Tại sao phụ nữ Trung Quốc theo đuổi lối sống 'không con, không nhẫn'?

21/12/2020 15:52

Đối với nhiều người, “không con cái, không nhẫn cưới” có vẻ như là cách duy nhất để duy trì sự độc lập của họ.

Tại sao phụ nữ Trung Quốc theo đuổi lối sống 'không con, không nhẫn'?
Ảnh minh họa: Hai phụ nữ đang xách túi đồ mua sắm trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc.

“Không con cái, không nhẫn cưới, hãy cứ sống thanh thản" - 11 từ này đã trở thành câu cửa miệng ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Đó là lời kêu gọi phụ nữ hãy bỏ qua nỗi buồn của hôn nhân và tận hưởng sự dễ chịu của cuộc sống độc thân.

Lời kêu gọi đã trở nên phổ biến sau một loạt các vụ việc gây sốc về bạo lực gia đình, tấn công tình dục và các cuộc tấn công khác nhằm vào phụ nữ.

Tuy nhiên, sự phổ biến của khẩu hiệu này không chỉ do nỗi sợ hãi về bạo lực giới. Nó còn gắn liền với sự “dậy sóng” của một diễn ngôn cấp tiến ở Trung Quốc chống lại hôn nhân, sinh đẻ và nam giới - thứ đã diễn ra nhiều năm qua.

Đối với các nhà hoạt động phản đối việc kết hôn thì phụ nữ kết hôn và sinh con chỉ là “những con lừa”. Trong khi đó, đàn ông chỉ đơn giản là “một lũ tinh ranh”. Một số người cực đoan thậm chí đã đưa ra ý tưởng phá thai nếu thai nhi là nam.

Vào thời điểm hiện tại, khi phụ nữ đang bị đào thải ra khỏi lực lượng lao động để trở về làm một bà nội trợ, thì những người cấp tiến ủng hộ giải phóng phụ nữ cảm thấy bị dồn vào chân tường. Đối với nhiều người, “không con cái, không nhẫn cưới” có vẻ như là cách duy nhất để duy trì sự độc lập của họ.

Hơn một thế kỷ trước, trong phong trào Ngũ tứ, trên khắp Trung Quốc, phụ nữ và thanh niên đã xuống đường để đấu tranh cho phong trào giải phóng phụ nữ.

Hầu hết những phụ nữ thời đó đều có câu chuyện của riêng họ kể về việc chia tay bạn đời hoặc chạy trốn khỏi một cuộc hôn nhân sắp đặt. Và trong 60 năm tiếp theo, việc phụ nữ đã tìm được việc làm bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc gia đình được coi là dấu hiệu đánh dấu sự tiến bộ và giải phóng của phụ nữ.

Tuy nhiên, việc rời bỏ gia đình có hẳn là giải phóng sự tự do của phụ nữ hay không? Câu hỏi này đã trở thành mối quan tâm cốt lõi của các học giả nghiên cứu về phụ nữ ở Trung Quốc đại lục trong những năm 1980.

Nhiều nhà nghiên cứu lập luận rằng việc làm của nữ giới không làm thay đổi vai trò truyền thống của phụ nữ ở nhà - thay vào đó, nó làm tăng thêm gánh nặng của họ bằng cách buộc họ phải chiến đấu trên 2 mặt trận: gia đình và công việc.

Trong một cuộc tranh luận rộng rãi hơn về vai trò của phụ nữ vào những năm 1990, Giáo sư Zheng Yefu của Đại học Bắc Kinh đã đề xuất một chiến lược bình đẳng giới gây tranh cãi “không có trần kính, không có lưới an toàn”.

Chiến lược chỉ trích những nỗ lực thu hút phụ nữ tham gia lực lượng lao động, làm phá vỡ sự phân công lao động và trật tự xã hội truyền thống. Vì vậy, Zheng kêu gọi không cản trở cũng như không ủng hộ việc phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Từ đó đến nay, lựa chọn trở về làm bà nội trợ của phụ nữ đã không còn gặp phải nhiều trở ngại. Dữ liệu từ các cuộc khảo sát về địa vị xã hội của phụ nữ Trung Quốc cho thấy tỷ lệ việc làm của phụ nữ có xu hướng giảm trong vài thập kỷ qua. Trong khi số người tin rằng “vị trí của đàn ông là ở ngoài xã hội, còn của phụ nữ là ở nhà” đã tăng từ 47,5% vào năm 2000 lên 58% vào năm 2010.

Thực tế là việc tư nhân hóa quyền tài sản từ những năm 1980 đã có tác động kép, buộc phụ nữ phải gánh vác nhiều công việc gia đình và chăm sóc trẻ em hơn, ngay cả khi nó khiến phụ nữ bị bất lợi hơn trong thị trường lao động.

Trong bối cảnh này, những khẩu hiệu như "Không con cái, không nhẫn cưới, hãy cứ sống thanh thản" có sức hấp dẫn đặc biệt. Chúng làm giảm nhẹ sự mâu thuẫn giữa cuộc sống gia đình và cuộc sống cá nhân mà phụ nữ ngày nay phải đối mặt.

Khi gặp phải những rào cản trong việc duy trì cả gia đình và sự nghiệp, phụ nữ trở nên thoải mái hơn khi lựa chọn cái này hay cái khác, thay vì dấn thân vào một cuộc chiến để cố gắng có cả hai.

Thật vậy, không có gì ngạc nhiên khi một số phụ nữ muốn tiếp tục xây dựng sự nghiệp sẽ từ chối hoàn toàn việc xây dựng gia đình.

Vấn đề gốc rễ ở đây - điều khiến phụ nữ đấu tranh giữa việc trở thành một bà nội trợ hay một người phụ nữ công sở - là quan điểm cho rằng “ngôi nhà” là một mô hình cố định, tĩnh. Và trong mô hình đó, phụ nữ đóng một vai trò thấp hơn.

Nhưng cấu trúc gia đình đã cho thấy sự linh hoạt và di động đáng kể trong 4 thập kỷ qua với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Cuối cùng, sự thay đổi thực sự có thể sẽ đòi hỏi Nhà nước một lần nữa sử dụng quyền lực của mình thay cho phụ nữ. Nhiều phụ nữ trẻ ngày nay sợ kết hôn và sinh con, vì họ sợ đặt mình vào tình thế dễ bị tổn thương trong quan hệ gia đình hay vì họ lo lắng rằng gánh nặng chăm sóc gia đình sẽ là trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu cá nhân của họ. Dù là lý do nào thì sự can thiệp hiệu quả của Nhà nước sẽ giúp tâm lý họ thoải mái hơn.

Trước đây, phụ nữ Trung Quốc được hưởng lợi từ các chính sách: Trả lương bình đẳng, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, ít nhất là ở các khu vực thành thị. Nếu chính phủ Trung Quốc có thể tiếp thu những ý tưởng này và xây dựng các thể chế hiện đại, có khả năng hiện thực hóa chúng, thì điều đó sẽ là một bước tiến lớn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Nhưng cũng đã đến lúc giải phóng khái niệm gia đình khỏi manh áo chật hẹp của nó, bao gồm việc xem xét nó trong một bối cảnh xã hội rộng lớn hơn và tìm ra những cách mới để xác định các mối quan hệ gia đình. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể vượt qua sự giằng xé giữa công việc và gia đình.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao phụ nữ Trung Quốc theo đuổi lối sống 'không con, không nhẫn'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO