Khi chưa thành lập phố đi bộ, bên hồ Gươm vốn đã là điểm vui chơi, tập thể dục mỗi ngày của người dân Thủ đô. Trào lưu rèn luyện sức khỏe ở vườn hoa, công viên đã lan sang cả khách nước ngoài, những người ngoại quốc sinh sống tại Hà Nội.
Đến phố đi bộ hồ Gươm chơi, chưa biết có gì vui và hay nhưng hình ảnh tràn ngập nhất là cảnh mưu sinh kiếm tiền bằng các trò văn nghệ, hát hò của những người gọi là "nghệ sĩ đường phố". Cứ mỗi một nhóm biểu diễn lại có hàng chục người đứng quây kín xem, còn đâu lối mà đi bộ.
Có ý kiến cho rằng, đúng là nếu không có phố đi bộ mở ra thì những người lao động mưu sinh bằng hình thức này khó có đất "diễn". Ước tính mỗi dịp cuối tuần, nếu quan sát thường xuyên sẽ thấy mỗi một "nghệ sĩ" thổi kèn, múa hát... thu về số tiền kha khá.
Không chỉ người lành lặn, đây cũng là tụ điểm người khuyết tật không rõ thật giả đến "xin ban phước lành".
Trong số những người đàn hát mưu sinh còn có cả khách ngoại quốc.
Trẻ em có sân để chơi nhưng cũng chưa có khu riêng biệt. Tất cả hòa lẫn lộn trong một con đường.
Trong ảnh, một em nhỏ trượt patin phải né một bé trai bị ngã xe đạp.
Dễ nhận thấy hơn, phố đi bộ còn là nơi dạo chơi của nhiều ông chủ, bà chủ cùng với thú cưng. Đi dạo ở đây, bất cứ lúc nào du khách cũng có thể giật mình vấp phải những chú chó kêu ăng ẳng.
Nhiều thanh niên còn chơi đùa nguy hiểm với những con chó dữ.
Đường đi lối lại giờ "là của riêng ta, ta muốn để đồ đạc ở đâu kệ ta".
Xuyên suốt các tuyến phố tổ chức đi bộ, hàng rong bày bán tràn lan như chợ cóc.
Từ hơn 5 năm trước, câu chuyện về những chiếc xe điện mini do trẻ em điều khiển thi nhau đại náo phố đi bộ. Du khách khi đi dạo, thư giãn thường phải né tránh.
Có thời điểm, nhiều người còn chơi xe điện cân bằng như một cuộc đua.
Một trong những trường hợp trẻ nhỏ bị chấn thương vì chơi đùa trên phố đi bộ cách đây đã lâu.
Do là nơi tập trung đông người, nhiều sự kiện văn hóa thường được tổ chức ở đây nhưng du khách khi đến tham gia luôn cảm thấy tận hưởng được sự vui chơi giải trí ở những chương trình như thế này thì ít, mục đích kinh doanh thương mại thì nhiều.
Và cách trang trí thiết kế cho sự kiện luôn thiếu đổi mới, hay bị trùng lặp. Điển hình như mô hình cầu Long Biên liên tục xuất hiện, kèm theo đó là tiểu cảnh hoa tươi, hoa giả, xung quanh là các gian hàng giới thiệu sản phẩm.
Một gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm trong một sự kiện được tổ chức trên phố đi bộ hồ Gươm cách đây không lâu. Đầu tháng 11, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi văn bản lên Sở Văn hóa - Thể thao đề nghị không tổ chức các giải chạy bộ vào ban đêm ở khu vực xung quanh hồ Gươm, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Cụ thể, thời gian qua, xung quanh hồ Hoàn Kiếm thường xuyên có các hoạt động, sự kiện, đặc biệt là giải chạy tổ chức vào sáng sớm (từ 3h sáng), sự kiện có tổ chức biểu diễn âm nhạc với công suất âm thanh lớn tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe và sinh hoạt của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Ngoài ra, quanh hồ Hoàn Kiếm còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm không phù hợp như bán hàng nông sản, thực phẩm, hàng nước ngoài kém chất lượng. Đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội bố trí, sắp xếp các hoạt động trên không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hạn chế các hoạt động có tổ chức gian hàng không phù hợp tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Hạn chế việc cấp phép các sự kiện có tổ chức biểu diễn âm nhạc với công suất âm thanh lớn tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Nam Khánh