Kinzhal là tổ hợp tên lửa hàng không mới nhất của Nga, bao gồm máy bay tác chiến MiG-31K và tên lửa siêu thanh Kh-47M Kinzhal với tầm bay tới 2.000 km, đạt tốc độ 10-12 Mach. Tổ hợp hiện đại bậc nhất này có thể sử dụng để tiêu diệt nhiều mục tiêu mặt đất và trên biển.
Từ Bắc Cực đến Syria
Từ năm 2017, phi đội MiG-31K đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thử nghiệm tại sân bay Quân khu phía Nam. Máy bay mang “Dao găm” Kinzhal đã nhiều lần được sử dụng trong các cuộc tập trận ở khu vực miền nam và trên Biển Đen. Năm ngoái, tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal đã hoàn thành thử nghiệm ở Bắc Cực.
Theo tờ Izvestia, các cuộc thử nghiệm tổ hợp tên lửa Kinzhal đã được xác nhận thành công. Quá trình thử nghiệm này đã diễn ra ở khu vực phía Bắc trong vài năm và kết thúc vào cuối năm 2021.
Máy bay chiến đấu MiG-31K mang tên lửa siêu thanh Kh-47M Kinzhal. Ảnh: TASS |
Tất cả hoạt động chiến đấu và tuần tra huấn luyện đều được thực hiện bởi máy bay MiG-31K của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Trong các chuyến bay, các thiết bị hàng không đã được kiểm tra trong điều kiện khí hậu phức tạp, ở nhiệt độ thấp.
Trong khi đó, các hoạt động thử nghiệm được bảo đảm an toàn bởi lực lượng hàng không của Hạm đội Phương Bắc. Máy bay săn ngầm đã kiểm tra các khu vực thử nghiệm, đồng thời giám sát, chụp ảnh các vị trí mục tiêu trước và sau đợt tấn công.
MiG-31K không chỉ được hoạt động ở phía Bắc, mà còn xuất hiện ở phía nam và các quân khu khác, cũng như bên ngoài lãnh thổ. Theo đó, mùa hè năm ngoái, 2 máy bay MiG-31K đã được triển khai tới căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria. Phi công Nga đã thực hiện các chuyến bay huấn luyện ở vùng biển Địa Trung Hải.
Tại Syria, tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal đã tích cực tương tác với lực lượng hàng không hải quân, đặc biệt là với máy bay chống ngầm Il-38.
Theo các chuyên gia, tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal có thể tấn công các mục tiêu mặt đất, nhưng trước hết chúng được thiết kế để đối phó với các nhóm tàu tấn công của đối phương.
Chiến lược tấn công toàn cầu của phương Tây hiện liên quan đến khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình từ các tàu chiến ở khoảng cách hơn 550 km tính từ đường bờ biển. Tuy nhiên, tổ hợp tên lửa hàng không mới nhất của Nga có khả năng đẩy lùi nhóm tàu của đối thủ ra xa khỏi vùng biển ở khoảng cách hơn 2.000 km.
Phát triển cơ sở hạ tầng
Ở Nga, việc triển khai cơ sở hạ tầng cho các tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal sắp hoàn thành. Các cơ sở đặc biệt cho tên lửa Kinzhal đang được xây dựng tại một số sân bay quân sự. Chúng bao gồm các kho bảo quản, cũng như các địa điểm sửa chữa, bảo dưỡng và thử nghiệm đạn siêu thanh.
Theo đó, các cơ sở hạ tầng này đang được trang bị cho các bộ phận của Lực lượng Hàng không Vũ trụ. Các kho chứa và địa điểm sửa chữa, bảo dưỡng và thử nghiệm tên lửa siêu thanh đang được chuẩn bị ở một số khu vực bí mật trên toàn Nga.
Theo chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, các đơn vị tên lửa và kỹ thuật của Lực lượng Hàng không vũ trụ không chỉ phải tiếp nhận các tổ hợp tên lửa Kinzhal, mà còn phải bảo đảm việc cất giữ, chuẩn bị chiến đấu, theo dõi tình trạng và bảo dưỡng định kỳ chúng.
“Bộ Quốc phòng sẽ thiết lập các tiêu chuẩn đạn dược cho các vũ khí này. Một phần sẽ ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu và nằm gần các sân bay. Phần còn lại sẽ được sử dụng trong một khoảng thời gian đặc biệt”, chuyên gia cho biết thêm.
Nguyên Tư lệnh Lực lượng Phòng không và Không quân số 4, Tướng Valery Gorbenko khẳng định Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã sẵn sàng cho công việc trên.
Theo ông Gorbenko, Lực lượng Hàng không Vũ trụ có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa vào trang bị các tên lửa tầm xa phức tạp, bao gồm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Do đó, hoạt động của các cơ sở hạ tầng nêu trên đã được chuẩn bị từ lâu.
Tháng 12-2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, trung đoàn hàng không đầu tiên của máy bay chiến đấu MiG-31K với tên lửa siêu thanh Kinzhal đã được thành lập như một phần của Lực lượng Hàng không vũ trụ.
Cùng với các máy bay MiG, các chuyến bay huấn luyện với tổ hợp tên lửa Kinzhal đã được thực hiện bằng máy bay chống ngầm Il-38 và máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3. Dự kiến, trong tương lai, các máy bay ném bom này cũng có thể trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Ảnh: Ria Novosti |
Hướng tấn công chiến lược
Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal bắt đầu thử nghiệm chiến đấu trong các đơn vị Hàng không Vũ trụ Nga từ năm 2017. Phi đội đầu tiên gồm 10 máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31K đã nhiều lần sử dụng thành công “Dao găm” Kinzhal vào các mục tiêu ở khoảng cách ít nhất 800km.
Đầu năm 2021, người đứng đầu Quân khu Trung tâm Alexander Lapin đã nói về kế hoạch trang bị tổ hợp này cho Trung đoàn Hàng không Tiêm kích 712 ở Kansk. Theo đó, việc trang bị này cần diễn ra trước năm 2024.
Trước đó, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết việc thử nghiệm Kinzhal ở Bắc Cực, trong các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Tổ hợp tên lửa siêu thanh này cũng sẽ được triển khai ở các quân khu khác và ở Hạm đội Phương Bắc.
Tuy vậy, hướng chiến lược phía Tây được coi là một trong những ưu tiên cao nhất cho việc triển khai tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal. Chúng chủ yếu sẽ tăng cường sức mạnh cho Quân khu phía Tây. Thời gian thực hiện nhiệm vụ chiến đấu phụ thuộc vào yêu cầu quốc phòng- an ninh của nhà nước và hoạt động huấn luyện các biên đội tàu chiến.
Việc chọn MiG-31 làm nền tảng cho “Dao găm” Kinzhal không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Máy bay chiến đấu đánh chặn tầm xa siêu thanh do Liên Xô phát triển này có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết, và được xem là phương tiện chiến đấu không có đối thủ trong cùng loại.
Hiện, các máy bay MiG sử dụng tên lửa siêu thanh đang được nâng cấp. Theo đó, những chiếc MiG-31K mới sẽ trang bị hệ thống điều khiển hiện đại, cung cấp khả năng lái tự động tại thời điểm phóng.
Ở chế độ tự động, tất cả các thông số sẽ được thiết lập, bao gồm cả tốc độ và độ cao. Phi hành đoàn sẽ làm theo lệnh hướng dẫn và nhấn nút tấn công mục tiêu. Hệ thống điều khiển mới này sẽ đẩy nhanh quá trình đào tạo phi công cho quân đội Nga trong tương lai.
MINH TUẤN (Theo Iz.ru, TASS)