Tại sao EU ‘không muốn’ đưa ra lệnh cấm vận năng lượng với Nga?

10/03/2022 09:45

Giá năng lượng tăng kỷ lục đã làm giảm “những cái đầu nóng” của các chính trị gia châu Âu, buộc họ phải xem xét lại quan điểm của mình về khả năng từ bỏ các nguồn tài nguyên của Nga.

Izvestia đưa tin, sau thông báo về quyết định của Mỹ với việc cấm nhập khẩu dầu khí Nga. Người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell, cho biết EU sẽ không tham gia lệnh cấm vận này.

Trước đó, sau khi giá khí đốt kỳ hạn tháng 4 lên gần 4.000 USD/nghìn mét khối, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng an ninh năng lượng của châu Âu sẽ không thể được đảm bảo nếu không có nhiên liệu từ Nga.

Tại sao EU ‘không muốn’ đưa ra lệnh cấm vận năng lượng với Nga?
Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, con số này là khoảng 50%. (Ảnh: Izvestia)

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng, trong trường hợp từ bỏ các nguồn tài nguyên từ Nga, giá dầu có thể tăng vọt lên 300 USD/thùng.

Liên tiếp phá kỷ lục

Tuần này bắt đầu với những kỷ lục năng lượng mới. Vào ngày 7/3, giá xăng chỉ ngừng tăng khi chạm mức gần 4.000 USD/nghìn mét khối. Giá dầu vượt quá 130 USD/thùng - mức kỷ lục trong 10 năm qua. Trong khi, giá nhôm cũng cho thấy mức tăng tối đa trong lịch sử. Giá một tấn trên sàn giao dịch đạt 4.000 USD.

Tất cả những điều này có lẽ là kết quả của các biện pháp trừng phạt cấm nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, nước này đang tiến hành thảo luận rất tích cực về triển vọng cấm cung cấp dầu từ Nga. Cho đến nay, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cho phép Nga tiếp tục kinh doanh năng lượng.

Mặc dù lệnh cấm vận vẫn chưa được áp dụng, nhưng một số nhà nhập khẩu đã tỏ ra thận trọng khi mua dầu của Nga. Bloomberg viết, nhiều người mua đang cố gắng tránh “vàng đen độc hại” từ Nga.

Trước đó, công ty năng lượng Shell của Anh-Hà Lan đã bị các chính trị gia Ukraine chỉ trích nặng nề vì mua dầu của Nga. Công ty thậm chí buộc phải đưa ra tuyên bố chính thức, hứa sẽ sử dụng lợi nhuận từ số “vàng đen” mua được để giúp đỡ người dân Ukraine.

Kết quả là vào ngày 8/3, Shell đã tuyên bố từ chối các nguồn năng lượng của Nga và đóng cửa các trạm nạp tại nước này. Ngoài ra, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Anh BP cũng thông báo quyết định không tham gia các giao dịch mới về mua dầu và khí đốt của Nga.

Trong khi đó, Bloomberg đưa tin, Saudi Arabia đã tăng giá giao hàng tại tất cả các khu vực trong tháng 4 thêm 4,95 USD/thùng. Tại Libya, sản lượng dầu đã giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày do khủng hoảng chính trị. Tính đến ngày 2/3, sản lượng tại đây là khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.

Đức “nhấn phanh”

Sau khi giá năng lượng tăng kỷ lục, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra tuyên bố làm dịu đi “sự cuồng nhiệt” của các thương nhân. Theo chính trị gia này, Đức đã quyết định tiếp tục liên hệ với Nga trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, vì hiện nay không còn cách nào khác để đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu .

“Tất cả các bước đi của chúng tôi đều được xây dựng theo cách có thể ‘hạn chế’ Nga một cách mạnh mẽ và bền vững trong dài hạn. Châu Âu ‘cố tình’ rút nguồn cung cấp năng lượng từ Nga khỏi các lệnh trừng phạt. Hiện không có cách nào khác để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho nhiệt, giao thông, điện và công nghiệp của châu Âu. Vì vậy, đây là điều cần thiết vì lợi ích chung và cuộc sống hàng ngày của công dân chúng ta”, ông Scholz nói.

Tuy nhiên, các đồng minh của EU vẫn rất quyết tâm. Mới đây nhất, Mỹ đã quyết định cấm nhập khẩu các nguồn năng lượng từ Nga do liên quan đến tình hình ở Ukraine.

Tại sao EU ‘không muốn’ đưa ra lệnh cấm vận năng lượng với Nga?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối tẩy chay dầu và khí đốt Nga vì dầu, khí đốt là mặt hàng thiết yếu với đời sống và kinh tế châu Âu. (Ảnh: Izvestia)

“Đây là một quyết định của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ và theo tôi toàn bộ đất nước cũng vậy”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 8/3.

Rõ ràng, sự quyết đoán như vậy có liên quan đến thực tế là tỷ trọng hàng giao của Nga trên thị trường Mỹ không quá lớn.

Ông Alexander Frolov, Phó tổng giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia cho biết, vào năm 2021, Mỹ đã nhập khẩu 3,09 tỉ thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ. Để so sánh, năm 2019 là 3,3 tỉ thùng và năm 2020 là 2,88 tỉ thùng.

Tuy nhiên, theo bà Ekaterina Kosareva đối tác quản lý của cơ quan phân tích WMT Consult, quyết định của Mỹ có vẻ khá kỳ lạ, vì họ đã bị Venezuela và Iran từ chối cung cấp năng lượng.

Quyền “tự quyết”

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo việc từ bỏ dầu của Nga sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu. Ông Novak nhấn mạnh rằng, việc tăng giá là “không thể đoán trước vì giá dầu có thể tới 300 USD/thùng, nếu không muốn nói là hơn”.

“Đồng thời, chúng tôi hiểu rằng liên quan đến những cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và việc áp đặt các lệnh cấm đối với Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Chúng tôi có mọi quyền để đưa ra quyết định đáp trả lệnh cấm vận bơm khí đốt thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 - hiện đã được nạp 100%”, Phó Thủ tướng Nga nói.

Phó Thủ tướng Nga cho biết thêm: “Nhưng chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định đó. Không ai được lợi từ việc này. Mặc dù các chính trị gia châu Âu đang thúc đẩy chúng tôi hướng tới điều này bằng những tuyên bố và cáo buộc chống lại Nga”.

Ông Stanislav Mitrakhovich, chuyên gia hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia và Đại học Tài chính Moscow, lưu ý rằng châu Âu đang phải trả một cái giá rất đắt cho khí đốt.

“Mặt khác, Nga nhận được khoảng 700 triệu euro mỗi ngày cho nguồn cung cấp khí đốt”, ông Mitrakhovich cho biết.

Trong khi đó, với giá khí đốt trên 3.500 USD/nghìn mét khối và gần 4.000 USD, ngành công nghiệp sử dụng khí đốt của châu Âu có khả năng gần như đóng cửa hoàn toàn. Đó là các ngành như hóa học, sản xuất phân bón, xi măng và các nhà máy luyện kim.

Ông Kirill Melnikov, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, cho biết ngành năng lượng châu Âu cũng đang bị đe dọa bởi việc loại bỏ hoàn toàn khí đốt trong sản xuất điện khi chuyển sang sử dụng nhiên liệu than và dầu mỏ lỏng.

“Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp châu Âu và có thể sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế ở EU”, chuyên gia Melnikov nói.

Ngoài ra, theo ông Rustam Tankaev, Tổng giám đốc TEK-Terminal, trong trường hợp có lệnh cấm trực tiếp đối với việc mua dầu và khí đốt từ Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU sẽ bước vào giai đoạn gay gắt.

“Việc cung cấp điện và khí đốt cho các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp công nghiệp sẽ ngừng lại, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ nổ ra, nạn nhân chính sẽ là EU, cũng như Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ”, chuyên gia này cho biết.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng không trừ tình trạng như vậy có thể dẫn đến “nạn đói” năng lượng và khiến châu Âu gặp khó khăn.

Thanh Bình (lược dịch)

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tai-sao-eu-khong-muon-dua-ra-lenh-cam-van-nang-luong-voi-nga-406178.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tai-sao-eu-khong-muon-dua-ra-lenh-cam-van-nang-luong-voi-nga-406178.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao EU ‘không muốn’ đưa ra lệnh cấm vận năng lượng với Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO