Tại sao Ukraine chỉ muốn nhận tiêm kích F-16?

22/02/2024 09:19

Quan chức Ukraine thừa nhận, Kiev đang đặt hy vọng duy nhất vào tiêm kích F-16 Fighting Falcons do nước này không có khả năng phục vụ nhiều loại máy bay.

“Chúng tôi sẽ không thể đưa nhiều loại máy bay khác nhau vào sử dụng, bảo dưỡng, và đào tạo phi công. Đây sẽ là vấn đề khó khăn đối với chúng tôi. Do đó, chúng tôi cần tập trung vào mục tiêu số 1 là tiêm kích F-16”, hãng tin Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine Yuri Ignat.

Cũng theo ông Ignat, ngay cả với F-16, việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng của Không quân Ukraine vốn có từ thời Liên Xô cũ là vấn đề không dễ dàng. Theo ông, việc chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng để nhận các tiêm kích F-16 sẽ phải mất “nhiều năm”.

ukraine f 16.jpg
Tiêm kích F-16 của Ba Lan tham gia sứ mệnh tuần tra trên không của NATO. Ảnh: Reuters

“Sẵn sàng về cơ sở hạ tầng là một khái niệm khó, vì phải mất nhiều năm để chuẩn bị kỹ lưỡng. Lý tưởng là giấu máy bay dưới lòng đất như cách Iran làm, xây dựng các kho lưu trữ bằng bê tông cốt thép có khả năng chống lại những vụ tấn công từ tên lửa đạn đạo”, phát ngôn viên Không quân Ukraine nói thêm.

Thay vào đó, Kiev sẽ phải thực hiện "phòng thủ thụ động" bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng và kho lưu trữ trên mặt đất, lắp đặt các hệ thống phòng không để chống lại tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) của Nga.

“Chúng tôi đã điều chỉnh cơ sở hạ tầng để phục vụ F-16. Sự thích ứng là chìa khóa để F-16 thực hiện nhiệm vụ từ các đường băng, và giữ F-16 ở lại sân bay của chúng tôi. Do đó, chúng ta không thể nói về thời gian. Vấn đề là chúng tôi cần F-16 càng sớm càng tốt”, ông Ignat nhấn mạnh.

Hôm 18/2, tại Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas tuyên bố Ukraine sẽ nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào tháng 6.

Song theo ông Ignat, “điều duy nhất tôi có thể xác nhận là đã có một kế hoạch hành động, và nó đang được thực hiện. Các đối tác của chúng tôi đã sẵn sàng chuyển F-16 cho Ukraine. Chúng tôi không chỉ nói về việc chuyển giao mà còn công tác bảo trì thêm, tài trợ cho quá trình này, và hiện đại hóa F-16".

Hồi tuần trước, ông Ignat từng có tuyên bố ám chỉ Ukraine đang trì hoãn nhận F-16 trước khi “mọi thứ sẵn sàng” do lo ngại ngay khi được chuyển giao cho Kiev, F-16 sẽ nhanh chóng trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Ông cũng cho biết thêm việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng cho tiêm kích F-16 là rất khó khăn, do đây là “máy bay có yêu cầu khắt khe hơn” so với kho máy bay có từ thời Liên Xô cũ của Ukraine. Trong khi đó, Ukraine được cho sẽ nhận hơn 60 chiếc F-16 từ Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy từ năm 2024 - 2025.

Trên thực tế, các hệ thống phòng không của Nga được thiết kế để chống lại nhiều loại máy bay của NATO như F-16. Trong 2 năm qua, các hệ thống của Nga còn được điều chỉnh để giải quyết những mối đe dọa còn phức tạp hơn như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, và UAV mới nhất được phương Tây cung cấp cho Kiev.

Hồi tháng 11/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cảnh báo Nga sẽ phá hủy F-16 của Ukraine ngay khi chúng được chuyển đến. Theo ông, số lượng F-16 ban đầu mà Ukraine nhận được tương đương với “20 ngày làm việc” của các lực lượng phòng không Nga. Một nguồn tin chia sẻ với Sputnik, Nga đang tinh chỉnh khả năng tác chiến điện tử để ngăn chặn các hệ thống trên F-16.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao Ukraine chỉ muốn nhận tiêm kích F-16?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO