Mùa hè này có dịp sang Berlin, tôi được chứng kiến một buổi bảo vệ công trình "Tiến sỹ Khoa học" (Doctor Habil) ở Đại học Humboldt. Đây là một trong những viện đại học lâu đời nhất ở Đức, thành lập năm 1810 với cái tên Viện Đại học Berlin bởi nhà cải cách giáo dục và ngôn ngữ học người Phổ Wilhelm von Humboldt.
Những nguyên lý Humboldt đặt ra cho Viện Đại học Berlin với tinh thần khai phóng và khoa học đã giúp giải phóng sự kìm hãm và trì trệ trí thức của nước Phổ ở thế kỷ 18. Viện Đại học này không những đã làm thay đổi toàn bộ khuôn mặt đại học Đức, góp phần quyết định đưa nước Đức lên vị trí cường quốc về kinh tế, quân sự và khoa học vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, mà còn ảnh hưởng lớn lao lên toàn bộ đại học thế giới. Nền đại học hiện đại thế giới từ châu Âu , Hoa Kỳ đến châu Á, Nhật Bản… đều chịu ảnh hưởng từ Đại học Humboldt.
Danh tiếng của Đại học Humboldt quá lớn nên dĩ nhiên tôi thấy rất may mắn khi được dự sự kiện nói trên. Hội đồng xét duyệt gần hai mươi người, gồm các giáo sư kỳ cựu cho đến cả sinh viên. Chắc vì trong khoa học không có câu hỏi nào là vô lý, kể cả chuyên gia đầu ngành cho đến những người mới bước chân vào con đường khoa học. Tôi quan sát thấy sự kiện này còn mở cửa cho cả công chúng, ai quan tâm tò mò thì cứ vào, có người ghi tên tuổi hẳn hoi. Vị giáo sư trưởng hội đồng đích thân đẩy một bàn nước có bánh xe từ ngoài hành lang vào phòng và ngỏ lời mời mọi người. Chỉ là nước suối đóng chai, nhưng ly cốc thủy tinh trong vắt, khăn giấy xếp vuông vức tinh tươm. Trong phòng vẫn hệt như giảng đường hàng ngày. Không có phông nền như sân khấu như thường thấy ở ta. Không có một thứ khẩu hiệu nào trên tường.
Mọi người trên áo dưới quần bình thường, chả ai đóng bộ như đi dạ hội. Áo phông, quần bò, ngắn tay dài tay, giầy dép bình thường cả. Người bảo vệ thì trong áo phông, ngoài có cái demi đã cũ chắc vẫn mặc đi làm. Giảng đường không có điều hòa. Châu Âu đang trong cơn nắng nóng kỷ lục nên có mấy vị, cả cụ trưởng hội đồng, ngồi nghe phe phẩy cái quạt giấy.
Bài trình bày 30 phút, trình chiếu từ laptop lên tường. Người bảo vệ trả lời các câu hỏi hơn một tiếng. Hay nhất là khi người hỏi được người trả lời giúp làm rõ câu hỏi của chính mình, với một thái độ cởi mở chân thực luôn pha chút hài hước, khiến không khí chung trở thành hứng khởi. Trong số đồng nghiệp thấy có cả người bay từ Jerusalem (Israel) sang dự và đặt câu hỏi. Vì yêu cầu của Doctor Habil này là phải làm về 5 đề tài hoàn toàn khác nhau và khác hẳn với đề tài đã làm trong luận văn Tiến sỹ (Ph.D) trước đây, nên mỗi thành viên hội đồng đều ở một lĩnh vực khác nhau. Không dễ tí nào. Nghe nói ở châu Âu phải là Doctor Habil thì mới được phép hướng dẫn các công trình lấy bằng Ph.D; và mới đủ tiêu chuẩn để trở thành Giáo sư thực thụ.
Sau phần hỏi đáp, mọi người ra khỏi phòng để hội đồng trao đổi và ra quyết định. Mười lăm phút sau, tất cả trở lại, và vị trưởng hội đồng tóm tắt các ý kiến đánh giá, rồi tuyên bố hội đồng rất vinh dự và hứng khởi chấp nhận công trình này. Ứng viên xứng đáng trở thành một Doctor Habil của Đại học Humboldt. Lúc ấy, mới thấy mấy người bạn và gia đình tặng hoa chúc mừng tân "Tiến sỹ Khoa học". Vậy là chả có lễ lạt gì. Hóa ra đã thích lễ lạt, danh tiếng, tiền bạc thì làm nghề khác chứ đừng làm khoa học. Niềm vui và hạnh phúc của người làm khoa học quả là khác biệt.
Được dự một buổi bảo vệ công trình "Tiến sỹ Khoa học" như vậy, tôi càng tin rằng việc gì, dù hệ trọng đến đâu, nhất là trong lĩnh vực tri thức, nếu đã chính đáng và thực chất thì đều giản dị - đến mức không có một hình thức nghi lễ mảy may nào có thể biến nó thành công cụ của một mục đích gì khác.
Tác giả: Họa sỹ Trịnh Lữ sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông đã triển lãm tranh ở Mỹ và Việt Nam, lấy bằng thạc sĩ khoa học truyền thông (Master of Science in Communications) của Đại học Cornell vào năm 1994. Ông cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: Cuộc đời của Pi, Đại gia Gatsby, Rừng Na Uy, Con nhân mã ở trong vườn, Utopia, Biển...