Toàn cảnh khu vực đồi cát Pinhey đang được tái tạo, bảo tồn. Ảnh: Trung Dũng/PV TTXVN tại Canada |
Chính phủ Canada đã xác định bảo vệ các loài và không gian tự nhiên có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các cộng đồng trên toàn quốc và đó là nền tảng cho những nỗ lực nhằm chống lại cuộc khủng hoảng kép về suy giảm đa dạng sinh vật và biến đổi khí hậu. Tại thủ đô Ottawa, một hệ thống đồi cát đã được tái tạo và bảo tồn, mang đậm dấu ấn thời tiền sử trong giai đoạn kết thúc của thời kỳ đóng băng. Ngày nay, những khu đồi cát này có tên là Pinhey - biểu tượng của cảnh quan 7.000 - 8.000 năm trước, đang thu hút hàng nghìn người đến tham quan mỗi năm. Đồi cát Pinhey được công nhận là một trong những di sản địa chất trong vùng thủ đô của Canada.
Vào những năm 1950 - 1960, thành phố bắt đầu trồng cây trên hệ thống đồi cát và nhà cửa cũng được phép xây cất. Hệ thống đồi cát dần dần bị xâm hại từ đấy. Đến năm 2010, trên 99% hệ thống đồi cát hoàn toàn bị che phủ bởi rừng trồng và các khu nhà biệt lập. Năm 2011, Biopersity Conservancy International (BCI - Hội bảo tồn đa dạng sinh vật thế giới) đã đề xuất lên National Capital Commission (NCC - cơ quan chịu trách nhiệm phát triển, quy hoạch đô thị và bảo tồn ở khu vực thủ đô của Canada) dự án tái tạo hệ thống đồi cát cho thủ đô Ottawa.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, Tiến sĩ Đặng Trung Phước - Chủ tịch BCI đã nhắc lại những khó khăn ban đầu khi xin cấp phép "khai sinh" cho dự án tham vọng trên. Đây là một đề án môi trường táo bạo của BCI vì nó có vẻ như đi ngược dòng với công tác bảo tồn thiên nhiên thông thường. Dưới góc nhìn của các cơ quan quản lý, nghịch lý thứ nhất của đề án là đốn rừng để tái tạo một khu đất mà họ cho là khô cằn, hoang phế, không có sự sống. Nghịch lý thứ hai là đốn rừng, dù là rừng trồng cây bản địa nơi đồi cát khi xưa tọa lạc, là một điều kiêng kỵ vì rừng có một vai trò quan trọng trong giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ những lý giải của BCI về giá trị lịch sử địa chất, sự duy biệt của môi sinh, hệ sinh thái của hệ thống đồi cát, NCC đã đồng thuận và cho phép triển khai dự án tái tạo hệ thống đồi cát trong địa hạt của Vành đai xanh thủ đô Canada. Việc NCC đồng ý để một hội phi chính phủ thực hiện một dự án môi trường tầm cỡ trên một khu đất đặc biệt của thủ đô là một điều rất hiếm thấy trong lịch sử của NCC. Điều này cho thấy NCC nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của hệ thống đồi cát trong hệ sinh thái đa dạng của Canada.
Ông Alexander Stone, người làm việc trong các chương trình về môi trường của NCC, bày tỏ vui mừng khi đồi cát ngày nay - một dự án khôi phục đặc biệt mà NCC đã hợp tác với BCI từ năm 2010 - đang thu hút rất nhiều khách tham quan. Ông Keith Egli, Ủy viên Hội đồng khu vực 9, thành phố Ottawa, cho biết trong 12 năm qua, ông đã nhiều lần đến thăm đồi cát - một dự án mà ông đánh giá là "có tầm nhìn rộng". Ông Keith Egli nhấn mạnh tái tạo đồi cát là một trong số rất ít các dự án đã thu hút được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như khu vực tư nhân tham gia đóng góp tài chính và các nguồn lực khác. Ông Keith Egli cho biết giới chức thành phố từng hoài nghi về tính hợp lý của dự án môi trường này, nhưng nay dự án đã tái tạo thành công hệ thống đồi cát trong lòng thủ đô.
Hình ảnh bảo tồn đồi cát Pinhey và các loài sinh vật đặc hữu tại đây. Ảnh: Trung Dũng/PV TTXVN tại Canada |
Tái tạo đồi cát từ một khu rừng rậm là một dự án hoàn toàn mới lạ. BCI đã kêu gọi cộng đồng đóng góp nhân lực làm việc tự nguyện và tiến độ thực hiện dự án đã nhanh hơn mong đợi. Trên 1 ha diện tích, hàng nghìn tấn cát phải được sàng lọc bằng tay để loại bỏ các vật liệu hữu cơ đủ kích cỡ từ 0,1 - 30cm. Để thực hiện được điều này đội ngũ tái tạo đồi cát phải thiết kế và chế biến những dụng cụ sàng lọc đơn giản, nhưng đạt hiệu quả cao trong một thời gian ngắn nhất có thể.
Theo Tiến sĩ Đặng Trung Phước, Việt Nam là một trong 5 quốc gia phải hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu trầm trọng nhất vì Việt Nam có một bờ biển dài với một vài vùng thấp như châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Bờ biển tại những vùng này rất bằng phẳng, không có cấu trúc địa hình để có thể chống lại sự xâm nhập của nước biển. Trái lại, miền duyên hải từ Thanh Hóa cho đến Ninh Thuận thường có những hệ thống đồi cát ven biển cao, rộng vừa đủ để trở thành những bờ đê tự nhiên - tuyến đầu kiên cố đối phó với mực nước biển dâng cao hiệu quả nhất. Nhiều quốc gia không có đồi cát ven biển, chẳng hạn như Hà Lan, đã phải gây dựng những đồi cát nhân tạo rất tốn kém để chống lại sự xâm nhập của nước biển. Trong khi đó, Việt Nam có những đập tự nhiên vô cùng kiên cố, vững chắc và lâu bền. Đó là các đồi cát trải dọc theo duyên hải từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Tiến sĩ Đặng Trung Phước hướng dẫn du khách tham quan đồi cát Pinhey. Ảnh: Trung Dũng/PV TTXVN tại Canada |
Theo Tiến sĩ Đặng Trung Phước, các đồi cát tại Việt Nam cần được bảo tồn vì những lý do sau: Thứ nhất, trong bối cảnh mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, đồi cát ven biển là tường thành kiên cố ngăn chặn nước biển xâm nhập đất liền. Thứ hai, đồi cát là một danh lam địa chất ngoạn mục do gió làm nên. Khác với cấu trúc đồi núi, đồi cát luôn ở thể động, không ngừng di chuyển nên không có hình thể nhất định. Tổng thể môi trường đồi cát là dấu ấn địa hình có một cảnh quang đặc thù. Danh lam đồi cát cũng như tất cả những danh lam khác là tài sản quốc gia vô giá, phải được bảo vệ. Thứ ba, trên phương diện môi trường, sinh môi đồi cát rất duy biệt, đầy nắng gió, khô hạn, nóng bức với nhiệt độ trên cát vô cùng khắc nghiệt, trung bình từ 60 - 80 độ C. Do đó, chỉ có những sinh vật thích nghi với môi trường không mấy thân thiện như vừa kể trên mới có thể sống trên đồi cát. Thêm nữa, đồi cát là nơi có nhiều sinh vật đặc hữu được phát hiện. Sinh vật đặc hữu là những sinh vật chỉ sống duy nhất ở nơi chúng được phát hiện, không sống ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Ở Mỹ, rất nhiều đồi cát đã trở thành Vườn quốc gia được bảo vệ bài bản và hài hòa, như Vườn quốc gia Cát trắng, bang New Mexico. Tiến sĩ Đặng Trung Phước mong mỏi Việt Nam cũng sẽ có Vườn quốc gia đồi cát (có thể thiết lập từ khu đồi cát Bình Thuận) để bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, và phát triển du lịch bền vững.