Tác động toàn cầu của cuộc xung đột đẫm máu Israel - Hamas

18/10/2023 17:14

Cuộc xung đột Israel - Hamas gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình tại Trung Đông cũng như toàn cầu và có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực này.

Tác động toàn cầu của cuộc xung đột đẫm máu Israel - Hamas

Cuộc xung đột giữa Israel - Hamas đang ngày càng leo thang tới mức khó đoán định và nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tác động tiêu cực không chỉ với vùng đất Trung Đông mà với toàn thế giới.

Ngày 12/10, Trung tá Richard Hecht, người phát ngôn lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, IDF đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tấn công trên bộ vào Gaza nếu nhận được lệnh từ chính phủ Israel. Hàng chục nghìn binh sĩ Israel đã tập kết ở một căn cứ mới nằm gần biên giới Gaza để sẵn sàng hành động.

Tác động đối với hòa bình ở Trung Đông

Tác động toàn cầu của cuộc xung đột đẫm máu Israel - Hamas - 1

Rocket được phóng từ Dải Gaza về phía Israel (Ảnh: Reuters).

Thứ nhất, cuộc xung đột đang leo thang dữ dội giữa Hamas và Israel đang gây ra các cú sốc chính trị sâu sắc, những biến đổi chiến lược đầy bất ngờ và khó đoán ở khu vực Trung Đông.

Sự tan vỡ đột ngột của khoảng thời gian yên tĩnh và hy vọng hiếm hoi về những đột phá ngoại giao ở "vùng đất nóng" đã làm thay đổi các tính toán của Israel, Mỹ, thế giới Ả Rập và cả toàn cầu.

Các nhà phân tích chính trị đánh giá, việc Hamas bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7/10 đã làm phức tạp và trì hoãn các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Ả rập Xê út và Israel, đồng thời "dội bom" vào nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy Ả Rập Xê Út bình thường hóa quan hệ với Israel vì hòa bình, ổn định ở Trung Đông.

Nhà nghiên cứu cấp cao Hussein Ibish tại Viện Các quốc gia Vùng Vịnh có trụ sở tại Washington (Mỹ) đánh giá, bất kỳ biện pháp an ninh mới nào mà Israel đưa ra sẽ làm thay đổi tính toán của Ả Rập Xê Út về rủi ro chính trị, ngoại giao và chiến lược liên quan tới thỏa thuận bình thường hóa.

Nhà nghiên cứu Aziz Alghashian tại Dự án Richardson thuộc Đại học Lancaster (Anh) nhận định, trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, các cuộc đàm phán bình thường hóa giữa Israel và Ả Rập Xê Út sẽ tạm ngừng và triển vọng nối lại khá mơ hồ.

Xét về lâu dài, cuộc xung đột này không thể làm thay đổi động lực chiến lược cơ bản của một thỏa thuận tương lai, vì nó được thúc đẩy bởi các yếu tố trong mối quan hệ giữa Mỹ, Israel, Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác có liên quan, tuy nhiên, cuộc đàm phán sẽ mất nhiều thời gian hơn, thậm chí nhiều khó khăn hơn.

Thứ hai, nguy cơ chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông là rất lớn. Cuộc chiến hiện nay giữa Israel và Hamas có khả năng trở thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, làm rung chuyển vùng đất Trung Đông vốn đã "không thể ngủ yên" trong nhiều thập niên qua.

Các nhóm vũ trang khác trong khu vực, bao gồm Hezbollah, có thể cung cấp nhân lực hoặc nắm bắt thời cơ để kích động bạo lực ở nơi khác và giao tranh cũng có thể lan rộng ra ngoài Dải Gaza do Hamas kiểm soát và tới Bờ Tây.

Ngày 8/10, Hezbollah đã đáp lại lời hiệu triệu của Hamas khi bắn đạn cối vào 3 cứ điểm trong vùng Shebaa do quân đội Israel kiểm soát, tuyên bố vụ tập kích nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine.

Ngày 11/10, Hezbollah tuyên bố đã phóng "tên lửa dẫn đường chính xác" vào lãnh thổ Israel để đáp trả các cuộc tấn công khiến 3 thành viên của họ thiệt mạng, đồng thời khẳng định sẽ phản ứng quyết đoán với các cuộc tấn công vào lãnh thổ Li Băng, đặc biệt là những vụ gây chết người.

Trong khi đó, Israel cũng đã điều thêm hàng chục nghìn binh sĩ đến khu vực biên giới với Li Băng, đề phòng nhóm Hezbollah tấn công, còn Mỹ cảnh báo Hezbollah rằng việc mở "mặt trận thứ hai" chống lại Israel sẽ là quyết định sai lầm, khẳng định Mỹ cam kết hỗ trợ Israel phòng thủ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá, mỗi chính phủ hoặc nhóm cũng có động cơ để tránh xung đột leo thang, bao gồm việc không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Washington hoặc đổ nhân lực và tài sản vào một cuộc chiến không có hồi kết rõ ràng.

Hơn nữa, các quốc gia Ả Rập sẽ miễn cưỡng công khai phản đối người Palestine trong cuộc xung đột này, do đó, vẫn có thể có không gian cho một số biện pháp ngoại giao sáng tạo liên quan đến các đối tác lâu năm của Mỹ như Ai Cập, Jordan và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh trong việc đưa ra lệnh ngừng bắn.

Tác động đối với an ninh toàn cầu

Tác động toàn cầu của cuộc xung đột đẫm máu Israel - Hamas - 2

Người Palestine biểu tình phản đối Israel tấn công Dải Gaza (Ảnh: Reuters).

Thứ nhất, cuộc xung đột Hamas - Israel đang gây ra tác động toàn cầu, đặc biệt với an ninh của cộng đồng người Do Thái trên thế giới. Hiện nay nhiều nước phương Tây phải tăng cường an ninh tại các cơ sở của người Do Thái, nhất là khi những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đang nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp thế giới.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman cảnh báo "không khoan nhượng đối với chủ nghĩa bài Do Thái hoặc tôn vinh chủ nghĩa khủng bố trên đường phố Anh". Tại Mỹ, Pháp, Đức… cảnh sát cũng đã triển khai các biện pháp tăng cường an ninh xung quanh các giáo đường và trường học Do Thái.

Thứ hai, những diễn biến hiện nay ở Trung Đông có thể gây ra những ảnh hưởng chính trị mang tính chiến lược rộng hơn. Trong hơn một thập niên qua, Mỹ đã cố gắng xoay trục khỏi Trung Đông và hướng tới châu Á, tuy nhiên, cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Hamas có thể sẽ thúc đẩy Mỹ phải có những tính toán hợp lý, cân bằng hơn, nhất là trong bối cảnh Nga và Trung Quốc ngày càng tăng cường vai trò và ảnh hưởng ở điểm nóng này.

Mỹ đang tăng cường cung cấp trang thiết bị phòng không và đạn dược cho Israel, điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford đến phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời đề nghị hỗ trợ thông tin tình báo cho các hoạt động giải cứu con tin.

Trong khi đó, các nhà quan sát đang theo dõi liệu Nga hay Trung Quốc có đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm kiến tạo hòa bình ở Trung Đông thời điểm này hay không. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực một khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu bởi cả hai nước này đều có liên lạc với Israel và Hamas.

Tác động đối với nền kinh tế thế giới

Tác động toàn cầu của cuộc xung đột đẫm máu Israel - Hamas - 3

Những tòa nhà đổ nát sau các trận tập kích ở Gaza (Ảnh: AFP).

Xung đột Israel - Hamas đang tác động đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, và xung đột Nga - Ukraine, đồng thời có thể khiến nhiều nước đối mặt với làn sóng lạm phát mới.

Ngay sau khi xung đột nổ ra, thị trường dầu mỏ, vàng và đôla Mỹ đã có biến động ngay lập tức. Kết thúc phiên giao dịch hôm 9/10, giá dầu thô tăng vọt hơn 4% lên mức 89 USD/thùng, trong đó, giá dầu WTI của Mỹ ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp với mức tăng 4,34%, lên 86,38 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 4,22%, lên 88,15 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 12 tăng 0,09% lên 88,26 USD/thùng.

Tuy nhiên, trong hai ngày 10/10 và 11/10, giá dầu đã "hạ nhiệt" đôi chút khi chốt phiên giao dịch giá dầu thô Brent giảm xuống còn 87,65 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ giảm xuống 85,97 USD/thùng.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, mặc dù tác động của xung đột lên nguồn cung dầu đến thời điểm hiện nay "gần như bằng 0", nhưng yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng chính là các nguy cơ rủi ro về địa chính trị. Mối lo ngại lớn đó là một khi các bên thứ ba như Mỹ, Iran hay một số quốc gia khác ở vùng Vịnh bị kéo vào cuộc xung đột, "cuộc chơi trên thị trường dầu mỏ sẽ thay đổi hoàn toàn".

Nhà phân tích cấp cao Homayoun Falakshahi của Công ty dữ liệu Kpler (Bỉ) nhận định, nếu điều này xảy ra giá dầu sẽ không chỉ tăng 2% mà thậm chí có thể tăng vọt 20%, làm dấy lên lo ngại về một thời kỳ giá cao kéo dài, gây ra các tác động tiêu cực với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Trong khi đó, vàng và đôla Mỹ "lên ngôi". Ngày 9/10, giá vàng thế giới tăng 1% lên mức 1.850 USD/ounce (phục hồi từ mức thấp nhất trong 7 tháng qua), đồng đôla Mỹ tăng 0,5% so với rổ tiền tệ ngang hàng. Ngày 12/10, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.876,1 USD/ounce; giá vàng giao tương lai tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.890,4 USD/ounce.  Các chuyên gia kinh tế nhận định xung đột leo thang sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang tài sản trú ẩn an toàn bởi đây sẽ là "hàng rào" bảo vệ khỏi tình trạng bất ổn của thị trường quốc tế.

Kịch bản cuộc xung đột Israel - Hamas kéo dài và lan rộng cùng với tình hình suy thoái kinh tế hiện tại và tác động của xung đột Nga - Ukraine có thể dẫn đến các rủi ro mới với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, đẩy lạm phát gia tăng và gây áp lực với các ngân hàng trung ương.

Về trung và dài hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ khiến đồng đôla Mỹ giảm và sẽ đẩy giá vàng tăng cao hơn nữa. Hơn nữa, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng vì Israel là nước xuất khẩu hàng chục tỷ USD các sản phẩm công nghệ cao, vi mạch, thiết bị y tế... mỗi năm. Hiệp hội các nhà sản xuất Israel cho biết, hầu hết các nhà máy sản xuất thiết bị y tế ở Israel đang tạm ngừng hoạt động.

Mặc dù các chuyên gia kinh tế đánh giá, tác động của xung đột Israel - Hamas sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn phụ thuộc vào việc nó kéo dài bao lâu, mức độ căng thẳng tới đâu và phạm vi lan rộng ra sao, nhưng dù ít hay nhiều, cuộc xung đột này vẫn có những tác động nhất định tới triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

Tác động toàn cầu của cuộc xung đột đẫm máu Israel - Hamas - 4

Người Palestine đi qua đống đổ nát ở phía nam Dải Gaza sau các trận tập kích (Ảnh: AFP).

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương, chủ yếu là dân thường, dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo là rất lớn.

Với diện tích chỉ 365km2, dài 41km và rộng 6-12km nhưng Dải Gaza có đến 2 triệu người sinh sống, trong đó có khoảng 1 triệu trẻ em. Do vậy, bất kỳ thảm họa nhân đạo nào xảy ra trên mảnh đất nhỏ hẹp này cũng đều trở nên khủng khiếp.

Mặc dù xung đột mới xảy 5 ngày nhưng những hệ lụy nghiêm trọng đầu tiên đã được ghi nhận. Cơ quan y tế Palestine và giới chức Israel cho biết, tổng số thương vong của hai bên đã vượt quá 10.000 người, trong đó hơn 4.500 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho hay, hơn 2,3 triệu cư dân tại Dải Gaza đang đối mặt với cảnh thiếu điện, nước, thuốc men, dịch vụ y tế, khoảng 1.000 ngôi nhà đã bị san phẳng, hơn 12.600 ngôi nhà khác bị phá hỏng và hơn 200.000 người tại Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa.

Việc Israel phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza khi cắt hết điện, nước, thực phẩm... đang đẩy hàng nghìn dân thường vào cảnh khốn cùng, gây ra những mối quan ngại sâu sắc. Trên thực tế, Gaza đã bị phong tỏa trên không, đất liền và trên biển kể từ năm 2007 và hơn 2 triệu cư dân trong khu vực này luôn phải sống trong điều kiện thiếu điện, nước, vật tư y tế, thuốc men và dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong nhiều năm.

Nhà máy điện duy nhất ở Dải Gaza đã ngừng hoạt động hoàn toàn từ tối ngày 11/10, khiến toàn bộ vùng đất này rơi vào cảnh mất điện. Trong khi đó, phía Israel tuyên bố sẽ tiếp tục phong tỏa toàn diện Dải Gaza cho tới khi "mối đe dọa từ phong trào Hồi giáo Hamas được loại bỏ"; đồng thời khẳng định sẽ không dừng phong tỏa Dải Gaza vì mục đích nhân đạo cho tới khi tất cả các con tin được giải cứu.

Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hiện lo ngại về việc người dân ở Dải Gaza có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh các hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế đến khu vực đang gặp trở ngại. Ngày 8/10, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tác động của cuộc xung đột đối với "người dân đang phải vật lộn để có được nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu".

WFP cho biết đang chuẩn bị sẵn thực phẩm để phân phối cho những người phải di tản và sinh sống tại những nơi tạm trú, đồng thời kêu gọi "tất cả các bên tuân thủ các nguyên tắc của luật nhân đạo".

Ngày 9/10, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Israel phong tỏa toàn bộ Dải Gaza, kêu gọi Israel cho phép các quan chức cứu trợ và hàng hóa nhân đạo tiếp tục được tiếp cận.

Ngày 10/10, Tổng Thư ký‎ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein Al-Sheikh kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân đạo quốc tế tìm giải pháp để đưa hàng viện trợ đến được với người dân ở Dải Gaza.

Các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở phạm vi quốc tế cũng đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về tình hình nhân đạo và y tế ở Dải Gaza.

Trong khi đó, việc hàng loạt người dân ở Dải Gaza đang gây áp lực buộc Ai Cập phải mở cửa biên giới nhằm cho phép người tị nạn sơ tán đang tiềm ẩn nguy cơ lan rộng thành một cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực.

Trên thực tế, chính phủ được quân đội hậu thuẫn của Ai Cập đã thắt chặt các hạn chế đối với cả Gaza và khu vực Bắc Sinai lân cận trong những năm gần đây và hiện không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ chấp nhận làn sóng người tị nạn mới này.

Hiện nhiều nước vẫn tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân của mình tại khu vực xung đột, nhất là trong bối cảnh xung đột leo thang và công dân của một số nước đã bị thương, thiệt mạng hoặc bị bắt cóc, mất tích.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đang tích cực thảo luận các biện pháp nhằm giảm leo thang xung đột Hamas - Israel để tránh làm phức tạp tình hình an ninh và nhân đạo ở khu vực này.

Xung đột giữa Hamas và Israel bắt nguồn từ những hận thù dai dẳng trong hàng thập niên giữa người Israel và Palestine và những vấn đề chưa thể hóa giải giữa hai dân tộc đang khiến cho dải đất nhỏ hẹp bên bờ Địa Trung Hải nóng hơn bao giờ hết. Cuộc xung đột đang leo thang này có thể nguy cơ đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực và bất ổn mới, khiến tiến trình hòa bình ở Trung Đông lâm vào bế tắc.

Điều quan trọng bây giờ là Israel và Hamas phải sớm tìm được giải pháp để dừng các hoạt động quân sự trên mọi mặt trận, bảo vệ dân thường, ngăn chặn nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra trên mảnh đất này, đồng thời tạo cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình và tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và mang lại hòa bình, an ninh, ổn định lâu dài cho vùng đất Trung Đông.

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Tác động toàn cầu của cuộc xung đột đẫm máu Israel - Hamas
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO