Cụ thể công ty Magellan lập ra bản đồ biển sâu và tiến hành chụp hơn 700 nghìn ảnh để tạo ra bản 3D siêu thực của con tàu Titanic đang nằm ở độ sâu 4.000m dưới đáy đại dương.
Dự án diễn ra từ mùa hè năm ngoái và có tên là "dự án khai phá lớn nhất trong lịch sử".
Vào rạng sáng ngày 15/4/1912, con tàu mang tên Titanic chở hơn 1.500 hành khách đâm vào tảng băng lớn và bắt đầu chìm sâu dưới lòng biển.
Từ đó, Titanic vẫn luôn được nhắc đến như một trong những bí ẩn lớn nhất của thế giới, vì vẫn chưa thể khám phá hoàn toàn về sự việc năm đó cũng như không thể trục vớt xác của con tàu.
Dự án lần này được xem như một bước đột phá cực lớn khi có thể phá vỡ mọi suy đoán trước đó của con người xoay quanh thảm kịch năm xưa và chứng minh nó bằng dữ liệu chi tiết của khoa học.
Parks Stephenson, một nhà phân tích và nhà sử học Titanic chia sẻ cảm nhận khi được yêu cầu đánh giá hình ảnh: "Bản quét đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Đây là một bước đi quan trọng để đưa câu chuyện Titanic theo hướng chuẩn xác, dựa trên bằng chứng chứ không phải lời đồn".
Atlantic Productions, công ty hợp tác với Magellan tạo dựng bộ phim tài liệu về dự án đăng tải trên trang web của họ: "Nhờ sử dụng các hệ thống camera chìm và điều khiển tàu lặn từ xa để quan sát mọi góc độ của tàu Titanic, nhóm thực hiện các phép chụp ảnh chuyên dụng trên xác tàu, cho phép tạo ra các mô hình 3D chân thực và có độ chính xác gần như hoàn hảo."
Tàu Titanic từng được cho là đã vỡ vụn hoàn toàn và chỉ còn lại những mảnh nhỏ sau ngần ấy năm nằm sâu dưới đáy biển cho đến năm 1985, xác của nó được phát hiện lần đầu tiên năm cách bờ biển Newfoundland, Canada khoảng 650km. Nhiều cuộc tìm kiếm diễn ra với quy mô lớn, nhưng chưa một ai thật sự có thể chứng kiến toàn bộ con tàu.
Hiện tại, giới khoa học đang gấp rút chạy đua với thời gian để tối ưu hóa việc khám phá mọi yếu tố dựa trên công nghệ quét ảnh trước khi thực thể hoàn toàn sụp đổ.
Ngoài ra, mô hình quang ảnh không chỉ được dùng cho Titanic mà sẽ được vận dụng vào tất cả các hoạt động thám hiểm dưới nước trong tương lai.