Tại sao bom lượn của Nga đang thay đổi cuộc xung đột tại Ukraine?

06/04/2024 17:40

Với sức công phá kinh hoàng, khả năng tấn công chính xác cao, quỹ đạo bay phi đạn đạo khó bị vũ khí phòng không đánh chặn và quan trọng nhất là chi phí rẻ đã tạo ra ưu thế rõ ràng cho các dòng bom lượn FAB của Quân đội Nga trên chiến trường Ukraine.

Trong chuyến thị sát Tổ hợp công nghiệp quốc phòng mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu nhấn mạnh, quân đội nước này đang tập trung sản xuất các loại bom lượn hạng nặng FAB và các bộ module điều khiển và hiệu chỉnh phổ quát (UMPC) giúp biến bom thông thường thành vũ khí chính xác cao do hiệu quả thực tế của chúng trên chiến trường.

UMPC – rẻ tiền, nhưng hiệu quả cao

Nga không phải là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển các hệ thống module giúp biến bom thông thường thành bom thông minh chính xác cao. Quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này chính là Mỹ với các thế hệ bom JDAM danh tiếng.

Hiệu quả của công nghệ đặc biệt này nằm ở khả năng kết hợp giữa các module điều khiển hiện đại với các loại bom hàng không vốn có số lượng lớn trong kho sau nhiều năm tích lũy, nhất là đối với các siêu cường như Nga và Mỹ, để tạo ra vũ khí tấn công chính xác cao lợi hại. Và người Nga tất nhiên là không đứng ngoài hướng phát triển công nghệ vũ khí hiệu quả này.

Bom JDAM của Mỹ được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quân sự của nước này nhiều thập kỷ qua. Ảnh: Defense News

Tiền thân của UMPC hiện tại có thể được coi là module điều khiển và hiệu chỉnh (MPC) lần đầu tiên được Nga giới thiệu tại Triển lãm hàng không Farnborough (Anh) năm 2002 với khả năng nâng cao độ chính xác của bom hàng không thông qua bộ trang bị gắn ngoài. Thử nghiệm thực tế cho thấy, bom lượn trang bị MPC có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 60km với sai số lệch mục tiêu chỉ 10m.

“Tổ hợp thiết kế Basalt đã bắt đầu phát triển một dòng vũ khí dẫn đường chính xác với chi phí thấp dựa trên kinh nghiệm chiến đấu của Không quân Nga ở Chechnya và quan sát của họ về quá trình chuyển đổi của Quân đội Mỹ sang sử dụng các loại vũ khí hàng không dẫn đường chính xác trong các hoạt động quân sự”, Tạp chí quân sự Topwar nhận định.

Theo thông tin từ tổ hợp thiết kế Basalt, MPC là thiết bị rất rẻ có thể gắn trực tiếp vào bom ngay tại sân bay.

Module điều khiển và hiệu chỉnh (MPC). Ảnh: Lenta

Đây chính là tiền đề để Nga phát triển UMPC dựa trên yêu cầu từ chiến trường Ukraine, khi quốc gia Đông Âu này sở hữu nhiều tổ hợp vũ khí phòng không mạnh mẽ kế thừa từ thời Liên Xô và do các quốc gia đồng minh viện trợ. Áp lực này buộc máy bay chiến đấu của Không quân Nga phải kéo giãn khoảng cách tác chiến để hạn chế tổn thất. Đây chính là cơ hội để module UMPC được sử dụng và hoàn thiện. Những biến thể UMPC đầu tiên được sử dụng từ tháng 3-2023 và chúng liên tục được hoàn thiện cho tới tận thời điểm hiện tại.

Từ những hình ảnh được công bố, UMPC vẫn theo truyền thống thiết kế vũ khí của Liên Xô và Nga là đơn giản, dễ sản xuất và chi phí thấp. UMPC có thể tương thích với mọi loại bom hàng không chuẩn Liên Xô và Nga.

Vũ khí thay đổi chiến trường?

Bom lượn khác với tên lửa là nó không có động cơ đẩy, mà đơn thuần dựa vào đặc tính khí động với cánh lượn có điều khiển để tấn công chính xác. Chính vì thế, bom lượn mang được khối lượng thuốc nổ lớn hơn tới mục tiêu. Nếu bom lượn FAB-1500 có thể mang theo 670kg thuốc nổ mạnh tấn công mục tiêu, thì FAB-3000 là 1,4 tấn.

Nói cách khác, Không quân Nga đã nhận được vũ khí được sản xuất hàng loạt, giá cả phải chăng và chính xác; giúp giảm thiểu rủi ro cho máy bay quân sự khi thực hiện nhiệm vụ tấn công. Cựu phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuri Ignat tuyên bố, tầm hoạt động của bom lượn UMPC là khoảng 70km. Chúng nằm ngoài khả năng phòng thủ của hệ thống phòng không Ukraine.

“Về lý thuyết, những quả bom này có thể bị ngăn chặn, nhưng thực tế lại cực kỳ khó bắn hạ. Hầu như không thể ngăn chặn chúng”, ông Yuri Ignat nói.

Bom lượn FAB-500 với UMPC. Ảnh: Rian 

Nhà phân tích quân sự Anh Alexander Merkouris đánh giá, công sự của Quân đội Ukraine không thể chịu được các đòn tấn công từ bom FAB-1500. Chuyên gia quân sự này cũng chỉ ra rằng bom lượn đóng một vai trò quan trọng trận chiến ở thành phố Avdeevka, vùng Donetsk.

Đại tá Quân đội Áo Markus Reisner cho biết, quân đội Nga đang phá hủy các vị trí phòng thủ kiên cố của Lực lượng vũ trang Ukraine nhờ pháo binh cực mạnh và bom lượn. Đây chính là những yếu tố đang thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Chuyên gia quân sự, Đại úy quân nhân dự bị Nga Vasily Dandykin lưu ý rằng bom lượn hiện đang được sử dụng rất hiệu quả và giúp hạn chế thiệt hại về máy bay và phi công. Chuyên gia quân sự này trích dẫn ý kiến của các nhà báo Mỹ rằng chính những bom lượn đã ngăn cản cuộc phản công của Ukraine hồi mùa hè 2023. Phương Tây cho rằng Ukraine không được chuẩn bị và có đủ vũ khí đánh chặn lại bom lượn của Nga.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Nga Anatoly Matviychuk đưa ra bình luận về việc Moscow bắt đầu sản xuất hàng loạt FAB-3000. Ông này đặc biệt nhấn mạnh đến sức mạnh của bom hàng không Nga và những hậu quả có thể xảy ra khi sử dụng nó trong tại chiến trường Ukraine. Theo ông, FAB-3000 có thể là “dấu chấm hết” cho bộ binh của Ukraine.

FAB-3000 hiện là bom lượn lớn nhất của Nga được trang bị UMPC. Ảnh: Rian

“Nếu bom FAB-500 trở thành cơn ác mộng đối với bộ binh Ukraine, còn FAB-1500 được mệnh danh là ác quỷ, thì FAB-3000 sẽ là dấu chấm hết cho binh sĩ Ukraine trong tầm ngắm. Không có gì có thể ngăn cản được loại vũ khí này”, chuyên gia Anatoly Matviychuk đánh giá.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-bom-luon-cua-nga-dang-thay-doi-cuoc-xung-dot-tai-ukraine-771642
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-bom-luon-cua-nga-dang-thay-doi-cuoc-xung-dot-tai-ukraine-771642
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao bom lượn của Nga đang thay đổi cuộc xung đột tại Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO