Tại sao người dân phải ký cam kết khi không tiêm vắc xin Covid-19?

26/06/2022 16:53

Nhiều cán bộ y tế bày tỏ gặp khó khăn khi vận động, tuyên truyền, thậm chí đặt bàn tiêm vắc xin Covid-19 ở khu dân cư nhưng rất ít người đồng ý tiêm mũi 3,4.

Không đồng ý tiêm nhắc lại phải ký cam kết

Đây là một trong những nội dung UBND TP.HCM vừa yêu cầu trong văn bản ngày 24/6.

Cụ thể, TP yêu cầu các địa phương, sở ban ngành, tiếp tục thực hiện chiến dịch truyền thông vận động người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương tiêm hết vắc xin đã được phân bổ, không để xảy ra tình trạng hủy vắc xin do hết hạn sử dụng.

Trong trường hợp đã vận động nhưng người dân không đồng ý tiêm, phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh. TP.HCM không phải nơi duy nhất "quyết liệt" theo cách trên.

12s.png
Một phụ huynh tại huyện Củ Chi, TP.HCM ký vào phiếu đồng thuận tiêm chủng cho học sinh.

Trước đó, Văn phòng Thường trực chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các địa phương "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân.

Đồng thời, người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.

UBND huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) cũng có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nếu người dân không chấp hành việc tiêm vắc xin mũi 4: "Không cho phép người chưa tiêm mũi 4 đi ra khỏi địa bàn nơi cư trú; không được tham gia các hoạt động công cộng; không giải quyết các thủ tục hành chính".

Văn bản của huyện Mỹ Xuyên sau đó đã được rút lại.

Chỉ tiêm vắc xin Covid-19 khi được đồng thuận


Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định, chế tài bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 nhưng bệnh cũng chưa được rút khỏi danh sách truyền nhiễm nhóm A. Riêng tại TP.HCM, trong tháng cao điểm tiêm vắc xin Covid-19, TP có 142 điểm tiêm cố định (tính đến ngày 25/6) để phục vụ người dân.

Trao đổi với VietNamNet ngày 26/6, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, việc người dân phải ký xác nhận khi không tiêm mũi 3-4 thực hiện theo thông báo kết luận của Bộ Y tế. Bộ Y tế yêu cầu ai không tiêm thì ký cam kết chịu trách nhiệm nếu làm lây lan dịch bệnh.

Theo đại diện HCDC, việc tiêm vắc xin Covid-19 đến nay vẫn dựa trên nguyên tắc người tiêm đồng thuận, không ép buộc. Trong bối cảnh mới, ngành y tế khuyến cáo người dân nên tiêm mũi tăng cường, nhắc lại nhằm bảo vệ cá nhân và cộng đồng, phòng ngừa nguy cơ dịch Covid-19 trở lại.

“Việc khuyến cáo này có mức độ cao hơn, mạnh mẽ hơn nhưng không phải là răn đe.

Chúng tôi lo ngại nhiều người đang chủ quan, lơ là với Covid-19. Miễn dịch của mỗi người bị giảm theo thời gian, nếu không tiêm vắc xin nhắc mà nhiễm Covid-19 sẽ nguy hiểm cho người bệnh đầu tiên, và gánh nặng dồn lên khối y tế điều trị, các bệnh viện”, người này nói.

12sdx.png
Hiện tại, Vắc xin, Khẩu trang, Khử khuẩn (V2K) là khẩu hiệu thay thế 5K. 

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mũi tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng với người thuộc nhóm nguy cơ, người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (gồm cả trẻ nhỏ), suy giảm miễn dịch… vì giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong khi mắc Covid-19. Nếu biến chủng mới của SARS-CoV-2 lây lan mạnh, người dân cũng đã được vắc xin bảo vệ.

“Bà con nào ốm đau, không đi đến bệnh viện được, chúng tôi sẽ đến tận nhà để tiêm ngừa”, ông nói. Đội tiêm lưu động hiện có tại tất cả các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 và 4 vẫn chưa được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Tình trạng chậm tiêm các mũi nhắc lại vắc xin Covid-19 diễn ra từ tháng 5/2022.

Nguyên nhân chủ yếu là người dân cho rằng đã có miễn dịch, không cần thiết tiêm liều nhắc lại. Ở một số tỉnh thành, vắc xin Covid-19 đang bị tồn đọng.

Kiểm điểm 20 tỉnh thành phía Nam vì tiêm chậm


Ngày 24/6, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 với 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Đại diện Sở Y tế Đồng Nai, Tây Ninh cho biết, lực lượng y tế địa phương đã đi tuyên truyền, vận động ở nhiều nơi, đã tổ chức các điểm tiêm tại khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp… để làm sao tiêm hết vắc xin đã được phân bổ nhưng tỷ lệ tiêm rất ít.

Ví dụ một nhà máy ở Đồng Nai hơn 30.000 người lao động, nhưng vận động, đặt bàn tiêm trực tiếp tại nhà máy cũng chỉ có 480 người tiêm mũi 3.

"Chúng tôi tổ chức tiêm cả ngày nghỉ, cả thứ 7, chủ nhật, rồi đưa cán bộ tiêm tận nơi tuyên truyền, vận động mời đi tiêm nhưng nhiều người dân vẫn từ chối không tiêm", đại diện ngành y tế một tỉnh phía Nam bày tỏ.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ người lớn đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%. Tiến độ tiêm nhắc trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm. Số liều tiêm mũi 4 mới đạt hơn 2,5 triệu.

Mục tiêu tiêm cho nhóm 5-11 tuổi với mũi 1 đạt 47,1%, một số địa phương đang triển khai mũi 2 cho nhóm đối tượng này (10,8%).

Do tiến độ tiêm chủng chậm, tồn đọng nhiều vắc xin Covid-19 ở nhiều địa phương dẫn đến nguy cơ cao vắc xin hết hạn phải hủy bỏ.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại, đã phân bổ 228,8 triệu liều, còn lại hơn 22,2 triệu liều vắc xin Moderna và Pfizer.

Bài liên quan
  • Đà Nẵng: Khẩn trương phủ vaccine COVID-19 mũi nhắc lại cho toàn dân
    Tâm lý chủ quan đã mắc COVID-19, bận rộn với công việc mà bỏ qua thời gian tiêm chủng… là những nguyên nhân khiến nhiều người dân tại TP.Đà Nẵng hiện nay không tiêm mũi COVID-19 nhắc lại (mũi 3, mũi 4). UBND thành phố đã phải lập đoàn công tác xuống các địa phương để tìm hiểu nguyên nhân và phương án để nhanh chóng phủ vaccine theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao người dân phải ký cam kết khi không tiêm vắc xin Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO