Ngày 10/8, chồng của bà Wojcicki thông báo tin buồn trên Facebook. Bà Wojcicki qua đời sau hai năm chống chọi với bệnh ung thư. Tháng 2/2023, bà thông báo rời YouTube để tập trung cho “gia đình, sức khỏe và các dự án cá nhân”. Khi ấy, cả bà và YouTube đều không tiết lộ về tình trạng sức khỏe.
Bà Wojcicki nằm trong số những nhân viên gắn bó lâu năm nhất với Google và là một trong những nữ lãnh đạo quyền lực nhất Thung lũng Silicon.
Từ năm 2014 đến năm 2023, bà điều hành YouTube với vai trò CEO, củng cố vị thế của dịch vụ chia sẻ video như một điểm đến hằng ngày của hàng tỷ người và là sân khấu cho vô số người lập nghiệp. Trước đó, bà dành nhiều năm quản lý các hệ thống cho phép bất kỳ nhà xuất bản kỹ thuật số nào kiếm tiền từ quảng cáo, mang về lợi nhuận khủng cho Google.
Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu sắc hơn cả phải kể đến vị trí của bà tại Google, công cụ tìm kiếm Internet đã rung chuyển cả thế giới web, Thung lũng Silicon và nay là một phần của Alphabet.
Là nhân viên tiếp thị và chủ nhà đầu tiên của Google, bà được hai đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin – những người thuần kỹ thuật, ít quan tâm đến quản lý - đặt trọn niềm tin.
Đó chính là mối liên kết gia đình. Em gái của bà – Anne – kết hôn với Brin vài năm. Những nhân viên đầu tiên tại Google gọi bà là “mini CEO”.
“Susan thực sự là mẹ đỡ đầu của Google”, Keval Desai – nhà đầu tư và cựu đồng nghiệp Google – nhận xét khi bà rời YouTube. “Bà ấy là người có tác động lớn hơn bất kỳ chức danh nào có thể nêu lên”.
Con người kín tiếng
Tại YouTube, bà Wojcicki khá kín tiếng và không thường xuất hiện trước công chúng. Bà nỗ lực thúc đẩy các nhà sáng tạo nội dung độc lập và cạnh tranh trực tiếp với các đài truyền hình, dịch vụ truyền phát. Bên ngoài Google, bà hầu như không được biết đến.
Những lãnh đạo nữ khác như Sheryl Sandberg của Facebook hay Marissa Mayer của Yahoo đã “leo” lên các vị trí cao cấp khác ở đâu đó và thường lên bìa tạp chí. Trong khi đó, năm 2011, trang tin Mercury News gọi bà là “nhân sự Google quan trọng nhất mà bạn chưa bao giờ biết đến”. Tờ báo mô tả bà là một người mẹ luôn về nhà dùng bữa tối với các con của mình.
Dù vậy, bà mẹ 5 con là một trong số ít phụ nữ nằm ở nấc thang cao nhất của ngành công nghệ. Priscilla Lau, cựu quản lý YouTube, nhận xét Susan là nguồn cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những bà mẹ văn phòng.
YouTube cũng đối mặt hàng loạt bê bối liên quan đến thuyết âm mưu, tuyên truyền, tin giả, tin độc hại hay phát ngôn thù địch. Bà Wojcicki dành nhiều thời gian để đặt ra hành lang an toàn và xử lý những lo ngại từ các tài trợ, nhà sáng tạo nội dung và nhà quản lý đối với YouTube.
“Chúng tôi muốn ở bên lề phải của lịch sử”, bà từng nói với một nhà quảng cáo quan trọng.
“Làm điều gì đó ý nghĩa”
Susan Diane Wojcicki sinh ngày 5/7/1968, tại Santa Clara, California. Cha của bà, Stanley, dạy vật lý tại Đại học Stanford; mẹ của bà, Esther, làm việc như một nhà báo và giáo viên tại trường trung học Palo Alto. Ngoài Anne, Wojcicki còn có một em gái, Janet, người đã trở thành một nhà nhân chủng học và dịch tễ học.
Cha mẹ của họ "khuyến khích chúng tôi có sự nghiệp thú vị, làm điều gì đó có ý nghĩa", Wojcicki nói với UK Evening Standard vào năm 2017.
Wojcicki học lịch sử tại Đại học Harvard, sau đó làm phóng viên ảnh ở Ấn Độ. Trong vòng vài năm, bà trở lại California để nhận bằng cấp cao về kinh tế và kinh doanh trước khi đảm nhận công việc tiếp thị với Intel.
Trong thời gian đó, một người bạn đã kết nối bà với Brin và Page, đang theo học tiến sĩ tại Stanford. Hai người đang tìm kiếm không gian để khởi nghiệp công cụ tìm kiếm Internet Google.com. Wojcicki đã mua một ngôi nhà ở Menlo Park, một thị trấn phía bắc Stanford. Năm 1998, bà cho Brin và Page thuê nhà để xe của mình, nơi trở thành văn phòng đầu tiên của Google.
Nhiều thập kỷ sau, Wojcicki thú nhận rằng ban đầu bà hoài nghi về Google, vì các công cụ tìm kiếm lâu đời như Yahoo và AltaVista dường như đã thống trị thị trường web. Google nhanh chóng chứng minh bà đã sai.
Năm 1999, Wojcicki gia nhập công ty với tư cách là nhân viên thứ 16 và Giám đốc tiếp thị đầu tiên, mặc dù Brin và Page không cho bà ngân sách để quảng bá trang web của họ. "Nó hơi choáng ngợp", cô nhớ lại nhiều năm sau đó.
Nghỉ thai sản
Wojcicki đã thúc đẩy để đưa Google.com vào trong các trường đại học, giúp thiết kế lại logo ban đầu của công ty để loại bỏ dấu chấm than và định hình phần lớn văn hóa doanh nghiệp. Là nhân viên đầu tiên có con tại công ty, bà chính là tác giả của chính sách nghỉ thai sản, điều mà các lập trình viên nam đứng đầu công ty không xét tới.
Wojcicki quản lý các dịch vụ ban đầu quan trọng tại Google, bao gồm tìm kiếm hình ảnh và Google Video. Nhưng dự án có giá trị nhất của bà là AdSense, hệ thống của Google phục vụ các bảng quảng cáo kỹ thuật số ở khắp mọi nơi, từ các tờ báo toàn cầu đến các blog nhỏ nhất. Năm 2007, Wojcicki dẫn dắt Google mua DoubleClick, một doanh nghiệp quảng cáo web cạnh tranh và dành 7 năm tiếp theo để lãnh đạo các hoạt động sáp nhập.
Thương vụ đã trở thành trụ cột thương mại thứ hai của Google, nhờ đó giúp công ty có ngân sách để mở rộng sang các lĩnh vực như xe tự lái và sức khỏe. Đối với nhiều nhà phê bình, quảng cáo hiển thị hình ảnh là hoạt động kinh doanh độc hại nhất của Google; hệ thống mà Wojcicki giúp xây dựng đã bị chỉ trích rộng rãi vì sử dụng thu thập dữ liệu để củng cố độc quyền.
Không có nhiều người biết về Wojcicki khi bà được bổ nhiệm làm sếp YouTube ba năm sau đó.
Google đã trả 1,65 tỷ USD cho YouTube vào năm 2006, đặt cược rất lớn vào trang web video phổ biến. Là một phần của Google, YouTube đã mở rộng nhanh chóng cho người xem trên toàn cầu nhưng phải vật lộn để tìm chỗ đứng thương mại. Các công ty truyền thông đã miễn cưỡng đưa tài liệu của họ lên trang web miễn phí và các nhà tiếp thị không ủng hộ nội dung nghiệp dư.
Sự xuất hiện của Wojcicki là một tín hiệu cho thấy sự quan tâm của Google trong việc tăng cường kinh doanh quảng cáo của YouTube. Bà từng có thời gian điều hành Google Video.
Người sáng tạo mới
"Mọi người muốn nhìn thấy những người khác trên khắp thế giới", bà nói với The New York Times vào năm 2014. "Họ yêu TV của họ và họ yêu các chương trình của họ, nhưng họ cũng quan tâm đến việc nhìn thấy những người sáng tạo mới và khác biệt, với các loại video mới và khác nhau”.
Ban đầu, Wojcicki tập trung YouTube vào quảng cáo, ứng dụng âm nhạc và trẻ em, mục tiêu nội bộ đạt một tỷ giờ xem hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều kế hoạch trong số đó đã bị phá vỡ do chính trị.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 mà ông Donald Trump đắc cử, YouTube phải đối mặt với những lời chỉ trích lặp đi lặp lại rằng các thuật toán đề xuất của họ đã giữ người xem trong buồng vang (echo chamber) và cung cấp thông tin méo mó. Không ít ngôi sao YouTube ra đi, còn các nhà quảng cáo tẩy chay. Năm 2019, YouTube bị chính phủ Mỹ kiện vì vi phạm luật bảo mật trực tuyến dành cho trẻ em.
Wojcicki đã dành nhiều năm để kiểm soát thiệt hại và quản lý một sự phục hồi đáng kể trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Doanh số quảng cáo của YouTube đã tăng hơn gấp ba lần từ năm 2017 lên 29,2 tỷ USD vào năm 2022. Bà cũng không phải xuất hiện trước Quốc hội Mỹ để điều trần như các đồng nghiệp khác, chẳng hạn CEO Twitter, CEO Meta.
Steve Chen, một trong những người đồng sáng lập YouTube, nhớ lại rằng họ lo lắng khi bán lại cho Google, công ty có thể ưu tiên các nhà quảng cáo hơn là người xem và người sáng tạo trên YouTube. Song, Chen cảm thấy Wojcicki không làm vậy. "YouTube đã hoạt động đặc biệt tốt dưới sự lãnh đạo của Susan", Chen nói sau khi bà từ chức.
(Theo Bloomberg, The Verge)