Mới đây, mạng truyền hình tin tức All Nippon News của Nhật Bản đã công bố những bức ảnh vệ tinh của họ cho thấy, hàng chục xác tàu vận tải của Nhật Bản - từng bị chìm trong trận Iwo Jima - đã trồi lên biển và dạt vào bờ sau những chấn động dữ dội của một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất Nhật Bản - núi Suribachi.
Trận Iwo Jima (đặt theo hòn đảo cùng tên) năm 1945 được xem là một trong những trận chiến hoành tráng nhất trong Thế chiến II và là một trong những trận đẫm máu nhất trong lịch sử Thủy quân lục chiến Mỹ.
Iwo Jima là tên một hòn đảo thuộc vành đai núi lửa Nhật Bản, nằm về phía Nam của quần đảo Ogasawara.
Các bức ảnh vệ tinh của All Nippon News cho thấy những xác tàu còn sót lại của 24 tàu vận tải Nhật Bản đã bị Hải quân Mỹ thu giữ sau cuộc chiến. Sau đó, Hải quân Mỹ cố tình đánh đắm chúng ở khu vực phía tây hòn đảo Iwo Jima để làm đê chắn sóng, bảo vệ các tàu chở binh lính, vũ khí và nhu yếu phẩm cho Hải quân Mỹ.
Hơn 7 thập kỷ bị chôn vùi dưới đáy biển, những xác tàu này lại trồi lên, khiến nhiều người nhớ lại những thời khắc kinh hoàng trong trận chiến giữa Mỹ và Nhật Bản.
Theo các nhà lịch sử, hòn đảo Iwo Jima được biết đến với cái tên Bãi biển Brown trên các bản đồ chiến lược của Mỹ nhằm ám chỉ một căn cứ hải quân nhân tạo để hỗ trợ một căn cứ quân sự của Mỹ trước cuộc tấn công vào lục địa Nhật Bản.
Hình minh họa trận chiến Iwo Jima trên hòn đảo cùng tên giữa Mỹ và Nhật năm 1945.
Hiện nay, không có cư dân sinh sống trên hòn đảo này, mặc dù nó đã thuộc về quân đội Nhật Bản sau khi Mỹ trao trả vào năm 1968.
Liên tục trong 53 năm, hòn đảo Iwo Jima không một bóng người, trở thành đảo hoang bởi đây là một trong những địa điểm nguy hiểm nhất hành tinh. Và nó được mệnh danh là "Đảo Lưu huỳnh" (vì loại khí lưu huỳnh phun ra trong quá trình núi lửa hoạt động).
Chưa kể, ngọn núi lửa Suribachi, cao 169 mét, được xếp vào danh sách 10 ngọn núi lửa nguy hiểm nhất ở Nhật Bản.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh All Nippon News, Setsuya Nakada, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Nghiên cứu Núi lửa của chính phủ, cho biết: "Khu vực biển đổi màu đã lan rộng ra các khu vực xung quanh, điều này cho thấy hoạt động núi lửa vẫn chưa suy giảm. Có khả năng xảy ra một vụ phun trào lớn, nguy hiểm trên Iwo Jima".
Theo dữ liệu từ Đại học Bang Oregon (Mỹ), đã có ít nhất 10 vụ phun trào núi lửa trên đảo Iwo Jima - với lần gần đây nhất xảy ra vào năm 1982.
Đại học Bang Oregon phát hiện rằng địa hình trên đảo đã neeng lên ít nhất 10 mét kể từ năm 1952 do hoạt động địa chấn.
Vào tháng 8/2021, các bức ảnh vệ tinh Nhật Bản đã ghi lại khoảnh khắc núi lửa Fukutoku-Okanoba dưới nước, cách đảo Nam Iwo Jima khoảng 5km về phía bắc, đã phun trào. Điều này dẫn đến một hòn đảo mới xuất hiện trong chuỗi quần đảo Ogasawara.
Đầu tháng 10/2021, một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã làm rung chuyển Tokyo, khiến các tòa nhà lắc lư và giao thông đình trệ.
Nhật Bản là quốc gia nằm trên 'Vành đai lửa' Thái Bình Dương, một vòng cung của các hoạt động địa chấn dữ dội trải dài qua Đông Nam Á và qua lưu vực Thái Bình Dương.
Gần đây nhất, một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Nhật Bản, may mắn là cũng không gây thiệt hại.
Đất nước này thường xuyên hứng chịu các trận động đất và có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng nhằm đảm bảo các tòa nhà có thể chịu được chấn động mạnh.
NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ XÁC TÀU TRỒI LÊN BÃI BIỂN Ở ĐẢO HOANG
Hoạt động địa chấn tại núi lửa Suribachi của Nhật Bản đã dẫn đến việc một số tàu trồi lên và dạt vào bờ sau khi chúng bị đánh chìm trong trận Iwo Jima trong Thế chiến thứ hai. Ảnh: All Nippon News
Những xác tàu còn sót lại của 24 tàu vận tải Nhật Bản bị Hải quân Mỹ thu giữ dạt vào bờ. Ảnh: All Nippon News
Hình ảnh ngọn núi lửa nguy hiểm bậc nhất Nhật Bản. Ảnh: Getty Images
Bài viết sử dụng nguồn: DM