Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Vũ Hải cho PV Dân trí biết như vậy, liên quan tới vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại - Quảng Nam khiến 17 người thiệt mạng vừa qua.
Nhiều người cho rằng thiết kế cửa và các lối đi, mái che kín bất hợp lý nên khi tàu cao tốc bị lật chìm hành khách không thể thoát ra được. Việc này có đúng hay không, thưa ông?
- Việc bố trí các lối đi, lối thoát của tàu tuân thủ đầy đủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Quy chuẩn quy thuật quốc gia Việt Nam được xây dựng dựa trên Bộ luật về An toàn đường cao tốc của Tổ chức Hàng hải quốc tế.
Tôi khẳng định các thiết kế được tuân thủ đầy đủ các quy định của quốc tế và quốc gia.
Đúng quy định nhưng qua vụ chìm tàu vừa rồi đã cho thấy những bất cập và việc cứu nạn không hiệu quả?
- Tất cả các phương tiện giao thông vận tải đều phải là phương tiện kín, kể cả là ô tô, máy bay, tàu hỏa… Nếu phương tiện giao thông không kín, đặc biệt là tàu cao tốc thì ngay điều kiện hoạt động bình thường đã mất an toàn.
Tàu cao tốc hoạt động trên biển rất nhanh, sóng liên tục đánh vào tàu, nếu không có mui kín thì nước sẽ đọng trong khoang khách làm tăng tải trọng của tàu, gây mất ổn định dẫn đến lật tàu. Hành khách đi tàu cũng có rất nhiều người sức khỏe không tốt như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già… Với mức độ sóng gió đánh vào tàu liên tục thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn cho hành khách.
Với những lý do như vậy nên tổ chức hàng hải quốc gia đã quy định tàu chở khách cao tốc phải kín để đảm bảo an toàn ngay trong điều kiện hoạt động bình thường của phương tiện.
Khi xảy ra tai nạn thì tàu mui kín sẽ ảnh hưởng tới việc cứu nạn, thoát nạn, những thiết kế đã tính toán tới vấn đề này hay chưa, thưa ông?
- Các rủi ro đã được tính toán trong Công ước, vì thế những quy định được đặt ra và buộc phải tuân thủ để đảm bảo an toàn.
Tất cả các phương tiện giao thông đều có rủi ro về an toàn, khi tính toán trong các thiết kế chỉ có thể giúp giảm thiểu rủi ro chứ không loại bỏ hết được rủi ro.
Ví dụ như ô tô khi xảy ra tai nạn lăn xuống vực thì không thể đặt giả thiết là giá như xe có lối thoát để khách thoát ra ngoài, nhưng điều đó là không thể, bởi ô tô phải kín thì mới đảm bảo an toàn trong điều kiện hoạt động bình thường. Tàu cao tốc cũng vậy, trường hợp tai nạn xảy ra cũng giống như ô tô lăn xuống vực.
Được biết, năm 2018 Bộ Giao thông vận tải cho phép các chủ phương tiện du lịch ở Hội An chuyển đổi tàu cao tốc thân nhỏ mui trần thành mui kín, chở được lượng khách nhiều hơn. Đã có ý kiến cho rằng việc này đã được góp ý không phù hợp, nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn cho triển khai?
- Nói như vậy là không đúng. Việc nâng cấp này phù hợp với tuyến hoạt động từ Cửa Đại tới Cù Lao Chàm.
Đây là quy định của quốc gia, quốc tế, chúng ta không thể làm khác được. Như tôi đã nói, nếu không nâng cấp tàu thành mui kín thì không đảm bảo an toàn trong khai thác bình thường.
Sau vụ tai nạn ở Cửa Đại, Cục Đăng Kiểm Việt Nam và Bộ GTVT có rà soát và nghiên cứu các quy định về thiết kế, tốc độ, số lượng hành khách?
- Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện, chú trọng tàu thuyền chở khách từ bờ ra đảo, phục vụ lễ hội, tàu cao tốc.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế và các quốc gia, tổ chức đăng kiểm tiên tiến để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm tăng cường tính an toàn kỹ thuật của phương tiện.
Xin cảm ơn ông!