Tách luật Giao thông đường bộ: Rà soát kỹ để không phát sinh chồng chéo!

Châu Như Quỳnh| 14/02/2022 20:45

Nếu tách luật Giao thông đường bộ thì cần có rà soát kỹ dự thảo của 2 luật để có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ, không phát sinh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình triển khai thực hiện.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện còn rất nhiều luồng ý kiến khác nhau nên việc tiếp tục lấy ý kiến là rất cần thiết.

Có phù hợp với thông lệ quốc tế?

Tại hội thảo lấy ý kiến về luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ngày 14/2, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, luật Giao thông đường bộ năm 2008 được sửa đổi theo hướng tách làm 2 luật mới: luật Đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, soạn thảo và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Theo ông Thanh, để thực hiện một quy định về giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ phải tham khảo 2 luật, có phát sinh nhiều bất cập và có khả năng tranh chấp trách nhiệm và quyền hạn giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an trong quản lý giao thông đường bộ.

"Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tách thành 2 luật để điều chỉnh phương thức vận tải đường bộ, vậy có cần thiết và hợp lý không, có phá vỡ sự đồng bộ về hệ thống pháp luật giao thông vận tải của nước ta hay không, có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không?" - ông Thanh nêu cả loạt câu hỏi.

Tách luật Giao thông đường bộ: Rà soát kỹ để không phát sinh chồng chéo! - 1

Hội thảo lấy ý kiến về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ngày 14/2.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này cần có định hướng rõ nét về phát triển và quản lý hoạt động giao thông vận tải đô thị; luật cần chế định những nội dung cụ thể, phân công chức năng chủ trì, phối hợp giữa các ngành, lộ trình thực hiện chương trình chuyển đổi số trong giao thông đồng thời đề nghị nghiên cứu sửa đổi luật theo hướng thúc đẩy sử dụng công nghệ để ghi nhận bằng chứng vi phạm và áp dụng hình thức xử phạt nguội là chính.

Nhìn nhận yêu cầu quản lý về trật tự an toàn giao thông không chỉ được quy định trong luật Trật tự an toàn giao thông mà còn cần được quy định trong xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, theo ông Quyền, nếu tách luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật thì đề nghị cần có rà soát kỹ dự thảo của cả 2 luật để có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong luật và không phát sinh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình triển khai thực hiện.

Liên quan đến việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải về Bộ Công an quản lý, TS. Đào Huy Hoàng - Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải - cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học vững chắc, xem xét, lấy ý kiến rộng rãi. Nếu còn nhiều ý kiến nên chăng cho phép việc đào tạo và sát hạch lái xe ở cả 2 bộ, tăng cường xã hội hóa và kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng lái xe cơ giới đường bộ" - ông Hoàng cho hay.

Với tình hình diễn biến phức tạp của tình hình tai nạn giao thông và mất trật tự khi tham gia giao thông có thể coi là quốc nạn thì giải pháp xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông là cần thiết, tuy nhiên cần xem xét lại nội dung của Luật để đảm bảo phù hợp thực tiễn hơn, không thuần túy là tách cơ học từ Luật Giao thông đường bộ.

"Việc tách luật không cần bàn cãi nữa"

Tại hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" do Bộ Công an tổ chức vào cuối tuần trước, các đại biểu cho rằng việc tách luật phải phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, đảm bảo phân công nhiệm vụ rõ ràng, từ đó đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Tách luật Giao thông đường bộ: Rà soát kỹ để không phát sinh chồng chéo! - 2

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lần này theo hướng tách thành 2 luật (Ảnh: Tiền Phong).

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nhấn mạnh luật được Bộ Công an trình Chính phủ. Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 nhiều đại biểu đã cho ý kiến.

"Thời điểm trên, căn cứ lý luận và thực tiễn của dự thảo luật còn thiếu thuyết phục nên Quốc hội yêu cầu trả về cho Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và tính toán việc tách luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Gần một năm sau đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ có Nghị quyết đồng ý tách luật và giao nhiệm vụ cho Bộ Công an và Bộ GTVT trực tiếp tham gia hoàn thiện dự thảo luật này" - ông Đức thông tin.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, việc tách luật đến nay không cần bàn cãi nữa, nhưng điều quan trọng là việc thực hiện tách luật phải được thực hiện chặt chẽ. Khi tách phải chuẩn nhất không bị trùng. Để làm được việc này, ông Đức nhận định đây là "việc rất khó".

"Việc ban hành luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ tạo ra bước đột phá về trật tự an toàn giao thông đường bộ với những nội dung đột phá về chính sách, sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhà nước và nhân dân, như: Thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý rõ, cụ thể trong đảm bảo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước...; Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước Đảng, nhân dân trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông...; Phù hợp với quy luật phát triển và kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới; Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế" - ông Nguyễn Minh Đức nói.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/tach-luat-giao-thong-duong-bo-ra-soat-ky-de-khong-phat-sinh-chong-cheo-20220214174456072.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/tach-luat-giao-thong-duong-bo-ra-soat-ky-de-khong-phat-sinh-chong-cheo-20220214174456072.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tách luật Giao thông đường bộ: Rà soát kỹ để không phát sinh chồng chéo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO