Tác giả 'Yêu đi đừng sợ' nói về cuộc tình độc hại khi đối tác là người có tâm lý bất an và có ý định tự tử

21/09/2020 10:24

Đủ bản lĩnh bước vào thì cũng nên đủ bản lĩnh bước ra', Kim Oanh nói về một mối quan hệ yêu đương tiêu cực như thế.

Kim Oanh là tác giả của cuốn "Yêu đi đừng sợ", hiện chị đang sinh sống tại Thụy Sĩ.

Tôi muốn hỏi ngược tác giả của “Yêu đi đừng sợ”, dù tình yêu có tuyệt vời, nhưng với đối tượng như thế nào thì nhất quyết không thể tiến tới?

Theo tôi, không có quy chuẩn chung nào cho một người tình “không-thể-tiến-tới" bởi vì cái này phụ thuộc vào nhu cầu và quan điểm của mỗi cá nhân. Đối với cá nhân tôi, tôi không ủng hộ việc ở lại trong một mối quan hệ độc hại ngay cả không hề có cách khiến cho nó lành mạnh hơn.

Mối quan hệ độc hại là gì? là khi ở trong đó, chúng ta càng ngày càng trở nên đau khổ, tuyệt vọng, chán nản, thậm chí là có xu hướng tự đày đọa bản thân và đánh mất chính mình.

Tình yêu vốn dĩ sinh ra để mang lại cho con người ta hạnh phúc, nếu như tình yêu đó chỉ mang đến cho bạn toàn những điều tiêu cực thì bạn nên xem xét lại ý nghĩa của tình yêu đó trong cuộc sống của bạn là gì.

Gần đây có nhiều vụ tự tự vì tình xảy ra. Thất tình tự tử. Cha mẹ cấm đoán cũng rủ nhau tự tử. Mạng sống của mình là thứ có thể mang ra để đánh đổi cho tình yêu không?

Dưới góc độ tâm lý học, tự tử không phải là một hành vi mang tính bộc phát hay chỉ xuất phát từ một lí do. Khi người ta tự tử, thường thì tâm lý của họ đã bị chi phối và tổn thương từ một giai đoạn dài, dẫn tới tâm lý “mất niềm tin vào tương lai". Họ cho rằng cuộc sống này chẳng còn gì đáng để lưu luyến và bởi vậy họ chọn kết liễu nó.

Tác giả

Tự tử vì tình chỉ là một cái ngọn trong một chuỗi sự kiện dài. Thường thì những người này vốn dĩ đã thiếu điểm tựa tinh thần, thiếu cảm giác được yêu thương (theo đúng như cách họ muốn). Khi gặp được người tình của họ, họ xem đó là chiếc phao cứu sinh, thứ mang cho họ cảm giác được yêu thương, được bù đắp và một khi chiếc phao này cũng biến mất, họ cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa và mình không còn lí do gì để tồn tại.

Tôi không cho rằng tự tử là một hành vi đáng bị chỉ trích và ném đá, đó là một hiện tượng tâm lý tiêu cực đáng được xã hội quan tâm. Thật dễ để chỉ tay phán xét sai lầm của một ai đó, nhưng để hiểu được lí do sâu xa đẩy họ đến sai lầm đó lại cần rất nhiều sự nhân văn.

Nếu gặp đối tượng là 1 người tâm lý bất an, thường có ý định kết liễu cuộc đời mình theo chị có nên tránh xa?

Lại là dưới góc độ tâm lý, những người như vậy là những người cần được xã hội quan tâm chứ không phải là chỉ trích và tránh xa. Còn tất nhiên, tôi hoàn toàn hiểu được nếu một ai đó muốn tránh xa nguồn năng lượng tiêu cực mà một người bất an mang lại, đó là quyền cá nhân của họ, ai mà chẳng có quyền chọn cho mình một cuộc sống vui vẻ và được bao quanh bởi những người lạc quan chứ.

Nhưng dưới cái nhìn xã hội học, cộng đồng cần có sự quan tâm nghiêm túc tới sức khỏe tâm lý của con người. Một xã hội hạnh phúc là nơi mà từng cá thể cảm thấy tin yêu cuộc sống và không bị bỏ rơi.

Tác giả

Còn với người tự nhận thấy mình có những vấn đề về tâm lý và nếu có trách nhiệm, nếu cảm thấy bản thân mình nhiều bất an thì có phải nên hãy cứ sống thế đi, trước khi có khả năng tự chữa lành cho mình thì đừng lôi thêm ai đó vào để “chìm xuồng” cùng bạn…

Thực ra thế này bạn ạ, một người đã có vấn đề tâm lí thì họ ít khi nào lại có thể nhận thức được bản thân có vấn đề và phải có trách nhiệm lắm. Nếu họ đủ tỉnh táo để nhận thức được như thế thì đã không gọi họ là những người có vấn đề về tâm lý.

Tôi cho rằng điều cần thiết vẫn là xã hội, cộng đồng và từng cá nhân cần phải thừa nhận tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý, cởi mở và đón nhận những người đang gặp khúc mắc tinh thần, các công tác về tâm lý học cần được đẩy mạnh đúng mức để tạo một lối ra cho những người đang cảm thấy không ổn.

Ví dụ như ở xã hội phương Tây, khái niệm “nhà tâm lý" rất phổ biến, bất cứ khi nào con người ta cảm thấy không ổn, họ đều có một chiếc “phao cứu sinh" mang tên nhà tâm lý, người sẵn sàng lắng nghe và không phán xét, sẵn sàng đồng hành và giúp họ vượt qua những khoảnh khắc tồi tệ.

Ở Việt Nam, khi chúng ta gặp bế tắc, chúng ta gần như không biết làm gì cả, trao đổi với người thân đôi khi cũng chẳng cảm thấy được cảm thông. Và khi bế tắc bị đẩy đến tột cùng mà không có lối thoát, một hiện tượng tâm lí phổ biến xảy ra đó là người ta bị tiêu cực hóa và mất kiểm soát trong hành vi và suy nghĩ.

Còn những người dấn bước vào 1 cuộc yêu với đối tượng là người có tâm lý bất an, họ từng nghĩ rằng mình có thể là chỗ dựa, là “cột vách” của ai đó, đấy có phải là sự ảo tưởng không?

Tôi không dám phán xét quyết định của những người này. Việc chúng ta tin rằng bản thân đủ bản lĩnh và khả năng để kéo một ai đó khỏi vũng bùn đau khổ là một chuyện khá bình thường. Khi bạn trò chuyện với một người bạn đang buồn bã, bạn có cảm thấy mình là người hùng và phải có trách nhiệm cứu rỗi cô ấy hay anh ấy không?

Tôi cho rằng mục đích của nó là tốt đẹp, là nhân văn, nhưng nếu như đến chính bạn cũng không đủ mạnh mẽ trong tâm trí, đến chính bạn cũng đang có rất nhiều khúc mắc tâm lý chưa được tháo gỡ thì việc hai người bế tắc ở bên nhau rất dễ dẫn tới những hành vi tiêu cực và mức độ tiêu cực thậm chí còn tồi tệ và đáng sợ hơn rất nhiều so với bế tắc một mình.

Nhưng họ không yêu chính mình, họ sẽ chẳng thể yêu được bạn...

Đúng, nhưng vấn đề là một người vốn đã có bất ổn tâm lý liệu có nhận ra được rằng anh ta hay cô ta không đủ yêu chính mình hay không?

Chị có nghĩ tâm lý không ổn định, bất an hay có ý định tự sát có khả năng “lây” hay không?

Sự tiêu cực nói chung có tính lây lan (và cả sự tích cực cũng vậy). Như đã nói ở trên, nếu bản thân bạn cũng là một người đang có sẵn những vấn đề tâm lí, bạn thiếu sự tỉnh táo và khả năng phân tích vấn đề một cách độc lập; mà bạn còn thường trực bên một người tương tự, nó sẽ giống như sự cộng hưởng. Việc hai bạn cùng đưa ra những quyết định cực đoan là điều khó có thể tránh khỏi.

Bởi vậy nên trên thực tế mới có những nhóm bạn cùng nhau sử dụng chất kích thích, cùng nhau phạm pháp, thậm chí là cùng nhau kết liễu đời mình.

Ngành tâm lý học tội phạm đã ghi nhận: những tội phạm hoặc những nhóm tội phạm thường có tuổi thơ bất hạnh hoặc cùng mắc vào những vấn đề tâm lý tương đồng, điều này dễ dẫn tới những hành vi sai trái được cùng nhau thực hiện.

Sống trong 1 cuộc tình bất ổn, nhiều hoài nghi và sự chán chường từ đối phương mang lại, dù tình yêu là tự nguyện nhưng rồi lại biến thành gông cùm. Tự do trong việc chọn lựa nhưng rồi lại không có được tự do trong tình yêu, lỡ bước chân vào rồi thì người còn lại nên làm gì?

Phần lớn những người bị mắc kẹt trong một mối quan hệ độc hại thường là những người luôn cảm thấy mình cô đơn và họ xem người tình độc hại của mình là điểm bám víu để không phải chịu cảm giác cô đơn. Họ sợ bị bỏ rơi và chối bỏ.

Tác giả

Bởi vậy nên đôi khi, ngay cả khi họ nhận thấy mối quan hệ họ đang sở hữu là độc hại, họ vẫn không dám bước ra khỏi đó bởi vì chí ít, đối với họ, điều đó không đáng sợ bằng việc chịu đựng cảm giác cô đơn.

Bởi vậy, để không trở thành nạn nhân của một cuộc tình độc hại, điều quan trọng là con người ta phải tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống ở nhiều mối quan hệ khác, ở nhiều hoạt động khác trong cuộc sống.

Một người cảm thấy được yêu thương bởi gia đình, được bao quanh bởi bè bạn, được tiếp động lực bởi sự nghiệp và những niềm đam mê thường sẽ không dễ dàng chôn vùi cuộc đời mình vì một người tình khiến họ đau khổ, bởi vì họ biết họ có giá trị và được trân trọng trong nhiều mối quan hệ khác.

Đây là câu chuyện hai chiều, bản thân mỗi người cần phát triển cuộc sống của mình một cách đa dạng, nhưng ngược lại, chúng ta cũng cần quan tâm đến đời sống tinh thần của những người thân để giúp họ tin rằng: họ không bao giờ cô đơn và họ luôn có thể tin cậy ở chúng ta khi cần.

Sống tại Thụy Sĩ, là 1 cây viết định hình được phong cách, điều gì chị thấy là tiên tiến trong tình yêu mà ở ta dường như vẫn còn thiếu?

Tôi không dám so sánh tư duy về tình yêu giữa quốc gia này với quốc gia kia bởi vì mọi sự so sánh đều là khập khiễng, và tôi không am tường tất cả cặp đôi ở Việt Nam hay ở Thụy Sĩ để có thể đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, nếu bạn hỏi tôi rằng điều gì tôi học được về tình yêu từ những con người ở đây, tôi nghĩ đó là ý thức tự chịu trách nhiệm với tất cả những quyết định của chính mình, không đổ lỗi, không tự xem mình là nạn nhân.

Tác giả

Khi bạn bước chân vào một cuộc tình, nếu bạn ý thức được mọi thứ bạn làm, mọi điều bạn quyết định là lựa chọn chủ động của bạn và bạn sẵn sàng chịu trách nhiệm với mọi hệ quả mà nó mang lại, bạn sẽ tiệm cận gần hơn với một mối quan hệ lành mạnh. Và ngay cả khi nó không lành mạnh thì bạn cũng sẽ đủ bản lĩnh để bước chân ra khỏi nó.

Tác giả
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tác giả 'Yêu đi đừng sợ' nói về cuộc tình độc hại khi đối tác là người có tâm lý bất an và có ý định tự tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO