Suýt chết vì 1 vết ong chích, bác sĩ chỉ cách phòng chống

ANH ĐÀO| 10/01/2023 18:39

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị vết ong chích, các bác sĩ khuyến cáo thường xuyên vệ sinh nhà cửa, không đi vào khu vực bụi rậm…

ong-dot.jpeg
Nhiều người suýt tử vong vì một vết ong chích - Ảnh: Internet

Hai lần sốc phản vệ do ong chích

Ngày 10/1, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh  TP.HCM cho biết đang tiếp nhận và điều trị thành công cho anh N.V.H. (49 tuổi) nhập viện trong tình trạng ong chích một mũi vào cổ khiến môi sưng, nhìn mờ, khó thở, rơi vào lơ mơ. Đây là lần thứ 2 anh sốc phản vệ do ong đốt.

Sau 3 tiếng được điều trị,  anh H. hết khó thở, bớt ngứa, vùng quanh mắt và môi không còn sưng. Sau 24 giờ theo dõi, các triêụ chứng sốc phản vệ không còn tái diễn, anh H. xuất viện.

Trước đó vào lúc 4 giờ chiều 9/1, anh đang chạy xe trong hẻm gần nhà bị một con ong chích vào cổ, 5 phút sau, vùng cổ sưng, nhức. Đến 9 giờ tối, anh ngứa cổ, nổi ban đỏ, môi và hai mắt sưng phù, nhìn mờ. Anh bắt đầu khó thở, chóng mặt… và được gia đình đưa đến bệnh viện.

Anh H. được nhận định người bệnh sốc phản vệ độ 2 do ong đốt. Ngay lập tức, người bệnh được tiêm adrenaline chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu).

Đây là lần thứ 2 anh H. bị sốc phản vệ do ong đốt. Cách đây 10 năm, anh bị ong chích vào tay.

Bác sĩ Tuấn lý giải, anh H. có cơ địa dị ứng với nọc ong nên dễ rơi vào sốc phản vệ khi ong chích. Lần sốc phản vệ sau sẽ xảy ra nhanh và nặng hơn lần trước.

Nhờ nhập viện cấp cứu xử trí ngay trong đêm, anh H. thoát khỏi nguy kịch. Nếu nhập viện trễ, người bệnh viêm cơ tim cấp, biến chứng sốc tim, lúc đó điều trị phức tạp.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận cấp cứu anh N.X.T. (40 tuổi, Phú Thọ) bị sốc phản vệ nặng do ong vàng đốt.

Người nhà nạn nhân kể lại, trong khi dọn vườn nhà, anh T. không may bị đàn ong vàng đốt. Chỉ sau đó ít phút, anh T. cảm thấy triệu chứng hồi hộp, tức ngực khó thở tăng nhiều.

Anh T. được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu khẩn cấp. Diễn biến sau đó rất nhanh, quãng đường từ nhà tới bệnh viện chỉ hơn 1km nhưng khi tới trung tâm cấp cứu, anh T. đã rơi vào trạng thái tiền hôn mê, thở rít, SpO2 dưới 80%, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, da, niêm mạc toàn thân tím tái...

Các bác sĩ đã sử dụng thuốc vận mạch, chống sốc, trong đó chủ lực vẫn là sử dụng Adrenalin (Adrenalin là thuốc ưu tiên lựa chọn để điều trị choáng phản vệ). Anh T. may mắn thoát cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn dần ổn định.

ong-vo-ve.jpeg
Các bác sĩ khuyến cáo không được dùng cây để chọc phá tổ ong - Ảnh: Internet

Dễ gây tử vong

Bác sĩ Trương Trọng Tuấn - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh - cho biết mỗi người có phản ứng khác nhau khi bị ong chích. Tổn thương do ong chích thường gặp như sưng, đỏ, ngứa, nhức… tại vị trí bị chích. Các biểu hiện này có thể biến mất sau vài giờ mà không cần điều trị.

Tùy vào số lượng mũi ong đốt và cơ địa mỗi người mà triệu chứng sốc phản vệ xảy ra ngay lập tức hoặc sau 30 phút đến vài giờ, với biểu hiện thường gặp như nổi ban, ngứa da…

Để phòng ong chích, người dân không chọc phá tổ ong hay đi vào khu vực có nhiều cây cối vào buổi tối; khi lấy tổ ong, cần mặc đồ bảo hộ, không để lộ phần da ra bên ngoài; dùng khói hoặc lửa để đuổi ong thay vì lấy que chọt vào tổ; vệ sinh xung quanh nhà cửa không tạo điều kiện cho ong làm tổ.

Khi ong chích, nếu vòi chích lên bề mặt da, dùng nhíp gắp nhẹ lấy kim ra. Tuyệt đối không nặn vết chích để lấy kim hoặc ruột ong, không dùng vôi… bôi lên vết chích khiến độc tố dễ thấm sâu vào trong cơ thể.

Nạn nhân cần rửa vết chích bằng xà phòng hoặc nước sạch, nước ấm, dung dịch sát trùng. Đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để giảm sưng, giảm đau… và cho nạn nhân uống nhiều nước để thải bớt độc tố.

Nếu xuất hiện triệu chứng đầu tiên của sốc phản vệ hay cơ thể sưng phù ở bất kỳ vị trí nào cũng cần đi cấp cứu nhanh chóng.

Các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên (chất có thể gây ra phản ứng dị ứng) như bị ong đốt, kiến đốt, tiêm, ăn uống tiếp xúc với các loại thực phẩm (kể cả thực phẩm khá quen thuộc như nhộng tằm, đậu phộng, trứng, hay hành củ như thanh niên kể trên...) và xuất hiện tình trạng lạ, cần đến ngay cơ sở y tế.

Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ. Đây là loại phản ứng khá thường gặp và có thể chuyển nặng, thậm chí tử vong nhanh chóng.

Để dự phòng sốc phản vệ tại cơ sở y tế, Bộ Y tế hướng dẫn các bác sĩ, nhân viên y tế đảm bảo nguyên tắc: chỉ định đường dùng thuốc phù hợp nhất, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác; không được kê đơn thuốc, chỉ định dùng thuốc hoặc dị nguyên đã biết rõ gây phản ứng cho người bệnh.

Bài liên quan
  • Gia Lai đầu tư cho bệnh viện, không để dịch chồng dịch
    Ngày 8.1, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, nhiệm vụ năm 2023 của ngành là vẫn tiếp tục chú trọng công tác phòng chống dịch COVID-19, không để xảy ra dịch chồng dịch và xây dựng đầu tư bệnh viện quy mô hơn 1.000 giường phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Suýt chết vì 1 vết ong chích, bác sĩ chỉ cách phòng chống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO