Tai nạn chết người tại Hà Nội: Bao nhiêu thang máy không được kiểm định?

HIỂU MINH| 27/05/2022 08:39

TP - Hàng loạt vụ tai nạn thang máy thương tâm xảy ra do buông lỏng từ khâu cấp phép xây dựng đến kiểm định. Tuy nhiên, việc kiểm định thang máy vẫn chưa được quan tâm, đây là lỗ hổng trong quản lý chất lượng thang máy tại các nhà ở riêng lẻ.

Tai nạn chết người tại Hà Nội: Bao nhiêu thang máy không được kiểm định? ảnh 1
Hiện trường vụ rơi thang máy khiến 2 người tử vong tại Kim Mã, Ba Ðình, Hà Nội

Chiều tối 25/5, một vụ tai nạn liên quan thang máy ở Hà Nội khiến 2 nam thanh niên tử vong. Công an quận Ba Đình cho biết, 2 nạn nhân là công nhân sửa thang máy, đang sửa chữa thang máy cho công trình tại ngõ 523 Kim Mã (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) thì gặp nạn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND phường Ngọc Khánh cho biết, căn nhà đã xây dựng được 7 năm và thực hiện đúng theo giấy phép xây dựng được cấp. Thời gian qua, chủ đầu tư chỉ bảo dưỡng, sửa chữa lại hệ thống thang máy. “Hệ thống thang máy là thiết bị lắp thêm trong nhà, không phải hạng mục xây dựng nên phường không nắm được thông tin”, đại diện phường nói.

Trước đó trên phố Kim Mã, thang máy một chung cư xảy ra sự cố khi di chuyển đến tầng 7 khiến 2 người mắc kẹt bên trong. Trong lúc trèo ra, một cô gái bị rơi từ tầng 7 xuống tầng 1 theo đường hố thang và tử vong sau đó.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan sự cố thang máy đã xảy ra. Trong đó có vụ rơi vận thăng lồng đầu năm 2021 tại công trình thi công trụ sở làm việc của Sở Tài chính Nghệ An khiến 3 người chết, 8 người bị thương nặng. Nguyên nhân sự việc do Cty không có thẩm quyền kiểm định nhưng vẫn cung cấp dịch vụ kiểm định nên không phát hiện các lỗi của vận thăng và hậu quả thảm khốc đã xảy ra.

Hiện chưa có thống kê chính xác số gia đình sử dụng thang máy, lắp thêm trong nhà. Tuy nhiên, theo đại diện UBND nhiều phường của Hà Nội, số gia đình lắp thêm thang máy là khá lớn, nhất là với nhà liền kề, nhà ống cao từ 4-6 tầng để thuận tiện sinh hoạt, khai thác tối đa diện tích của căn nhà khi cho thuê.

Nỗi lo thang máy nhà riêng lẻ

Chị Đỗ Thị Nhung, thành viên Ban quản trị chung cư ở quận Nam Từ Liêm, cho biết, đối với chung cư, đều có kỹ thuật viên đến bảo trì hệ thống thang máy định kỳ hằng tháng. Phí bảo trì thang máy được lấy từ quỹ bảo trì của chung cư. Mỗi lần bảo trì, Ban quản trị đều có thông báo gửi cư dân biết để sử dụng thang máy khác trong thời gian bảo trì. “Thang máy là thiết bị quan trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cả tính mạng người dân nên luôn được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, một số trường hợp sự cố bất ngờ thì đơn vị bảo trì vẫn có mặt kịp thời để xử lý trong vài tiếng”, chị Nhung chia sẻ.

Trái với thang máy chung cư, thang máy trong các nhà ở riêng lẻ gần như không được quản lý. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khi cấp phép xây dựng cho công trình nhà ở riêng lẻ không có phần cấp phép cho thang máy. Bởi thang máy chỉ là một thiết bị công trình không nằm trong danh mục cấp phép xây dựng. Hiện thang máy được quy định về kiểm định do Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội cho biết, sau khi vụ tai nạn thang máy gây chết người tại phố Kim Mã xảy ra, Thanh tra sở đã lập đoàn thanh kiểm tra về sự cố này. Sau khi có kết quả sẽ thông tin cho cơ quan báo chí.

Theo quy định, thang máy thuộc Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động do Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Việc lắp đặt, kiểm định, sử dụng thang máy được điều chỉnh cụ thể bởi Thông tư 12/2021/TT-BLĐTBXH quy định quy trình kiểm định số QTKĐ: 02-2021/BLĐTBXH, có hiệu lực từ 15/11/2021.

Đại diện Cty Cổ phần Chứng nhận và kiểm định VinaControl nhận định, kiểm định thang máy là quy định bắt buộc theo quy định của Nhà nước. Việc này được thực hiện định kỳ tại các tòa nhà, văn phòng, doanh nghiệp. Nhưng đối với nhà dân, đa số chỉ yêu cầu sửa chữa, bảo dưỡng khi có sự cố, hỏng hóc. Theo đơn vị này, thang máy mới sẽ có thời hạn kiểm định là 3 năm. Với những thang máy có thời gian sử dụng trên 10 năm, thời hạn kiểm định định kỳ là 2 năm và còn 1 năm đối với những thang máy đã sử dụng trên 20 năm. Về trách nhiệm của đơn vị kiểm định đối với những thang máy hết thời hạn kiểm định, vị này nói: “Kiểm định là dịch vụ, do đó gia đình hoàn toàn có thể thuê đơn vị khác có đủ chức năng để tiến hành kiểm định. Do đó rất khó để theo dõi những thang máy này có kiểm định nữa hay không”.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn (Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long) cho biết, sự cố thang máy dễ xảy ra khi người dùng tại các gia đình thường coi thường việc kiểm định. Ngoài ra, còn có việc nhân viên kỹ thuật không nắm rõ, bỏ sót các quy trình kiểm định thang máy gây nên rủi ro trong hoạt động kiểm định lẫn khi vận hành sử dụng. Với những nhà có nhu cầu lắp đặt thang máy, cần tìm hiểu kỹ thị trường vì hiện có nhiều loại thang máy giá rẻ nhưng không có đủ giấy tờ chứng nhận hợp quy, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… sẽ dễ xảy ra sự cố sau thời gian sử dụng, ông Tuấn nói.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tai nạn chết người tại Hà Nội: Bao nhiêu thang máy không được kiểm định?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO