Tả quân Lê Văn Duyệt, di sản một đời người

21/10/2022 14:40

Sáng 6.8 tại TP.HCM diễn ra tọa đàm “Tả quân Lê Văn Duyệt: Cuộc đời và di sản” nhằm làm sáng tỏ nhiều phát hiện mới, thú vị về vị công thần xuất sắc thời nhà Nguyễn.

Buổi tọa đàm do Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trung tâm Nghiên cứu văn hóa và tôn giáo Đông Nam Á, Công ty CP Bảo tồn NFT Ngọc Linh, Ban quản lý Di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt và Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM) cùng các các nhà nghiên cứu tổ chức.

Xem thêm: Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Kinh lược đại thần dẹp loạn

Tả quân Lê Văn Duyệt, di sản một đời người - ảnh 1
Lăng Ông Bà Chiểu xưa
T.L

Xem thêm: Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Lên voi, xuống... ngựa

“Phó vương” trong mắt người ngoại quốc

Tuy xuất thân là võ tướng, một nhà chính trị trưởng thành từ binh nghiệp, nhưng phong cách của “Ông Lớn thượng” khi tiếp các phái bộ ngoại giao rất chuyên nghiệp và hiện đại. Trung úy hải quân Mỹ John White, trong hồi ký của mình sau chuyến thăm Sài Gòn năm 1819, dành nhiều lời ca ngợi Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt: “Chúng tôi được đón rất thân tình và chi li. Ngài Phó vương bỏ qua tất cả những “hãnh diện, nghi lễ, nghi thức” của chức vụ, ngài nói chuyện thoải mái và sự háo hức tò mò của ngài, sự chọn lựa sáng suốt đúng đắn các đề tài trong sự tìm hiểu thẩm tra, chứng tỏ ông có một đầu óc mở rộng, thúc đẩy bởi một sự khao khát không nguôi về tri thức và thông tin và những lời bình chín chắn của ông trong nhiều đề tài đã thuyết phục chúng tôi về khả năng thiên tư cao độ của ông”. Thậm chí khi tiếp sứ thần Xiêm hay phương Tây, Phó vương còn mời xem đấu voi và hổ, hổ đấu với người và xem hát bội, cách giao thiệp thông minh mang tinh thần thượng võ.

Xem thêm: Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Quy phục hiền tài

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Dũng (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa và tôn giáo Đông Nam Á) kể câu chuyện từ sách của Crawfurd - người dẫn đầu phái bộ ngoại giao thăm Gia Định: “Ngày 28.8.1822, quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt cử 4 tàu ra hộ tống đoàn của Crawfurd vào thành Sài Gòn. Những người lính chèo thuyền người Việt mặc áo mào đỏ quân phục, đầu đội mũ có lông chim và hướng mặt về mũi thuyền khi chèo, khác với người phương Tây. Ngày 2.9, đoàn hơn 30 người của Crawfurd được dẫn đi gặp Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Nơi tiếp khách trong thành Phiên An quá đơn sơ nếu so với chỗ của người Hoa. Tổng trấn đã 58 tuổi, vẻ mặt sôi nổi và thông minh, ông ta hơi thấp bé và gầy, nhưng hoạt bát và không thấy cơ thể bị khuyết tật gì. Có điều, ông ta đã rụng khá nhiều răng. Ông ấy cũng ăn mặc giản dị với bộ đồ lụa và chiếc khăn quấn đầu màu đen. Crawfurd tặng quà cho Tổng trấn, ông ấy từ chối, rất khác biệt với các vị quan tham lam ở Xiêm. Một lần nữa, vị Tổng trấn lại đòi hỏi phải có thư của vua Anh gửi cho vua Việt, bởi vì chỉ có vua mới gửi thư cho vua. Nếu chỉ có thư của Toàn quyền Ấn Độ [một vị quan] thì ông ấy chỉ giúp chuyển nó cho vị quan Tượng binh [Mandarin of Elephants], người kiêm nhiệm ngoại giao ở Huế, thậm chí còn không mở thư của Toàn quyền Hastings ra xem, chỉ nhìn sơ qua phong bì rồi trả lại”.

Xem thêm: Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Dấu ấn Tổng trấn Lê Văn Duyệt

J.B.Chaigneau, người đã từng sống trong triều đình nhà Nguyễn, trong tác phẩm Souvenirs de Hué (Ký ức Huế) cho rằng: “Trong số những đại thần thân với người Pháp, chỉ có Tổng trấn Gia Định thành là dám đương đầu với Minh Mạng và những người thân cận của nhà vua. Lê Văn Duyệt chỉ trích Minh Mạng một cách công khai về việc Minh Mạng đã chà đạp lên đường lối chính trị khôn ngoan và đáng tôn kính của vua cha (tức Gia Long) và đã đối xử quá bội bạc với những người từng đem lại ngôi báu cho dòng họ mình”.

Cuối cùng, Crawfurd nhận xét về Tả quân như sau: “Ngài sống thanh liêm, mong muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông”.

Xem thêm: Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Dùng mưu kế vào tận hang cọp

Tả quân Lê Văn Duyệt, di sản một đời người - ảnh 2
...và nay-(QUỲNH TRÂN)

Vị phúc thần của dân

Khẳng định về tính dân gian trong tín ngưỡng Tả quân, nhà nghiên cứu - thạc sĩ Lê Công Lý cho biết: “Vào năm 1943 thôn Tân Bình Điền, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Tân Điền, H.Gò Công Đông, Tiền Giang) có thỉnh được sắc của vua Bảo Đại phong cho vị thần có tên 黎文易Lê Văn Diệc. Có thuyết cho rằng 易Diệc tức là Dịch, vậy Tả quân Lê Văn Diệc cũng tức là Tả quân Lê Văn Dịch (thực ra, chữ Dịch nghĩa là bệnh dịch viết là 疫, nhưng do người dân không biết chữ Nho mà chỉ nói bằng miệng nên lẫn lộn), tức vị thần có khả năng tiêu trừ bệnh dịch trong lúc điều kiện thuốc men của người dân còn rất hạn chế. Nói cách khác, từ địa vị đệ nhất trung hưng công thần nhà Nguyễn, Tả quân Lê Văn Duyệt đã được dân gian hóa cao độ, trở thành vị phúc thần phù hộ thôn xóm”.

Xem thêm: Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Cận thần vua Gia Long với công cuộc bình Man

Nói về khu lăng mộ song thân Tả quân được Lê Văn Duyệt chọn ở quê hương (xã Long Hưng, H.Châu Thành, Tiền Giang) khi ông chính thức nhận chức Tổng trấn, nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng tiết lộ: “Ông cho xây dựng phần mộ khi mẹ mình qua đời vào năm 1813 và sau đó là cha ông năm 1821 với sự tham gia của triều đình Nguyễn khi vua Minh Mệnh đích thân chỉ dụ giao cho Tả tham tri Hộ tào thành Gia Định là Nguyễn Xuân Thục trực tiếp chỉ đạo lo việc tang, xây dựng mộ và những viên gạch đóng ký hiệu lò sản xuất của triều đình nhà Nguyễn như Giáp nhị, Đinh nhị, Đinh tam... Phát hiện trên kiến trúc lăng mộ hiện tồn xác nhận ghi chép trên. Điều này cũng là một minh chứng cho việc không có chuyện tiếm lạm của gia đình Tả quân, bởi có sự tham gia xây dựng lăng mộ chính bởi quan lại được vua giao nhiệm vụ. Tìm hiểu sâu về kiến trúc lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt càng làm rõ về quy chế, quy thức lăng mộ thời Nguyễn, cũng như những vấn đề liên quan đến hình dáng kiến trúc nguyên thủy của lăng Tả quân Lê Văn Duyệt trước khi bị san bằng. Sự kiện vua Minh Mệnh và triều đình truy luận tội Lê Văn Duyệt với tội danh cuối là tiếm gọi mộ cha (Lê Văn Toại) và em (Lê Văn Phong) là “lăng” - ngang bằng với tên gọi lăng mộ hoàng gia vào năm 1835 là không có cơ sở, đó chỉ là sự tức giận mang tính trả thù sự biến loạn một cách cực đoan”.

Theo thanhnien.vn
https://thanhnien.vn/ta-quan-le-van-duyet-di-san-mot-doi-nguoi-post1485685.html
Copy Link
https://thanhnien.vn/ta-quan-le-van-duyet-di-san-mot-doi-nguoi-post1485685.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tả quân Lê Văn Duyệt, di sản một đời người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO