Có sự thay đổi sinh lý
Ăn uống kém, thay đổi thất thường, hấp thu ở ruột chậm, giảm dự trữ glycogen ở gan, suy giảm chức năng thận, chậm đáp ứng hormon điều hòa ngược khi hạ đường huyết. Các thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc dùng thuốc, ổn định chế độ ăn, luyện tập.
Chỉ số đường huyết thay đổi theo tuổi
Chỉ số đường huyết tăng dần theo tuổi, đường huyết sau ăn thường trên 200mg/dL làm tăng nguy cơ biến chứng mạch máu lớn.
Có nhiều bệnh đi kèm
Trước hết có thể suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng lại ảnh hưởng đến các bệnh khác. Các bệnh Alzheimer, trầm cảm làm tăng thêm tốc độ suy giảm nhận thức do tiểu đường.
Bệnh suy giáp làm ruột chậm hấp thu glucose, mô ngoại vi chậm tiếp nhận glucose, giảm tân sinh đường; dù suy giáp nhẹ vẫn có nguy cơ cao hạ đường huyết.
Mắc tiểu đường lâu, có thể xuất hiện hay nặng thêm các bệnh rối loạn chuyển hóa như rối loạn lipid máu, cao huyết áp, một số bệnh tim mạch...
Tiểu đường ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan
Tiểu đường làm xuất hiện hay nặng thêm các bệnh trong hội chứng rối loạn chuyển hóa cuối cùng đưa đến các biến chứng cơ bản ở tim mạch, thận, thần kinh... rồi dẫn đến biến chứng thứ cấp ở da, mắt cơ xương khớp. Ở người cao tuổi do sự già hóa các cơ quan nên các biến chứng dễ xảy ra và nặng.
Điều trị tiểu đường ở người trẻ hay cao tuổi đều theo nguyên tắc chung là dùng thuốc cộng với chế độ ăn, luyện tập thích hợp để đưa đường huyết trở về mức ngang với ngưỡng sinh lí (đường huyết mục tiêu). Tuy nhiên, người tiểu đường cao tuổi cần có sự chăm sóc, điều trị khác biệt.