000 đồng, chứ không thể thu giữ xe hay xử phạt nặng hơn.
Bên cạnh đó, ông Chinh cũng dẫn chứng thêm nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý các tài xế xe thương binh gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 6 giải thích thêm, đa phần xe tự chế, xe 3 - 4 bánh dùng để vận chuyển vật liệu xây dựng vào các đường nhánh, ngõ ngách và thường hoạt động vào những khung giờ lực lượng chức năng ít tuần tra nhất nên việc xử lý cũng gặp trở ngại.
Nói về hướng giải quyết để xử lý dứt điểm các xe "máy chém", Thiếu tá Trần Quang Chinh cho rằng không nên chỉ trông chờ vào việc xử phạt của CSGT đối với các trường hợp vi phạm trên đường.
"Cần có sự tham gia, phối hợp xử lý của nhiều đơn vị, từ các đội CSGT cho đến lực lượng tại quận, phường để có kết quả tốt hơn. Nhiều xe tự chế được chính các chủ cửa hàng vật liệu làm ra để phục vụ việc vận chuyển. Những trường hợp này cần xử lý nghiêm chủ xe và những cơ sở tự chế xe. Lực lượng địa phương như công an phường phải nắm bắt và ngăn chặn triệt để”, ông Chinh nêu ý kiến.
Nhiều xe tự chế, xe 3 - 4 bánh thường hoạt động tại những đường gom, ngõ ngách nên CSGT gặp khó trong việc xử lý. (Ảnh: Ngô Nhung)
Nói thêm về thực trạng này, Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh - cán bộ Đội CSGT đường bộ số 11, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội chia sẻ, quá trình xử lý, lập hồ sơ, thu giữ phương tiện vi phạm trải qua nhiều thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do những phản ứng tiêu cực của người dân.
“Mặt khác, vì phương tiện tự chế không có nhiều giá trị nên không ít các trường hợp tài xế sẵn sàng bỏ phương tiện mà không nộp phạt nên sự răn đe của pháp luật gần như không có tác dụng”, Thiếu tá Vinh cho hay.
Siết chặt quản lý, kiểm tra
Theo Thiếu tá Vương Đình Huỳnh - cán bộ Đội CSGT số 4, khi thấy lực lượng chức năng, nhiều tài xế lập tức vòng tránh sang các tuyến đường khác. Thời gian tới, đơn vị sẽ bố trí lực lượng vừa đứng chốt, vừa tuần tra lưu động trên đường để xử lý triệt để tình trạng trên.
Trong khi đó, Thiếu tá Đào Việt Long - Phó Trưởng phòng CSGT cho hay, trước khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội có chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh, xe tự chế sau vụ va chạm giữa loại phương tiện này với xe buýt trên đường Nguyễn Trãi cách đây ít ngày, đơn vị yêu cầu các đội địa bàn có kế hoạch xử lý các vi phạm của loại phương tiện này.
Chia sẻ về nguyên do khiến việc cấm và quản lý xe tự chế, xe ba bánh trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn, Thạc sĩ, Luật sư Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín lý giải rằng công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm chưa thực sự nghiêm túc, chặt chẽ.
“Thực tế, tôi đã nhiều lần tận mắt chứng kiến các trường hợp vi phạm tại thời điểm có mặt lực lượng chức năng nhưng họ không dừng phương tiện lại để xử lý hoặc thậm chí có thể vì nể nang mà không xử lý vi phạm”, ông Huy nói.
Luật sư Trần Văn Huy cho biết, xe ba bánh hay còn gọi là xe ba gác được sản xuất nhằm mục đích phục vụ một số thương binh không có khả năng lao động, tạo điều kiện cho họ trong việc di chuyển.
Tuy nhiên, loại xe này trên thực tế đang bị lạm dụng thành phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá tải trọng, gây nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông. Đa số các xe ba bánh lưu thông trên đường phố lại không phải loại xe được sản xuất tại nhà máy có uy tín mà hầu hết là xe tự chế.
“Lực lượng chức năng cần quyết liệt xử lý vi phạm, vì chúng ta đã có quy định pháp lý nên hoàn toàn có thể tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm theo luật định”, luật sư Trần Văn Huy chia sẻ quan điểm.
Những thanh sắt dài lê thê, không được bịt đầu hàng ngày vẫn ngang nhiên diễu phố khiến người tham gia giao thông không khỏi sởn gai ốc.
(Ảnh: Ngô Nhung)
Đồng quan điểm với luật sư Trần Văn Huy về giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho rằng, mọi công dân đều phải sống và làm việc theo luật pháp, không có ngoại lệ.
“Trên thực tế, lực lượng chức năng chưa bao giờ mạnh tay với xe thương binh, xe người khuyết tật chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Không thể cứ tiếp diễn mãi tình trạng CSGT thổi rồi lại du di cho đi, tạo những hệ lụy xấu cho xã hội được”, ông Liên nói.