Tại sao Houthi lại có khả năng khống chế Biển Đỏ?

29/01/2024 16:42

Với những tuyên bố cứng rắn và hành động quân sự thực tế nhằm vào các tàu thương mại có liên hệ với Israel tại Biển Đỏ, buộc Mỹ và đồng minh phải sử dụng vũ lực để can thiệp, phong trào Houthi tại Yemen đang có trong tay những loại vũ khí gì?

Khi cần thiết, phong trào Hồi giáo vũ trang tại Yemen này có thể phong tỏa toàn bộ Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab, một trong những tuyến hàng hải quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới hay không?

Đối thủ khó chơi đối với Israel và đồng minh

Năm 2015, Thủ đô Sanaa của Yemen đã bị các chiến binh thuộc phong trào Ansar Allah hay còn có tên gọi khác là Houthi chiếm giữ để vinh danh thủ lĩnh Hussein al-Houthi vốn đã thiệt mạng năm 2004. Houthi hiện đang kiểm soát được phần lớn lãnh thổ Yemen, đẩy lùi các cuộc tấn công của liên minh quốc tế do Saudi Arabia lãnh đạo và được coi là đồng minh tích cực hỗ trợ phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine.

Houthi có trong tay nhiều tổ hợp vũ khí tấn công tầm xa khi kiểm soát hoàn toàn kho vũ khí của Quân đội Yemen. Ảnh: Defense News

Với sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh tại Cận Đông, trong đó quan trọng nhất là Iran, phong trào Houthi đã chứng minh là một lực lượng thiện chiến và khó nhằn trong cuộc xung đột với liên minh quân sự Ả rập. Thậm chí, Houthi còn tổ chức nhiều cuộc tấn công nhằm vào các vị trí chiến lược quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia bằng tên lửa và UAV tự sát rất hiệu quả khiến liên minh bị thiệt hại nặng.

Kể từ tháng 11-2023, Houthi bắt đầu đe dọa tấn công các tàu thương mại của Israel ở Biển Đỏ và sau đó là các tàu được cho là có liên quan tới Mỹ và phương Tây. Trên thực tế, từ lãnh thổ kiểm soát tại Yemen, Houthi có thể khống chế tất cả tuyến giao thông hàng hải từ kênh đào Suez đến bờ biển châu Phi, vịnh Ba Tư và đến châu Á.

Theo truyền thông Mỹ, kể từ tháng 11-2023, Houthi đã thực hiện hơn 20 cuộc tấn công vào các tàu thương mại ở vùng biển quốc tế. Phong trào này tuyên bố rằng chỉ tấn công những tàu có liên hệ nào đó với Israel. Houthi không chỉ sử dụng UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo để chống lại các mục tiêu trên biển, mà còn tấn công tên lửa nhằm vào thành phố Eilat ở miền Nam Israel. Dù các tên lửa của Houthi đã bị bắn hạ, nhưng bản thân các cuộc tấn công như vậy đã cho thấy năng lực đáng gờm của phong trào này.

Hành động của Houthi đã khiến Mỹ và đồng minh phải triển khai lực lượng hải quân hùng hậu tới để ngăn chặn. Tới ngày 12-1 vừa qua, Mỹ và Anh đã bắt đầu không kích Houthi và đẩy xung đột tại Yemen lên cấp độ mới.

Tàu hàng Galaxy Leader bị Houthi bắt giữ gần đây. Ảnh: Reuters

Houthi sở hữu kho vũ khí ấn tượng

Thực tế, phong trào Hồi giáo vũ trang tại Yemen có trong tay nhiều loại vũ khí tấn công tầm xa nguy hiểm và chính xác. Trong vài năm qua, kho tên lửa của Houthi đã tăng lên đáng kể. Phần lớn chúng có nguồn gốc từ Iran. Ngoài ra, với sự giúp đỡ từ Iran, Houthi cũng khôi phục nhiều tổ hợp tên lửa tấn công từ thời Liên Xô, trong đó có nhiều vũ khí chống hạm.

Từ giữa những năm 2010, Houthi đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ kho vũ khí của Quân đội Yemen, bao gồm các tổ hợp tên lửa chống hạm P-15M Termit thời Liên Xô với tầm bắn lên tới 80km, cũng như tên lửa diệt hạm C-801 của Trung Quốc. Những tổ hợp vũ khí này đã xuất hiện trong các cuộc duyệt binh của Houthi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi trong kho vũ khí Houthi đang sở hữu. Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, Houthi hoàn toàn có khả năng sở hữu các loại tên lửa chống hạm hiện đại của Iran như Ghader và Ghadir với tầm bắn lên tới 300km.

Tổ hợp tên lửa Fateh-313 của Houthi. Ảnh: Defense News

Không chỉ sở hữu tên lửa chống hạm, Houthi còn có trong tay nhiều tổ hợp tên lửa đạn đạo khó đối phó hơn nhiều. Phong trào này từng sử dụng các tên lửa đạn đạo để tấn công chính xác các mục tiêu ở Saudi Arabia, quốc gia vốn sở hữu nhiều loại vũ khí phòng không, phòng thủ tên lửa hiện đại từ Mỹ và phương Tây.

Các tổ hợp tên lửa đạn đạo Asef và Tankil với tầm bắn lên tới 450–500km có thể coi là phiên bản nội địa hóa của Yemen dựa trên cơ sở các tổ hợp tên lửa Fateh 313 và Zohayr của Iran. Chúng được trang bị hệ thống cảm biến dẫn đường quang-ảnh nhiệt đủ khả năng tấn công các mục tiêu cỡ lớn như tàu thuyền. Với đầu đạn nặng 300kg kết hợp với gia tốc rơi lớn của tên lửa đạn đạo, Asef và Tankil đủ khả năng vô hiệu hóa hoặc phá hủy bất kỳ tàu thương mại nào trong tầm ngắm.

Houthi cũng hoán cải thành công đạn tên lửa phòng không cũ của tổ hợp S-75 Volga thời Liên Xô thành tên lửa đối đất Mohit trang bị đầu dò quang-hồng ngoại. Dù hiệu quả của chúng vẫn là dấu hỏi lớn, nhưng với số lượng lớn thì đây cũng là các loại vũ khí tấn công nguy hiểm trong tay Houthi.

Houthi đang có trong tay hàng trăm tên lửa hành trình có tầm bắn từ vài trăm tới cả nghìn km đủ khả năng tấn công mọi địa điểm tại khu vực Cận Đông. Ảnh: Topwar

Những loại vũ khí ở trên chưa phải là tất cả, Houthi còn có một kho tên lửa tầm xa sử dụng nhiên liệu lỏng có nguồn gốc từ Iran và Triều Tiên. Dù có số lượng hạn chế và thời gian chuyển trạng thái dài, nhưng chúng lại có tầm bắn rất xa lên tới hàng nghìn km và là mối nguy hiểm thường trực đối với Israel, cũng như các căn cứ quân sự Mỹ tại Trung Đông. Ngoài ra, con số hàng trăm tên lửa hành trình đối đất Houthi đang sở hữu cũng rất nguy hiểm. Phong trào này từng phóng nhiều tên lửa như vậy nhằm vào thành phố Eilat của Israel.

Với kho vũ khí đầy đủ chủng loại trong tay không quá khó để hình dung Houthi có đầy đủ khả năng khống chế và phong tỏa hoàn toàn tuyến hàng hải thương mại nối giữa châu Âu và Nam Á qua Biển Đỏ và kênh đào Suez nếu xung đột tiếp tục leo thang.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao Houthi lại có khả năng khống chế Biển Đỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO