Theo thống kê được đưa ra vào cuối phiên giao dịch ngày 14/10 thì trong phiên này, độ rộng thị trường chỉ nghiêng rất nhẹ về các mã tăng giá với 380 mã tăng, 38 mã tăng trần so với 362 mã giảm, 31 mã giảm sàn.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là các chỉ số và thanh khoản trên thị trường là dâng lên mức rất cao. Tại sàn HSX, khối lượng giao dịch đạt 474,92 triệu cổ phiếu tương ứng 14.399,09 tỷ đồng; HNX có 59,11 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 886,35 tỷ đồng và UPCoM có 35,07 triệu cổ phiếu tương ứng 454,26 tỷ đồng.
Nhóm bluechip đã thể hiện rất rõ vai trò “đầu kéo”. Trong rổ VN30, có đến 20 mã tăng và chỉ có 6 mã giảm, chỉ số VN30-Index nhờ đó tăng 13,8 điểm tương ứng 1,57% - biên độ tăng vượt trội so với Vn-Index.
Cặp đôi MSN và TCB đồng loạt tăng trần và hai mã này ảnh hưởng đáng kể đến bức tranh chung của thị trường. MSN tăng 5.200 đồng lên đỉnh cao mới 80.000 đồng/cổ phiếu còn TCB cũng tăng 1.450 đồng lên 22.850 đồng.
Rất bất ngờ, đây cũng là hai mã bị khối nhà đầu tư nước ngoài “xả” mạnh nhất. Khối ngoại bán ròng MSN 2,64 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 200,7 tỷ đồng và bán ròng TCB 5,87 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị bán ròng 134,2 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, với diễn biến tăng giá ở hai mã này, cổ đông Masan Group và Techcombank đều được hưởng lợi lớn với giá cổ phiếu, đặc biệt là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, người đang sở hữu lớn cổ phần Techcombank và Masan Group.
Với hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB đang nắm giữ, ông Hồ Hùng Anh hôm qua có thêm gần 57 tỷ đồng. Đồng thời, cổ phiếu MSN tiếp tục tăng giá cũng đã giúp vị Chủ tịch Techcombank có thêm 1.286 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày.
Ngoài ra, gia đình ông Hồ Hùng Anh cũng hưởng lợi lớn nhờ giá cổ phiếu: Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, vợ ông Hồ Hùng Anh sở hữu 174,13 triệu cổ phiếu TCB và 5,65 triệu cổ phiếu MSN; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - mẹ ông Hồ Hùng Anh có 174,13 triệu cổ phiếu TCB; con trai ông Hồ Hùng Anh là Hồ Anh Minh cũng có 137,96 triệu cổ phiếu TCB.
Theo đó, chỉ trong một ngày, người nhà của ông Hồ Hùng Anh cũng tăng thêm tới xấp xỉ 735 tỷ đồng tài sản.
Nhờ diễn biến tăng trần tại MSN và TCB, chỉ số VN-Index đã lần lượt được hỗ trợ 1,73 điểm và 1,44 điểm.
Tuy vậy, đây lại không phải là hai mã có tác động đáng kể nhất lên VN-Index mà phải kể đến BID và VCB. BID tăng 4% lên 42.900 đồng giúp VN-Index tăng thêm 1,88 điểm, trong khi đó tác động từ VCB là 1,79 điểm. VCB hôm qua tăng 2% lên 88.200 đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng - chứng khoán ngày hôm qua diễn biến tương đối tích cực. Ngoài những “ông lớn” như đã liệt kê ở trên thì ACB cũng tăng 2,6%; LPB tăng 2,6%; VPB tăng 2,6%; HDBD tăng 1%; MBB tăng 1%, STB tăng 0,4%.
VCI của Chứng khoán Bản Việt hôm qua tiếp tục tăng mạnh 6,7% lên 36.600 đồng - suýt chạm trần. HCM cũng tăng 1,6% lên 22.350 đồng; SSI tăng 3,1% lên 18.100 đồng; VND tăng 2,6% lên 15.850 đồng; SHS tăng 1,5% lên 13.400 đồng; VDS, IVS, TVS đều tăng giá.
Thanh khoản trong phiên hôm qua được đẩy lên cao chủ yếu là do giao dịch tập trung tại cổ phiếu TCB của Techcombank.
Mã này khớp lệnh “khủng” nhất thị trường với khối lượng khớp lên tới 48,63 triệu đơn vị. Đồng thời, ở phương thức thỏa thuận còn được chuyển nhượng 26,35 triệu đơn vị, giá trị thoả thuận 602,1 tỷ đồng.
Bên cạnh TCB thì SAB của Sabeco cũng có giao dịch đột biến bằng phương thức thỏa thuận. Khối lượng thỏa thuận 26,6 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 4.897,59 tỷ đồng, nhiều khả năng là thương vụ bán vốn của Heineken ở Sabeco sang cho một đối tác ngoại khác.
Theo nhận xét của chuyên gia chứng khoán MBS, dòng tiền là yếu tố tạo sự khác biệt của những phiên này, VN-Index bay cao và tâm lý nhà đầu tư cũng hứng khởi. Mức tập trung vốn vẫn ở nhóm ngân hàng, nhóm này đóng góp 1/2 số điểm tăng của thị trường.
Rủi ro lúc này là khả năng điều chỉnh của các thị trường bên ngoài, tuy nhiên nếu điều đó xảy ra cũng không đáng ngại vì đó cũng là cơ hội để mở thêm vị thế mua mới.