Tài khoản lừa đảo nhận tiền về, ngân hàng đang xử lý ra sao?

14/08/2023 07:32

Nhiều người sau cú điện thoại mất tiền tỷ, tiền đã chuyển vào tài khoản ngân hàng của các đối tượng lừa đảo, nhưng không dễ đòi/rút lại được. Các ngân hàng xử lý với các tài khoản lừa đảo, dạng 'tài khoản rác' này ra sao?

Cho phép phong toả tài khoản

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Techcombank cho biết, khi ngân hàng nhận được phản ánh về hành vi lừa đảo sẽ ngay lập tức thực hiện theo quy trình để ứng phó với vấn đề này và phối hợp các đơn vị trong và liên ngân hàng cũng như các tổ chức, cơ quan nhà nước như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, CTCP Thanh toán Quốc gia (NAPAS), Cục Công nghệ thông tin (NHNN) để bảo vệ tối đa cho khách hàng.

“Các tài khoản khi đã được xác nhận có hành vi lừa đảo thì ngân hàng có thể tạm thời phong toả (khóa/dừng hoạt động của tài khoản) cho đến khi có quyết định của cơ quan chức năng”, đại diện Techcombank cho hay.

Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cho phép các ngân hàng trong trường hợp phát hiệnra thông tin của tài khoản nhận tiền có vấn đề sẽ được phép tạm khoá tài khoản và yêu cầu chủ tài khoản đến ngân hàng. Các ngân hàng đang hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho các chi nhánh.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết trường hợp như vậy thường là chủ tài khoản mở tài khoản trực tuyến thông qua sinh trắc học, thậm chí có trường hợp còn đứng tên người khác mở tài khoản.

Với những trường hợp đáng ngờ, ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng mang giấy tờ tuỳ thân đến các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng gần nhất để đối chiếu thông tin. Trường hợp không đúng thông tin thì sẽ có quy trình xử lý tiếp theo.

Vị lãnh đạo Agribank cho biết, xử lý cụ thể như thế nào thì mỗi ngân hàng sẽ có những hướng dẫn khác nhau.

“Trước mắt, nếu phát hiện ra thông tin tài khoản được dùng cho mục đích lừa đảo thì ngân hàng được phép tạm đóng, dừng tài khoản. Người sử dụng tài khoả đó sẽ không thể rút tiền hoặc chuyển tiền sang một tài khoản khác”, đại diện Agribank nói.

Nhân viên Agribank ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo, giúp khách hàng giữ lại được tiền.

Nguy cơ thành con nợ vì cho thuê tài khoản

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cơ quan này tiếp nhận nhiều văn bản của công an các tỉnh, thành phố điều tra về các vụ án có liên quan đến cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng. Điều này cho thấy, thực trạng ý thức pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Họ nghĩ rằng việc cho thuê, cho mượn tài khoản sẽ không có vấn đề gì.

Trên thực tế việc cho mượn, cho thuê tài khoản dẫn đến hình thức lừa đảo. Người cho thuê, cho mượn tài khoản không mất tiền. Tuy nhiên, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người cho thuê/mượn tài khoản có thể bị xử lý hành chính với số tiền lớn hơn gấp nhiều lần số tiền có được từ việc cho thuê/cho mượn tài khoản.

Thậm chí, nếu các đối tượng dùng tài khoản đó để đi vay tiền từ các ổ nhóm tín dụng đen, có thể người phải gánh nợ chính là những người đứng tên tài khoản.

Có thể hiểu những tài khoản được thuê, mua, hoặc mượn cũng giống như sim rác trong điện thoại. Tuy nhiên, trong cách gọi của các ngân hàng, những tài khoản này được gọi là đúng tài khoản hay không đúng tài khoản.

Còn Phó Tổng Giám đốc Agribank khẳng định, nếu đã không đúng tài khoản sẽ khoá tài khoản, đồng thời sẽ báo cho cơ quan công an nếu có người bị hại đến trình báo. Việc người dân cho thuê/bán lại tài khoản ngân hàng cho các đối tượng đi lừa đảo sẽ dẫn đến rủi ro vi phạm về mặt pháp lý cho chính bản thân người cho thuê/bán lại đó.

Tại Techcombank, đại diện ngân hàng này cho biết luôn phải rà soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu công dân của Bộ Công an trong việc cung cấp thông tin để điều tra, xác định và xử lý các tài khoản này.

Ngân hàng luôn tuân thủ cao nhất các hướng dẫn của NHNN về quy trình tạo mới tài khoản, xác thực tính định danh của tài khoản, cũng như luôn giám sát các hành vi bất thường đối với các tài khoản thuộc diện nghi ngờ cao trên hệ thống theo đúng quy định của pháp luật.

Một khách hàng của LPBank tại Hà Giang suýt chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo nếu không được nhân viên ngân hàng và cán bộ công an ngăn chặn kịp thời.

Thường những người bị lừa là những khách hàng chuyển tiền trực tuyến, trong khi nếu giao dịch tại quầy có thể sẽ được nhân viên ngân hàng phát hiện kịp thời, nhất là với những khách hàng bỗng dưng rút tiền tiết kiệm để chuyển tiền cho ai đó.

“Mỗi một trường hợp chúng tôi sẽ có phương pháp tập huấn khác nhau và có những cảnh báo để gửi các chi nhánh tham khảo. Thông thường nếu gặp khách hàng rút tiền tiết kiệm khi chưa đến hạn là chúng tôi sẽ tìm hiểu lý do”, bà Nguyễn Thị Phượng nói.

Agribank cho biết, năm 2022, ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng, giúp ngăn chặn gần 50 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với hơn 8 tỷ đồng. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, con số vụ lừa đảo đã tăng gấp đôi với gần 100 khách hàng, số tiền “suýt” bị chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỷ đồng.

LPBank gần đây cũng liên tục phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc tương tự. Hàng chục vụ việc được phát hiện bởi nhân viên ngân hàng trong thời gian từ đầu năm đến nay, chủ yếu diễn ra với những người già.

Điều này cho thấy, các vụ lừa đảo đang có chiều hướng gia tăng ngày càng nhiều cả về số lượng và mức độ tinh vi, xảo quyệt. Mặc dù các ngân hàng đã có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhưng nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng

Theo ông Trần Minh Quân, Trưởng phòng cấp cao, Dịch vụ An toàn Thông tin, PwC Việt Nam, đối với cá nhân, chúng ta cần hết sức cẩn thận với những yêu cầu chuyển tiền và cần thực hiện những biện pháp như xác nhận lại hoặc gặp mặt trực tiếp để xác minh lại tài khoản cũng như mục đích chuyển tiền là hợp pháp/hợp lý. Có nhiều trường hợp người dùng Facebook bị hack tài khoản, nhờ chuyển tiền và người bị hại đã không cảnh giác mà chuyển tiền luôn. 
Có những trường hợp có phần mềm giả giọng nói, hình ảnh y hệt người thân, chúng ta cần lưu ý những công nghệ AI để nâng cao cảnh giác và cẩn thận. 
Ở góc nhìn doanh nghiệp, có những trường hợp kế toán trưởng nhận được email từ Tổng giám đốc/CEO nói rằng công ty cần chuyển tiền cho cá nhân nào đó, và đó có thể là email lừa đảo.
Quy trình hậu kiểm/phê duyệt với những khoản tiền cần có sự xác nhận, kiểm tra chéo, kiểm tra tài khoản có phải là tài khoản đơn vị đã từng làm việc cùng hay không. 
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tai-khoan-lua-dao-nhan-tien-ve-ngan-hang-dang-xu-ly-ra-sao-2176401.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/tai-khoan-lua-dao-nhan-tien-ve-ngan-hang-dang-xu-ly-ra-sao-2176401.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tài khoản lừa đảo nhận tiền về, ngân hàng đang xử lý ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO