Ca mắc Covid-19 thứ 34 ở Việt Nam siêu lây nhiễm như thế nào?

14/03/2020 12:15

Việt BáoTheo Bộ Y tế, bệnh nhân nam 31 tuổi, ở TP HCM ngồi chung xe ô tô với ca mắc Covid-19 thứ 45 và cùng đi tiếp xúc với ca số 34 tại Bình Thuận. Đến nay đã có 9 người bị nhiễm liên quan bệnh nhân này, và con số này còn có thể tăng.

Theo VOV, 10h sáng 14/3, Bộ Y tế nhận được thông tin của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thông báo kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 của một bệnh nhân.

Cụ thể, bệnh nhân nam, 31 tuổi, trú quán tại phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân ngồi chung xe ô tô với ca 45 và cùng đi tiếp xúc với ca số 34 tại Bình Thuận.

Sáng 11/3/2020, sau khi biết thông tin ca số 34 mắc bệnh Covid-19, bệnh nhân được hướng dẫn tự cách ly tại nhà.

Ngày 13/3/2020, bệnh nhân được chuyển cách ly tập trung tại Quận 10, lấy mẫu xét nghiệm và chưa có triệu chứng.

Hiện nay sức khoẻ của bệnh nhân ổn định. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm dương tính vào tối ngày 13/3/2020. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển cho Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh 23 giờ ngày 13/3/2020. Sáng nay, cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 48 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 16 trường hợp chữa khỏi và xuất viện.

Bệnh nhân thứ 34 ở Bình Thuận đã 'siêu lây nhiễm' thế nào?

Theo báo TTO, đến nay đã có 9 người bị nhiễm liên quan bệnh nhân này, và con số này còn có thể tăng. Lý do là bệnh nhân này đã đi rất nhiều nhưng không khai báo y tế đầy đủ, trung thực. Khi đó người bị lây không chỉ là F2 như hiện nay mà là Fn".

Trường hợp bệnh nhân COVID-19 thứ 34 (tại Bình Thuận) cũng là nguồn lây bệnh cho 9 bệnh nhân khác. Vì sao D. và bệnh nhân thứ 34 lại làm lây nhiễm mạnh đến như vậy?

Trường hợp của D. và bệnh nhân thứ 34 tương tự như trường hợp bệnh nhân thứ 31 của Hàn Quốc, cũng có tiếp xúc rộng và làm lây lan sang nhiều người. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM - cảnh báo, có đến 80% có nguồn lây từ trong gia đình. "Tất cả sai lầm của cá nhân đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, mà trước tiên không đi đâu xa chính là gia đình của mỗi người. Đặc biệt, nếu trong gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi, nguy cơ nhiễm bệnh lại càng cao, càng nguy hiểm" - bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, bệnh nhân thứ 34 này đi từ nơi bùng phát dịch, có triệu chứng nhưng vẫn tiếp tục đi. Và hậu quả đúng như dự đoán, những người trong gia đình bị lây nhiễm trước, sau đó đến đồng nghiệp và cộng đồng xã hội.

"Do đó, khi bước ra giao lưu với cộng đồng (ở nước ngoài) trở về, mỗi người phải hình dung được sự nguy hiểm với những người rất gần gũi trong gia đình, sau đó mới tới bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng" - bác sĩ Khanh cảnh báo.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phó trưởng tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cho đến nay virus SARS-CoV-2 mới được biết đến trong thời gian tròn 3 tháng (ghi nhận từ 12-12-2019). Vì vậy đây là loại virus rất mới và nhiều điều chưa rõ ràng. 

Mô hình ở Trung Quốc - nơi xuất phát của virus này - là 1 người lây cho 2-3 người. Thế nhưng như bệnh nhân D. trong 1 tuần đã lây bệnh cho 6 người. Hay bệnh nhân thứ 34 trong khoảng 10 ngày đã lây cho 9 người khác và số lượng người lây ở Bình Thuận liên quan đến bệnh nhân 34 còn có thể tăng.

"Nguyên tắc là càng tiếp xúc gần với nguồn bệnh thì nguy cơ lây bệnh càng tăng. Có những ý kiến cho rằng nồng độ virus ở nguồn lây - là bệnh nhân đã nhiễm bệnh - cao thì nguy cơ lây bệnh cũng tăng theo. Thế nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một giả thiết. Chỉ cần một con virus bắn ra từ người bệnh, rồi bám vào bề mặt mà chúng ta sờ phải, rồi không tuân thủ rửa tay sạch thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh" - ông Khuê lý giải.

Ông Khuê cũng cho hay từ tối 11-3, Bộ Y tế đã điều động tổ chống dịch cơ động của Bệnh viện Chợ Rẫy đến trợ giúp cho Bình Thuận, nơi đang có số bệnh nhân nhiều nhất hiện nay (9 người). Trong số này có các chuyên khoa cấp cứu, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân đến giúp Bình Thuận. 

Bộ Y tế đã yêu cầu tổ công tác hỗ trợ Bình Thuận theo hình thức cầm tay chỉ việc cho đến khi Bình Thuận làm tốt mới quay lại TP.HCM, nếu chưa ổn sẽ hỗ trợ đến khi bệnh nhân được ra viện và kiểm soát được dịch.

"Thời điểm đầu tiên khi Bình Thuận mới tiếp nhận bệnh nhân thì họ có lúng túng, do mới quá và họ chưa có kinh nghiệm. Nhóm trợ giúp đều là các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm. Trong tình huống Bình Thuận có thêm bệnh nhân, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ theo hướng đưa thêm các tổ lưu động đến hỗ trợ hoặc trợ giúp từ xa qua telemedicine. Những việc này đều đã có phương án cụ thể" - ông Khuê nói thêm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ca mắc Covid-19 thứ 34 ở Việt Nam siêu lây nhiễm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO