Nhao nhao đòi tự nguyện làm xét nghiệm COVID–19, có nên không?

Xuân Quỳnh| 16/03/2020 07:00

Việt BáoTâm lý lo sợ bị lây nhiễm COVID–19 khiến nhiều người cuống cuồng gọi điện vào đường dây nóng của Bộ Y tế để yêu cầu được làm xét nghiệm tự nguyện. Nhưng họ không hiểu rằng nếu làm xét nghiệm không đúng thời điểm thì không chỉ… phí tiền mà còn gây thêm hỗn loạn.

Không có yếu tố dịch tễ nhưng nằng nặc muốn xét nghiệm

Chị P. T. N., 39 tuổi, ngụ tại quận 7 cho biết khu vực mình sinh sống rất nhiều người Hàn Quốc, Trung Quốc và người nước ngoài từ nhiều quốc gia khác. Theo dõi tin tức, chị N. thấy dịch COVID–19 tại Hàn Quốc và các nước Châu Âu, thậm chí cả ở Mỹ cũng đang diễn biến khá phức tạp. Vì thế chị rất muốn được làm xét nghiệm COVID–19 cho cả gia đình để yên tâm hơn.

Chỉ nên làm xét nghiệm COVID – 19 nếu có yếu tố dịch tễ

Tuy nhiên khi gọi lên đường dây nóng của Bộ Y tế hỏi thì những yếu tố chị trình bày chưa đủ điều kiện cần thiết để làm xét nghiệm COVID-19. “Họ bảo nếu có các yếu tố như tiếp xúc với người dương tính, người vừa từ vùng dịch về, hoặc có các triệu chứng tương tự và đã đi khám ở bệnh viện, chứng minh không chỉ là bệnh hô hấp thông thường thì mới kiểm tra xem có phải nhiễm COVID–19 hay không”, chị N. kể.

Bản thân ông Vũ Mạnh Cường, Vụ Phó Vụ truyền thông - thi đua và khen thưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ trên trang facebook cá nhân rằng, ngày nào ông cũng nhận được vài cuộc điện thoại hỏi xem mua test nhanh để thử COVID–19 ở đâu? Phải đến đâu để được làm xét nghiệm? Thậm chí có người còn hỏi rằng có dịch vụ đến tận nhà để lấy mẫu xét nghiệm hay không và làm sao cho thật bí mật để hàng xóm khỏi trông thấy.

Theo ông Cường, những người có nhu cầu muốn làm xét nghiệm COVID–19 này không hề đi nước ngoài từ Tết tới giờ, họ cũng không đi máy bay và làm việc với Tây hay gặp ai từ nước ngoài về. Tóm lại họ không có yếu tố dịch tễ nhưng sẵn sàng bỏ tiền làm xét nghiệm cho yên tâm.

Tại sao không nên xét nghiệm COVID–19 rộng rãi?

Trước tình trạng này, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ví von: làm như vậy chẳng khác gì “vừa đi chơi với người yêu mà ngay hôm sau đã đi thử que thử thai thì kiểu gì chẳng một vạch”.

Nói như vậy để thấy rằng, làm xét nghiệm COVID–19 phải đúng thời điểm và có các yếu tố dịch tễ, nếu không sẽ cho ra kết quả không chính xác và phí tiền vô ích. Khi COVID – 19 xâm nhập vào cơ thể cũng phải có thời gian ủ bệnh, phát bệnh thì thử ra mới cho kết quả dương tính.

Nhiều ý kiến cũng thắc mắc rằng, vì sao không cho làm xét nghiệm COVID–19 rộng rãi để người dân yên tâm hơn? Câu trả lời là hiện nay, mỗi ngày chúng ta sản xuất được 10.000 KIT phục vụ cho xét nghiệm, nếu 90 triệu dân ta cùng đi xét nghiệm thì phải mất tới 9000 ngày (25 năm) mới sản xuất đủ.

Không chỉ thế, để làm test COVID–19, KIT chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ còn cần có hoá chất để chuẩn bị mẫu và rửa, nhân bản RNA. Trong khi cơ bản nhất là thiết bị RT – PCR (thiết bị kiểm tra nhanh, phát hiện virus) này không phải bệnh viện nào ở Việt Nam cũng có. Do đó, chúng ta không nên xét nghiệm một cách bừa bãi, phí phạm mà hãy dồn lực cho những bệnh nhân, những người có yếu tố dịch tễ, nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, người dân cần bình tĩnh, làm đúng những hướng dẫn của Bộ Y tế mới có thể góp phần đẩy lùi đại dịch.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhao nhao đòi tự nguyện làm xét nghiệm COVID–19, có nên không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO