Sự trở về của ‘Công chúa Huawei’ Mạnh Vãn Chu

Quang Đào| 02/10/2021 15:05

Khi bà Mạnh Vãn Chu bị chính quyền Canada bắt giữ tại sân bay Vancouver hồi tháng 12/2018, “công chúa Huawei” bỗng dưng trở thành nhân vật trung tâm của mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc, Canada và Mỹ.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu trở về trong bộ váy màu đỏ, màu của quốc kỳ Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu trở về trong bộ váy màu đỏ, màu của quốc kỳ Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Ngày 24/9, trong một động thái bất ngờ, Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ và chấm dứt vụ án gian lận ngân hàng nhằm vào bà. Theo thỏa thuận này, bà Mạnh đồng ý với một tuyên bố về các tình tiết trong vụ án.

Công tố viên Mỹ David Kessler cho biết, thỏa thuận giữa hai bên sẽ chấm dứt vào tháng 12/2022. Nếu cho tới thời điểm đó, bà Mạnh tuân thủ nghĩa vụ của mình, các cáo trạng sẽ được hủy bỏ. Tại Canada, Phó chánh án Tòa tối cao British Columbia Heather Holmes cũng ký lệnh phóng thích bà Mạnh và chấm dứt quá trình dẫn độ sang Mỹ.

Bên ngoài tòa án, bà Mạnh gửi lời cảm ơn Phó chánh án Holmes vì “sự công bằng” trong quá trình tố tụng. Bà Mạnh cho hay: “Tôi đánh giá cao sự chuyên nghiệp của tòa án và chính phủ Canada vì đã thượng tôn pháp luật”.

Sau khi được tự do, bà Mạnh đã rời Canada trên một chuyến bay của hãng Air China để trở về thành phố Thâm Quyến ngay sau đó.

Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ vào ngày 1/12/2018. Vụ việc gây ra một cơn bão chỉ trích từ phía Trung Quốc, khiến bà Mạnh phải trải qua một cuộc chiến pháp lý kéo dài gần ba năm, đồng thời, khiến Canada rơi vào thế “bị kẹt” giữa cuộc chiến của hai cường quốc lớn nhất thế giới.

“Công chúa” Huawei

Trước khi bị bắt, Mạnh Vãn Chu rất ít được chú ý. Nhắc đến Huawei là người ta nhắc đến cha bà, ông Nhậm Chính Phi, người từng là kỹ sư trong quân đội, một đảng viên tỷ phú đã lập nên tập đoàn công nghệ thành công nhất Trung Quốc, phát triển những công nghệ “made in China” mà người Trung Quốc tự hào.

Bà Mạnh Vãn Chu sinh năm 1972 tại Thành Đô, là con gái vợ đầu của ông Nhậm. Nhưng đến năm 16 tuổi, khi bố mẹ của bà ly dị, bà đã lấy họ của mẹ. Truyền thông Trung Quốc cũng cho hay, Mạnh Vãn Chu không theo họ bố là ông Nhậm Chính Phi để “tránh sự chú ý không cần thiết”.

Bà Mạnh sinh ra trong một gia đình bình thường, do lúc bấy giờ ông Nhậm vẫn còn phục vụ trong quân đội và năm 1983 mới xuất ngũ. Sau đó, gia đình ông chuyển đến Thâm Quyến, thành phố đặt trụ sở chính của Huawei.

Bà tốt nghiệp ngành kế toán tại Đại học Thâm Quyến, một ngôi trường không quá danh tiếng ở Trung Quốc. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học, bà Mạnh đi làm ở ngân hàng nhưng mới được một năm lại thất nghiệp.

Thời điểm này Huawei mới thành lập nên ông Nhậm đề nghị con gái lớn về công ty làm việc. Sau đó, dù có kế hoạch du học ở Mỹ, nhưng do kém tiếng Anh nên bà đành phải theo học thạc sĩ tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung, một trong những trường trọng điểm quốc gia.

Công việc đầu tiên của bà Mạnh tại Huawei là thư ký, nhưng theo một số nguồn tin, thực chất bà ngồi cả ngày đóng dấu công văn. Ngoài ra, bởi vì theo họ mẹ, nên thời gian đầu rất ít người biết bà là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi. Bà đã rất nỗ lực và ham học hỏi để từng bước thăng tiến, trở thành giám đốc tài chính và phó chủ tịch hội đồng quản trị của Huawei mà không cần nhận tới bất kì sự ưu ái hay thiên vị nào.

Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ đó, bà Mạnh liên tục chứng minh được thực lực của mình. Cũng vì vậy, nhiều người tin rằng, trong tương lai “công chúa Huawei” sẽ trở thành “nữ hoàng Huawei”, tiếp quản đế chế khổng lồ của người cha tỷ phú.

Nguyên nhân bắt giữ

Trong bối cảnh Huawei ngày một phát triển mạnh mẽ, trở thành nhà cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng viễn thông cho nhiều quốc gia trên thế giới, công ty này lại trở thành “mục tiêu chính” cho những lệnh trừng phạt của Mỹ và là tâm điểm của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, được khởi xướng từ thời Tổng thống Donald Trump.

Khi đó, Washington nhiều lần buộc tội Huawei ăn cắp công nghệ của Mỹ, cũng như lo ngại rằng, quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc khiến công ty này trở thành một mối đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ. Không những vậy, chính quyền Tổng thống Trump còn kêu gọi các quốc gia đồng minh như Anh, Australia, Nhật Bản... tẩy chay sử dụng công nghệ của Huawei.

Ngày 1/12/2018, khi máy bay của bà Mạnh từ Hong Kong (Trung Quốc) hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Vancouver, “công chúa Huawei” dự định về ngôi nhà bà sở hữu ở thành phố này để lấy thêm hành lý trước khi lên chuyến bay tiếp theo sang Mexico dự một cuộc họp công ty. Thế nhưng, bà bị chính quyền Canada bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Cáo buộc đối với bà Mạnh là lừa dối ngân hàng HSBC về bản chất thực sự của mối quan hệ làm ăn giữa Huawei với một công ty có tên Skycom, khiến ngân hàng này có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Phía Mỹ cũng cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại và cản trở cuộc điều tra hình sự bằng cách tiêu hủy và che giấu bằng chứng. Bà Mạnh liên tục phủ nhận những cáo buộc này.

Trong ba năm ở Vancouver, bà Mạnh được tại ngoại chờ xét xử và sống trong căn biệt thự của gia đình ở ngoại ô. Bà được tự do di chuyển trong phạm vi giới hạn và buộc phải đeo thiết bị theo dõi. Bà vẫn có thể đi mua sắm ở Vancouver, được sắp xếp để không bị ai làm phiền.

Huawei là một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Trung Quốc, thậm chí có thể coi là một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới. Được thành lập năm 1987 ở thành phố Thâm Quyến, Huawei tập trung vào thiết bị mạng và viễn thông và luôn nằm trong danh sách các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Tác động tiêu cực

Theo New York Times, vụ bắt giữ “công chúa Huawei” đã gây ảnh hưởng nặng nề tới quan hệ Canada - Trung Quốc.

Tờ Guardian thì nhận định, vụ bắt bà Mạnh khiến cả Bắc Kinh, Ottawa và Washington bị mắc kẹt trong một tình thế không ai có lợi. Sự cố liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Iran, do vậy nó mang đậm tính chính trị.

Ngoài ra, Tổng thống Trump còn tuyên bố ông sẽ can thiệp để hủy các cáo buộc với bà Mạnh nếu điều này giúp ích cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, điểm nóng căng thẳng giữa hai nước lúc đó.

Trong khi đó, phía Trung Quốc dường như cảm thấy bà Mạnh và Huawei đang bị lợi dụng như quân bài trong một cuộc chiến rộng lớn hơn, bởi việc truy tố nhắm vào một giám đốc tài chính, thay vì cả tập đoàn, được cho là rất bất thường so với tiền lệ.

Do vậy, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách bắt hai công dân Canada, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, với cáo buộc “tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc”, chỉ ít ngày sau khi bà Mạnh bị Ottawa giam giữ.

Hiện có nhiều giả thuyết về lý do vì sao bà Mạnh lại được thả tự do vào lúc này. Có những nhà bình luận cho rằng, do phía Canada không thể đưa ra một bản án đầy đủ và áp dụng quy chế dẫn độ để đưa bà Mạnh sang Mỹ. Vụ kiện chống lại “công chúa Huawei” có nhiều điểm bất thường khi không ai bị thiệt hại tài sản hay phía HSBC cũng đã biết trước về những lùm xùm xung quanh Skycom.

Cũng có những nhận định rằng, nếu Mỹ đòi bắt bà Mạnh như một “con bài” chính trị, thì việc thả bà tự do cũng là một nước cờ quan trọng khác, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách để đẩy mạnh tiếp xúc ngoại giao giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Canada cũng được hưởng lợi “ké” khi vừa loại bỏ được vấn đề còn tồn đọng với Trung Quốc, vừa thoát khỏi việc bị kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh. Hơn hết, hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ cũng được thả tự do và về nước không lâu sau đó. Hôm 25/9, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để thành lập chính phủ thiểu số, cũng đến sân bay để đón hai công dân này.

Về nước, CFO Huawei Mạnh Vãn Chu được chào đón tại Trung Quốc như một “người hùng”, với thảm đỏ và những người ủng hộ vẫy cờ Trung Quốc cổ vũ. Lễ đón được phát sóng trên truyền hình nhà nước, có lúc có đến gần 100 triệu người theo dõi.

Sự chào đón phô trương như vậy với một thường dân là điều hiếm có tại Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Canada Tùng Bồi Vũ cũng đi cùng chuyến bay chở bà Mạnh về nước. Bà đã vô cùng cảm động trước những gì đất nước đã làm và chia sẻ rằng: “Nếu không có tổ quốc hùng mạnh, tôi sẽ không có được sự tự do ngày hôm nay”.

Bài liên quan
  • Nghị sĩ Mỹ nổi giận vì laptop Huawei sử dụng chip Intel
    Các nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden sau khi gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei tiết lộ một chiếc máy tính xách tay (laptop) được trang bị chip trí tuệ nhân tạo (AI) của hãng Intel.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sự trở về của ‘Công chúa Huawei’ Mạnh Vãn Chu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO