Nếu không biết cách chế biến, sắn (còn gọi là khoai mỳ) từ chỗ là thực phẩm quý có thể trở thành tác nhân gây các vấn đề sức khỏe. Một trong những bước quan trọng trong quá trình chế biến sắn là ngâm trước khi nấu.
Tại sao nên ngâm sắn trước khi nấu?
Bạn đừng quên ngâm sắn trong nước ít nhất vài ba tiếng đồng hồ trước khi nấu, dưới đây là các lý do:
Loại bỏ độc tố tự nhiên trong sắn
Sắn chứa một lượng nhỏ hợp chất độc hại cyanogenic glucosides, còn gọi là cyanide (xianua). Khi ăn sắn không được xử lý đúng cách, bạn sẽ đưa chất này vào cơ thể và rất dễ ngộ độc, đặc biệt là khi ăn sắn nấu chưa chín kỹ. Các triệu chứng ngộ độc cyanide thường là đau đầu, buồn nôn, khó thở, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Trong dân gian, triệu chứng ngộ độc cyanide do ăn sắn được gọi là say sắn.
Ngâm sắn ttrước khi nấu là phương pháp hiệu quả để loại bỏ hoặc làm giảm lượng cyanide trong củ do cyanide tan vào nước. Sau quá trình ngâm, bạn nên vớt sắn ra và xả lại với nước sạch để loại bỏ hoàn toàn lượng độc tố còn sót lại, giảm nguy cơ ngộ độc sắn.
Ngâm sắn trước khi nấu là phương pháp hiệu quả để loại bỏ hoặc làm giảm lượng cyanide trong củ, giúp giảm nguy cơ ngộ độc sắn. (Ảnh: Vidyascooking)
Giảm độ đắng của sắn
Đôi khi ăn sắn, bạn khó chịu vì cảm nhận vị đắng. Sắn bị đắng là do sự hiện diện của các hợp chất cyanogenic, đặc biệt là ở sắn đắng vốn có hàm lượng cyanide cao hơn so với sắn ngọt. Việc ngâm sắn giúp loại bỏ cyanide nên cũng làm giảm vị đắng, giúp sắn ngon hơn khi nấu chín.
Tăng độ mềm và dễ chế biến
Sắn có cấu trúc cứng và khó chế biến khi chưa được ngâm trong nước. Việc ngâm sắn trước khi nấu giúp củ trở nên mềm hơn, dễ cắt, gọt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn muốn cắt sắn thành từng miếng đều để nấu hoặc luộc, tạo sự đồng nhất về mặt cấu trúc và hương vị.
Sắn được ngâm sẽ hấp thụ nước, làm cho quá trình nấu trở nên nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng. Khi sắn được ngâm đủ lâu, quá trình nấu chỉ cần từ 15-20 phút.
Tránh sượng
Sắn nấu không đúng cách rất dễ bị sượng. Điều này thường xảy ra khi bạn không ngâm sắn trước khi nấu. Củ sắn hấp thụ nước sau quá trình ngâm sẽ ít khi bị sượng, nấu lên sẽ mềm, bở và ngọt hơn.
Khi dùng sắn để làm các món như bánh sắn, chè sắn hay sắn luộc, việc ngâm trước sẽ giúp củ sắn mềm mịn và dễ kết hợp với các nguyên liệu khác.
Giảm nguy cơ dị ứng, kích ứng dạ dày
Một số người có thể bị dị ứng hoặc kích ứng dạ dày khi tiêu thụ sắn chưa được xử lý đúng cách. Việc ngâm sắn trước khi nấu giúp loại bỏ các chất gây dị ứng và giảm nguy cơ kích ứng dạ dày. Đây là một bước cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
Ngăn ngừa đau bụng, khó tiêu
Nếu ăn sắn không ngâm hoặc nấu kỹ, bạn có thể gặp phải các vấn đề tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy hoặc khó tiêu. Đặc biệt, sắn chứa một lượng lớn chất xơ không tan, nếu không chế biến kỹ sẽ có thể gây khó chịu cho dạ dày và ruột.
Cách ngâm sắn trước khi nấu
Để đạt hiệu quả tối đa khi ngâm sắn, bạn cần chú ý:
- Thời gian ngâm: Thông thường, sắn nên được ngâm trong 6-8 tiếng hoặc qua đêm để loại bỏ tối đa cyanide và làm mềm củ. Nếu bạn nóng vội muốn nấu sớm cũng không nên ngâm ít hơn 3 giờ đồng hồ.
- Nước dùng ngâm sắn trước khi nấu: Nên ngâm sắn trong nước lạnh và thay nước ít nhất một lần trong quá trình ngâm để đảm bảo loại bỏ hết các chất độc tố.
- Xử lý sau ngâm: Sau khi ngâm xong, hãy rửa lại sắn với nước sạch và để ráo trước khi chế biến.
Theo VTC news