Hàng tỷ con ve sầu đã trải qua kỳ ngủ đông kéo dài 17 năm dưới lòng đất, chuẩn bị "nổi dậy" trên khắp các khu vực rộng lớn ở miền đông nước Mỹ, kéo theo những tiếng ồn tới nhiều thị trấn và thành phố lớn.
Đó là loài ve sầu Magicicada - một loại côn trùng có mắt đỏ, thân đen, cánh màu cam. Chúng ở sâu dưới lòng đất, hút chất dinh dưỡng từ rễ cây để sinh trưởng. Nhưng khi đạt tuổi trưởng thành, chúng sẽ đồng loạt "trỗi dậy" lên mặt đất.
Lần cuối cùng những con ve sầu Magicicada xuất hiện ở 15 tiểu bang trên nước Mỹ, bao gồm cả New York, Ohio, Illinois và Georgia, là vào năm 2004. Chúng có chu kỳ xuất hiện 17 năm. Các chuyên gia dự đoán, trong năm 2021 này, khi nhiệt độ ngoài trời đủ ấm, chúng sẽ trồi lên vào khoảng tháng 5 năm nay.
Ông Gary Parsons, một nhà côn trùng học đến từ trường đại học bang Michigan, cho biết, loài côn trùng này có thể tụ tập hàng triệu con trong công viên, rừng cây, khu dân cư và dường như sẽ ở khắp nơi.
Cũng theo vị chuyên gia này, loài ve sầu Magicicada vốn không gây hại cho con người. Tuy nhiên, loài vật nuôi nếu ăn chúng có thể sẽ mắc bệnh.
Dù không gây hại nhưng sự xuất hiện của hàng tỷ con kèm theo tiếng ồn lớn sẽ khiến người dân khó chịu. Những cá thể đực sẽ tạo ra âm thanh lớn để thu hút bạn tình, với âm thanh lên tới 100 decibel. Đây là con số tương đương với âm thanh của động cơ xe mô tô tăng tốc.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, nếu bỏ qua sự khó chịu vì âm thành ồn ào, thì đây lại là cơ hội để người dân và du khách có dịp chiêm ngưỡng một trong những kỳ quan hiếm có của thế giới tự nhiên.
"Đây là hiện tượng sinh học tự nhiên đáng nhớ mà không phải người nào cũng có cơ hội thưởng thức", ông Michael Raupp, nhà côn trùng học đến từ trường đại học Maryland, nhận định.
Việc ve sầu "ngủ đông", định kỳ trồi lên mặt đất sau 17 năm vẫn còn là điều bí ẩn với nhóm nghiên cứu. Các chuyên gia chưa lý giải được tại sao loài côn trùng này sống lâu trong lòng đất như vậy. Có giả thuyết cho rằng, chúng dành thời gian dài dưới đất để tránh những con lớn hơn săn mồi.
Trước đó, vào tháng 5/2020, phía tây nam Virginia, một số vùng ở bắc Carolina (Mỹ) cũng chứng kiến hiện tượng độc đáo khi hàng triệu con ve sầu "thức giấc" sau kỳ ngủ đông kéo dài 17 năm.