Tác động của bầu cử giữa kỳ tới nền kinh tế Mỹ

11/11/2022 17:00

Dù kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, song việc Đảng Cộng hòa nắm thế đa số mong manh ở lưỡng viện Quốc hội dự kiến sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.

Tác động của bầu cử giữa kỳ tới nền kinh tế Mỹ
Kiểm phiếu ở thành phố Salt Lake, bang Utah. Ảnh: AFP

Bất ổn kinh tế năm nay - lạm phát cao nhất trong 40 năm, thị trường suy giảm và lương tụt hậu - đã ảnh hưởng đến lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 8.11. Theo các chuyên gia, kết quả có thể là một chính phủ bị chia rẽ, có thể có tác động đến mọi lĩnh vực, từ thị trường chứng khoán đến khả năng phản ứng của chính phủ liên bang trong trường hợp suy thoái vào năm tới.

Giới quan sát đang dự đoán về khả năng Hạ viện sẽ do Đảng Cộng hòa kiểm soát, dù có thể chỉ ở thế đa số hẹp (209 ghế của Đảng Cộng hòa so với 191 ghế của Đảng Dân chủ tính đến 16h ngày 10.11 theo giờ Việt Nam - một đảng cần ít nhất 218 ghế để chiếm đa số), trong khi cuộc đua tại Thượng viện đang bám đuổi sít sao với lợi thế nghiêng về Đảng Cộng hòa (49 ghế so với 48 ghế của Đảng Dân chủ trong tổng số 100 ghế).

Một chính phủ chia rẽ, với Đảng Cộng hòa kiểm soát ít nhất một viện của Quốc hội có thể sẽ đặt ra những thách thức trong hai năm tới. Nếu nắm quyền kiểm soát Hạ viện, Đảng Cộng hòa có khả năng sẽ làm tê liệt chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden và có thể sử dụng mức trần nợ liên bang làm đòn bẩy để yêu cầu cắt giảm chi tiêu sâu.

"Một chiến thắng sít sao của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ đánh dấu chấm hết cho chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Joe Biden và tiềm năng cho những thay đổi lớn hơn nữa trong chính sách tài khóa" - CBS News dẫn phân tích của nhà kinh tế cao cấp Andrew Hunter tại Capital Economics cho hay.

Điều gì sẽ xảy ra nếu có một cuộc suy thoái?

Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đã xoay sở để vượt qua một cuộc suy thoái, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng quốc gia này có thể chìm vào suy thoái năm 2023, khiến hàng triệu việc làm gặp rủi ro khi các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu để đối phó với suy thoái kinh tế.

Nhà phân tích Alec Phillips của Goldman Sachs cho biết: “Phản ứng của cơ quan lập pháp đối với một cuộc suy thoái tiềm ẩn cũng sẽ khó khăn hơn, vì Hạ viện và Thượng viện có thể sẽ theo đuổi các cách tiếp cận khác nhau và tỉ lệ bế tắc sẽ cao hơn nếu Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện”.

Điều đó có thể cản trở khả năng của chính phủ trong việc cứu trợ người lao động. Nói cách khác, nếu có một cuộc suy thoái vào năm 2023, một Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể phản đối các đề xuất như hỗ trợ thất nghiệp bổ sung hoặc các gói trợ cấp.

Nhưng mối quan tâm trước mắt có thể là lạm phát cao kỷ lục đang đè nặng lên túi tiền của các hộ gia đình và gây xáo trộn thị trường. Trong trường hợp này, các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quan trọng đối với các nhà đầu tư hơn là kết quả bầu cử, các nhà phân tích Phố Wall lưu ý.

Fed - cơ quan đưa ra quyết định độc lập với Nhà Trắng và Quốc hội - đang thực hiện chiến dịch giảm lạm phát thông qua một loạt đợt tăng lãi suất. Điều đó khó có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử, bởi giới chức Fed thường xem xét dữ liệu lạm phát và tăng trưởng việc làm để đưa ra chương trình nghị sự thay vì thăm dò ý kiến.

Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng như thế nào?

Từ trước tới nay, thông thường thị trường chứng khoán hoạt động tốt cả sau bầu cử giữa kỳ lẫn khi quyền kiểm soát của chính phủ bị phân chia giữa các bên.

Theo chuyên gia Barry Gilbert và Jeffrey Buchbinder của LPL Financial, thị trường chứng khoán đã tăng sau 18 kỳ bầu cử giữa kỳ từ năm 1950 đến nay. Tất nhiên, thông lệ trong quá khứ không đảm bảo cho kết quả trong tương lai và thị trường chứng khoán còn đối mặt rất nhiều khó khăn.

Theo Guido Petrelli, người sáng lập và giám đốc điều hành của Merlin Investor, lần này thị trường có thể hành xử khác, nếu xét đến bối cảnh lạm phát cao trong lịch sử, căng thẳng địa chính trị toàn cầu và đại dịch. Nhưng nếu xét về những gì thị trường đã phải chịu đựng trong những tháng qua, kết quả chung có thể nghiêng về xu hướng tích cực.

Kịch tính về trần nợ?

Một vấn đề có thể nảy sinh do chính phủ bị chia rẽ trong năm tới: Nhiều kịch tính hơn về trần nợ - số tiền tối đa mà Mỹ được phép vay để trả các khoản nợ. Nếu số nợ chính phủ chạm ngưỡng đó nhưng không nâng trần, thì Mỹ có thể vỡ nợ.

Vấn đề này có thể trở thành tâm điểm vào năm tới vì tổng nợ quốc gia của Mỹ trong tháng 10 đã vượt quá 31.000 tỉ USD, gần chạm mức trần theo luật định là khoảng 31,4 nghìn tỉ USD.

Phe Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố nếu giành thế đa số sau bầu cử giữa kỳ, họ có thể sử dụng trần nợ như một công cụ để đàm phán với Tổng thống Joe Biden. Nói cách khác, phe Cộng hòa có thể từ chối tăng trần nợ nếu tổng thống không đồng ý với yêu cầu cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Điều đó đã xảy ra trong quá khứ dưới một chính phủ bị chia rẽ. Goldman Sachs lưu ý, dưới thời Hạ viện của Đảng Cộng hòa và Thượng viện của Đảng Dân chủ vào năm 2011 và 2013, sự không chắc chắn về trần nợ đã làm gián đoạn thị trường tài chính và dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu đáng kể.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Tác động của bầu cử giữa kỳ tới nền kinh tế Mỹ
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO