Sức khỏe doanh nghiệp ngành điện ra sao trong Quý 2/2024?

Tần Minh (tổng hợp)| 23/07/2024 14:31

Tình hình kinh doanh các doanh nghiệp ngành điện trong Quý 2/2024 dường như vẫn chưa được khởi sắc sau khi báo cáo tài chính được công bố.

Theo báo cáo tài chính Quý 2/2024, Công ty CP Thủy điện Hủa Na (HNA) báo lỗ 10 tỷ đồng khi lưu lượng nước về hồ giảm 45% so với cùng kỳ 2023, đạt bình quân 18,93 m3/s.

Việc lỗ này kéo theo lũy kế nửa đầu năm 2024, Hủa Na đạt 206 tỷ đồng doanh thu, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế 13,9 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của HNA giảm 22,4% so với đầu năm, tương ứng giảm hơn 40 tỷ đồng, xuống còn 138,92 tỷ đồng và chiếm 4,1% tổng nguồn vốn.

Cùng với Hủa Na, Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH) cũng báo lỗ trước thuế quý 2/2024 hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 35 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Sông Ba Hạ lỗ gần 7 tỷ đồng.

suc-khoe-doanh-nghiep-nganh-dien-ra-sao-trong-quy-2-2024-1.jpg
Lượng nước sụt giảm khiến tình hình kinh doanh của thủy điện kém dấu hiệu tích cực. Ảnh minh họa: Internet.

Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong quý 2/2024 cũng là tình hình được ghi nhận tại Công ty CP Thủy điện A Vương (trụ sở tại Quảng Nam - mã AVC) với lợi nhuận sau thuế giảm gần 83% so với quý 2 năm trước.

Trong khi dó, Công ty CP Đầu tư điện lực 3 (PIC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 giảm 73% còn 1,1 tỷ đồng do tình hình thời tiết tại khu vực Nhà máy Thủy điện Đăk Pône và Đakrông I ít mưa, tổng sản lượng điện thương phẩm 6 tháng đầu năm giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Với Công ty CP Thủy điện Sê San 4A - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Thủy điện Sê San 4A công suất 63 MW tại Gia Lai (S4A), doanh thu thuần Quý 2/2024 chỉ đạt 38,2 tỷ đồng, giảm gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Thủy điện Sê San 4A ghi nhận lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng, giảm gần 73% so với cùng kỳ năm 2023.

Trái chiều với Thủy điện, mô hình Nhiệt điện dù có doanh thu khả quan nhưng vẫn kéo theo lợi nhuận giảm vì nhiều yếu tố khách quan chi phí đầu vào.

suc-khoe-doanh-nghiep-nganh-dien-ra-sao-trong-quy-2-2024.jpg
Nhà máy nhiệt điện doanh thu khá nhưng chi phí đầu vào tăng dẫn đến lợi nhuận giảm sâu. Ảnh minh họa: Internet.

Cụ thể, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) công bố doanh thu quý 2/2024 tăng 77%, đạt 2.469 tỷ đồng.

Ngược dòng doanh thu, lợi nhuận sau thuế PPC giảm 42% so với quý 2/2023, còn 93,8 tỷ đồng do giá vốn hàng bán (chủ yếu là chi phí nhiên liệu) tăng mạnh và doanh thu tài chính giảm do các khoản lãi tiền gửi và khoản cổ tức nhận về giảm mạnh.

Tương tự, Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) ghi nhận doanh thu 2.186 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 nhưng chi phí nhiên liệu tăng đẩy giá vốn lên cao và kéo biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Khấu trừ chi phí, Công ty báo lãi sau thuế 122 tỷ đồng trong quý 2/2024, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tình hình vẫn không tốt hơn cho các công ty khác khi con số doanh thu mang về giảm mạnh.

Điển hình, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) báo cáo lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 đạt 160,4 tỷ đồng, giảm 36% so với quý 2/2023.

Trong quý 2/2024, doanh thu bán hàng giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận gộp giảm tới 29,4% chủ yếu do giá than đầu vào tăng.

Với Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (HND), lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 276 tỷ đồng do giá than tăng kéo giảm biên lợi nhuận, dù doanh thu sản xuất điện tăng nhờ sản lượng điện cao hơn 16,3 triệu kWh.

Riêng Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) cũng có doanh thu thuần trong quý 2/2024 giảm 75,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 3,34 tỷ đồng, giảm 87,9%.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sức khỏe doanh nghiệp ngành điện ra sao trong Quý 2/2024?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO