Suy giảm trí nhớ ở người trẻ ngày càng phổ biến

HƯƠNG SƠN| 28/08/2023 07:58

TP Hồ Chí Minh - Nhắc đến suy giảm trí nhớ, nhiều người thường sẽ nghĩ đến những người già. Tuy nhiên, do cuộc sống và sinh hoạt hiện nay cũng làm cho não bị ảnh hưởng nên không ít người trẻ lúc nhớ, lúc quên.

Suy giảm trí nhớ ở người trẻ ngày càng phổ biến
Ngồi làm việc căng thẳng và áp lực kéo dài cũng khiến tình trạng suy giảm trí nhớ tăng. Ảnh: HƯƠNG SƠN

Chị H.T.T (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) sau khi sinh con thứ 2 được một thời gian, những lần chị quên đồ, quên tắt bếp, quên chìa khoá xe… tần suất ngày càng tăng. Ban đầu, chị chỉ nghĩ đây là những biểu hiện sau sinh, một thời gian sau sẽ hết. Nhưng tình hình ngày càng không ổn nên chị quyết định đi gặp bác sĩ để được theo dõi và chẩn đoán.

Ngoài chị T., chị N.T.P (28 tuổi, ngụ tại Quận Phú Nhuận) cũng chung cảnh lúc nhớ, lúc quên. Theo chị P., có nhiều áp lực công việc và mối quan hệ xung quanh khiến chị luôn trong trạng thái mơ hồ khi cố gắng nghĩ về một người hay một việc nào đó. Có nhiều thời điểm, chị P. làm việc nhưng quên chi tiết công việc liên tục. "Thậm chí, đến bản thân mình còn nghi ngờ việc mình mới hoàn thành, chuyện này khiến tôi phiền lòng", chị P. chia sẻ.

BS.CKII Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, trung bình mỗi tháng, khoảng 50-100 người đến bệnh viện này khám các vấn đề liên quan đến trí nhớ. Trong đó, người trẻ tuổi chiếm khoảng 1/3.

Theo bác sĩ Nga, hiện tỉ lệ người dưới 30 tuổi bị suy giảm trí nhớ lên đến 14%, tuổi trung niên (40-50 tuổi) chiếm 22% trong tổng số người đến khám bệnh. Trong khi đó, người cao tuổi chiếm khoảng 26%.

Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ thường liên quan đến các yếu tố như căng thẳng, áp lực công việc, phải làm nhiều việc cùng lúc, rối loạn giấc ngủ, lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, bóng cười... Suy giảm trí nhớ còn là biểu hiện của một số chứng tâm lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu... Một số bệnh lý khác cũng gây giảm trí nhớ như suy tuyến giáp, thiếu máu, u não, máu tụ mạn tính trong não.

Biểu hiện của suy giảm trí nhớ là kém tập trung, lơ đãng trong công việc, tâm lý, cảm xúc không ổn định. Điều đáng báo động là những người này lại luôn không thừa nhận mình mắc chứng suy giảm trí nhớ.

Cũng theo các chuyên gia, bộ não ở người trưởng thành có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh (còn gọi là nơron thần kinh). Các tế bào này có nhiệm vụ ghi nhớ và xử lý thông tin một cách nhanh chóng. Tế bào thần kinh trong não sẽ suy giảm dần khi chúng ta bước sang tuổi 20 và từ tuổi 25 trở đi, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào biến mất.

Khi não bộ mất quá nhiều tế bào thần kinh sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trí nhớ ở người già. Bên cạnh đó, một số yếu tố khiến trí nhớ suy giảm như: lạm dụng thuốc lá, bia rượu; dùng nhiều chất béo xấu (thức ăn nhanh); không bảo đảm chất lượng giấc ngủ, thiếu ngủ; lười vận động.Thực tế, không phải tất cả nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ đều có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, tế bào não sẽ được bảo vệ, duy trì hoạt động tối ưu nếu chúng ta sớm thực hiện các phương pháp tốt cho não, từ đó góp phần hạn chế nguy cơ mất nhận thức ở tuổi già.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Suy giảm trí nhớ ở người trẻ ngày càng phổ biến
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO