Đạt trên 8 điểm/môn mới có thể vào trường top đầu
Quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, điểm xét tuyển = (điểm bài thi môn toán + điểm bài thi môn ngữ văn) x 2 + điểm bài thi môn ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, điểm bài thi của các môn tính theo thang điểm 10.
Về nguyên tắc tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định rõ, tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu.
Sở chỉ xét tuyển đối với học sinh có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, không có bài thi bị điểm 0.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho hay, sẽ khó nói trước được mức điểm chuẩn lớp 10 của từng trường năm nay bởi còn phụ thuộc chỉ tiêu tuyển sinh và mặt bằng đề thi.
Tuy nhiên theo giáo viên này, thông thường của các trường sẽ không chênh lệch quá nhiều để giữ đầu vào nhất định.
Tại trường này, qua 4 đợt thi thử và xét trên điểm chuẩn của năm ngoái cho thấy, thí sinh đạt 8 điểm/môn trở lên, thậm chí hơn mới ở mức an toàn với các trường top.
Được biết năm ngoái trường này có mức điểm chuẩn 42,5 điểm với cơ sở 1 (Nam Trung Yên, Cầu Giấy) và mức 40 điểm ở cơ sở 2 (Tân Triều).
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lô mô nô xốp cũng nhận định, khó có thể nói trước mức điểm chuẩn lớp 10 Hà Nội năm nay.
"Điểm chuẩn năm nay sẽ khó dự đoán bởi thứ nhất là thí sinh rất đông, thứ hai là xét về mặt bằng đề thi.
Một điều rất quan trọng, năm nay là năm cuối cùng của lớp cận chuyên nên một số trường chuyên trên địa bàn có thể sẽ lấy nhiều chỉ tiêu cho khối lớp cận chuyên này.
Điều đó sẽ ảnh hưởng đến mức điểm chuẩn một số trường top trên địa bàn", thầy Tùng phân tích.
Cũng theo hiệu trưởng này, càng trường top đầu, dù tỷ lệ chọi thấp nhưng toàn học sinh có học lực "khủng" đăng ký nên em nào đỗ được phải ở mức điểm thi cao.
Nếu an toàn hơn, các em chọn trường THPT ở ngoại thành sẽ có mức điểm chuẩn thấp hơn vùng "lõi" của Hà Nội.
"Nóng" từ điểm thi đến điểm chuẩn
Ngay sau khi kết thúc 3 môn thi, một số giáo viên ở Hà Nội đã có dự báo mức điểm chung thí sinh có thể đạt được qua từng môn thi.
Theo nhận định của một số giáo viên tiếng Anh từ hệ thống giáo dục Hocmai, khoảng 75% câu hỏi của đề thi thuộc cấp độ nhận biết - Thông hiểu và 25% câu hỏi còn lại của đề thi thuộc cấp độ vận dụng - vận dụng cao.
Đề thi mặc dù không xuất hiện câu hỏi đánh đố nhưng có một số câu khó hơn mặt bằng chung của chương trình lớp 9 như câu số 17, 24, 28, 29, 39 của mã đề 023.
Nhìn chung, với đề thi này, ngoài việc cần phải nắm vững kiến thức nền tảng về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng trong SGK, thí sinh cũng cần phải có kỹ năng làm bài cẩn thận, tỉ mỉ vì các câu hỏi tuy không quá khó nhưng lại dễ gây nhầm lẫn.
Mức điểm phổ biến với bài thi lần này có thể rơi vào khoảng 6,5-7 điểm. Mức điểm 9 có thể nhiều nhưng để đạt được điểm 10 thì cần phải có kiến thức mở rộng tốt.
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Phạm Hữu Cường, giáo viên dạy ngữ văn ở Hà Nội cho biết, với đề thi vừa qua, phổ điểm trung bình môn văn sẽ từ 6,5- 7 điểm.
Nhìn chung, với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, thí sinh có thể dễ dàng hoàn thành được bài thi môn ngữ văn trong khoảng thời gian quy định.
Tuy nhiên, những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn và đem lại kết quả cao.
Do đó, một số giáo viên khác ở Hà Nội đưa ra mức phổ điểm trung bình cao hơn: 7-8 điểm và sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kỳ thi năm nay.
Ở môn Toán, theo thầy Đỗ Văn Bảo, giáo viên Toán Trường PTLC Vinschool, đề thi môn toán năm 2023 - 2024 dễ thở hơn so với đề thi năm trước nên sẽ có nhiều điểm 8, 9. Mật độ điểm số trong khoảng 6,5-8 chiếm tỷ lệ cao nhất.
Nếu quản lý thời gian tốt, tính toán cẩn thận, trình bày đầy đủ, học sinh khá hoàn toàn có thể đạt được từ điểm 8 trở lên.
Trong trường hợp do đề "nhẹ nhàng" hơn, giáo viên chấm thi sẽ lưu ý nhiều hơn đến việc trừ điểm các lỗi trình bày, do vậy điểm số sẽ thấp hơn một chút.