Rửa luôn chiếc nồi vừa sử dụng để nấu món khác ngay lập tức là điều mà các bà nội trợ thường làm. Tuy nhiên nồi vừa rửa sạch không nên đặt trực tiếp lên bếp gas, bởi đó là một sai lầm. Nếu bạn cần dùng ngay chiếc nồi vừa rửa, hãy lau thật khô đáy nồi rồi mới đặt lên bếp.
Tại sao nồi vừa rửa sạch không nên đặt trực tiếp lên bếp gas?
Thứ nhất, nếu đặt ngay lên bếp gas chiếc nồi vừa rửa, còn ướt nước cả trong lẫn ngoài, bạn sẽ mất thêm thời gian và nhiệt lượng để làm nóng nồi, gây lãng phí gas.
Tuy nhiên, tác hại quan trọng là khi đáy nồi đang ướt được bạn đặt ngay lên bếp, những giọt nước sẽ nhỏ xuống bếp, có thể khiến thiết bị chống cháy tự động và kim đánh lửa của bếp gas bị hỏng. Điều này lặp lại nhiều lần có thể khiến nó không đánh lửa được. Đó là một lý do tại sao nồi vừa rửa sạch không nên đặt trực tiếp lên bếp gas.
Tại sao nồi vừa rửa sạch không nên đặt trực tiếp lên bếp gas? Vì điều này gây gây lãng phí gas và ảnh hưởng đến tuổi thọ của bếp. (Ảnh: Boston University)
Ngoài ra, bếp gas khi đang cháy nếu gặp hơi ẩm thì ngọn lửa xanh sẽ chuyển sang màu vàng hoặc đỏ. Loại lửa này không chỉ tạo khói, làm đen nồi mà còn tỏa ra nhiều khí carbon monoxide hơn, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Do đó, nồi vừa rửa sạch không nên đặt trực tiếp lên bếp gas. Nếu cần dùng để nấu luôn ngay khi rửa, bạn cần nhớ lau khô ít nhất là phần đáy rồi mới đặt lên bếp để tiếp tục công việc của mình.
Mẹo giúp tiết kiệm gas khi nấu
Ngoài việc không nên đặt trực tiếp lên bếp gas những chiếc nồi vừa rửa, các mẹo dưới đây cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm gas hiệu quả.
Điều chỉnh ngọn lửa phù hợp
Điều chỉnh ngọn lửa phù hợp kích thước nồi là cách tiết kiệm gas hiệu quả. (Ảnh: GenK)
Không phải khi nấu cứ bật lửa to là đồ ăn sẽ nhanh chín. Tốt nhất bạn nên chú ý điều chỉnh ngọn lửa để nhiệt tập trung ở đáy nồi, tránh để ngọn lửa lan rộng ra ngoài. Ngọn lửa quá lớn sẽ vừa làm tốn gas vừa khiến món ăn của bạn lại lâu chín, bởi lượng nhiệt thay vì tập trung vào đáy nồi lại bị phân tán ra xung quanh.
Chọn dụng cụ nấu phù hợp
Nên chọn loại nồi có kích thước phù hợp với lượng thức ăn cần nấu. Không nên nấu lượng thức ăn nhỏ trong chiếc nồi to vì sẽ rất lãng phí gas. Nếu muốn nấu những món cần hầm lâu, bạn nên dùng nồi áp suất, vừa giúp thức ăn nhanh chín, mềm mà còn tiết kiệm gas.
Các loại nồi nhôm, nồi inox đáy mỏng vừa phải... sẽ dễ hấp thụ nhiệt và giúp tiết kiệm gas khi nấu.
Không bật, tắt bếp nhiều lần
Trước khi nấu, bạn nên chuẩn bị và sơ chế sẵn sàng các nguyên liệu, chẳng hạn như rửa rau, thái thịt... rồi mới bật bếp để nấu liên tục cho đến khi kết thúc. Tránh trường hợp nấu xong một món lại tắt bếp để đi chuẩn bị cho món nấu tiếp theo.
Việc bật, tắt bếp nhiều lần sẽ làm gas thoát ra ngoài càng nhiều, gây lãng phí; đồng thời làm giảm tuổi thọ của bếp.
Sử dụng vòng chắn gió cho bếp gas
Vòng chắn này sẽ giúp lượng nhiệt không bị tản khi đun, tiết kiệm một lượng gas đáng kể. (Ảnh: Bigomart.vn)
Vòng chắn gió (còn gọi là kiềng tiết kiệm gas) làm bằng kim loại) được dùng bao xung quanh đầu đốt. Bạn có thể mua nó ở nhiều chợ và siêu thị.
Vòng chắn này sẽ giúp lượng nhiệt không bị tản khi đun, định hướng nhiệt đi thẳng lên đáy nồi, giúp tiết kiệm một lượng gas đáng kể.
Sử dụng nước nóng sẵn có
Hãy ước lượng mức nước thích hợp cho món ăn ngay từ thời điểm ban đầu, không cần quá nhiều, cũng không nên quá ít.
Khi cần thêm nước vào nồi đang nấu, hãy sử dụng nước nóng có sẵn, tránh chế thêm nước lạnh, vừa làm giảm hương vị món ăn, vừa tốn thêm thời gian cho việc đun sôi trở lại, sẽ gây lãng phí gas và cả thời gian nấu.
Rã đông thực phẩm trước khi nấu
Nên rã đông thực phẩm trước khi nấu vì điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm một lượng gas đáng kể. Việc nấu trực tiếp thức ăn vừa được lấy từ ngăn đông lạnh cũng đồng nghĩa với việc bạn mất thêm khá nhiều thời gian đun nóng để làm tan lớp nước đá, gây lãng phí gas.
Khóa bình gas sau khi nấu
Sau khi nấu ăn xong, bạn nên khóa bình gas cẩn thận. Cách này một phần hạn chế được lượng gas bị thất thoát ra bên ngoài, một phần giúp đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tránh tình trạng rò rỉ gas, gây cháy nổ.
Theo VTC news