Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 mới xuất hiện ở nhiều nước

18/03/2022 11:25

Biến chủng kết hợp giữa Delta và Omicron được phát hiện ngày càng nhiều ở các quốc gia. Điều đặc biệt là tái tổ hợp virus ở mỗi khu vực lại khác nhau.

Ngày 15/3, Bộ Y tế Brazil báo cáo về hai trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron hay Deltacron. Họ gồm một người đàn ông 34 tuổi ở bang Amapa và một người phụ nữ 26 tuổi ở bang Para, miền Bắc nước này. Đây là quốc gia mới nhất phát hiện ca nhiễm biến chủng lai Deltacron.

Cùng ngày, Israel cũng ghi nhận ca nhiễm Deltacron đầu tiên. Chỉ trong khoảng hai tháng, số ca bệnh mang chủng này tăng lên ở nhiều quốc gia, nhất là những nước ở châu Âu.

Deltacron là gì?

Theo Guardian, Deltacron là biến chủng chứa các yếu tố di truyền của Delta và Omicron. Nói cách khác, nó chứa bộ gene của cả hai biến chủng, khiến nó trở thành virus tái tổ hợp.

Trong khi đó, ngày 11/3, Reuters dẫn một bài báo được đăng tải trên medRxiv và chờ phản biện của GS Philippe Colson, Viện Nghiên cứu IHU Mediterranee Infection, ở Pháp, mô tả 3 bệnh nhân ở Pháp bị nhiễm một phiên bản nCoV kết hợp protein gai từ Omicron và “xương sống” Delta. Công trình này được xem là bằng chứng chắc chắn đầu tiên về ca nhiễm Deltacron ở người.

Quá trình tái tổ hợp di truyền của nCoV ở người xảy ra khi hai biến chủng cùng vào một vật chủ. GS Colson cho biết: “Trong đại dịch Covid-19, 2 hoặc nhiều biến chủng có thể cùng lây lan trong một khoảng thời gian và ở cùng khu vực địa lý. Điều này tạo cơ hội cho hai biến chủng kết hợp lại”.

Theo GS Lawrence Young, Đại học Warwick, Anh: “Những tái tổ hợp này phát sinh khi nhiều hơn một biến chủng cùng lây nhiễm và tái tạo trong cơ thể một người. Deltacron là sản phẩm của hai biến chủng Omicron, Delta cùng lưu hành trong một quần thể”.

bien-chung-covid-19-1.jpg

Deltacron là biến chủng chứa các yếu tố di truyền của Delta và Omicron. Ảnh: Health Magazine.

Những nơi đã phát hiện Deltacron

Theo GISAID, biến chủng lai Deltacron đã được xác định tại một số vùng ở Pháp và dường như chúng bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay. Ngoài ra, các bộ gene với cấu hình tương tự cũng đã được xác định ở Đan Mạch, Hà Lan.

Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các chuyên gia tìm thấy các ca nhiễm biến chủng lai sau khi giải trình tự gene của 29.719 mẫu bệnh phẩm dương tính từ ngày 22/11/2021 đến 13/2 tại Mỹ.

Họ phát hiện 2 ca nhiễm các phiên bản khác nhau của Deltacron. Ngoài ra, 20 trường hợp khác nhiễm cả Delta và Omicron cùng lúc. Đặc biệt, một F0 nhiễm cùng lúc 3 chủng Delta, Omicron và Deltacon. Tuy nhiên, thông tin về ca bệnh này chưa được tiết lộ. Deltacron là phiên bản lai giữa Omicron và Delta.

Trong khi đó, Cơ quan An ninh Y tế Anh cũng báo cáo khoảng 30 ca nhiễm chủng này. Tại Israel, Brazil, số lượng ca nhiễm khá ít, khoảng 1-2 người.

Tiến sĩ Etienne Simon-Loriere thuộc Viện Pasteur, Anh, cảnh báo có thể có Delta và Omicron sẽ hình thành nhiều hơn một biến chủng lai. “Loài chúng tôi tìm thấy ở Pháp, Hà Lan, Đan Mạch rất giống nhau. Song, tại Mỹ và Anh, dường như chúng là sự kết hợp các mảnh khác nhau của virus cha mẹ. Do đó, nó khá khác biệt với Deltacron tại Pháp”, ông giải thích. Vị chuyên gia cũng cho hay giới khoa học cần tìm các tên khác để chỉ những tái tổ hợp này hoặc đặt tên nó như biến chủng mới.

bien-chung-covid-19-2.jpg

Deltacron đã được ghi nhận ở Mỹ, Anh và nhiều quốc gia châu Âu. Ảnh: USA Today.

Thế giới lần đầu tiên được cảnh báo về Deltacron vào đầu tháng 1. Theo Bloomberg, người phát hiện ra biến chủng này là Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis, Đại học Cyprus, Cộng hòa Cyprus.

Ngày 7/1, ông đăng tải 52 mẫu giải trình tự gene lên cơ sở dữ liệu GISAID - nơi các chuyên gia trên toàn cầu chia sẻ thông tin về những loại virus mới. Vị chuyên gia từ Cyprus gọi chúng là “Deltacron” vì những dấu hiệu di truyền giống Omicron của nó trong bộ gene Delta.

Theo nghiên cứu từ GS Kostrikis, họ đã phát hiện tổng cộng 25 ca nhiễm biến chủng này sau khi giải trình tự 1.377 mẫu gene trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus.

Vị chuyên gia cho biết tần suất phát hiện biến chủng lai cao hơn ở những người nằm viện. Do đó, họ đặt giả thuyết về mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện. Họ cũng nhấn mạnh còn quá sớm để kết luận về khả năng lây lan hay những tác động mà chủng Deltacron có thể gây ra.

“Những ca mắc được phát hiện cho thấy một chủng gốc đã gặp áp lực tiến hóa để đạt được những đột biến này và đây không phải là kết quả của một sự kiện tái tổ hợp duy nhất”, GS Kostrikis khẳng định.

Deltacron có nguy hiểm không?


Các chuyên gia y tế nhấn mạnh biến chủng tái tổ hợp không phải hiếm. Deltacron không phải trường hợp đầu tiên và cũng không phải chủng lai cuối cùng chúng ta sẽ thấy ở Covid-19.

“Điều này xảy ra bất cứ khi nào trong giai đoạn chuyển đổi từ biến chủng nổi trội sang chủng khác. Thường nó sẽ gây tò mò về mặt khoa học hơn”, tiến sĩ Jeffrey Barrett, thành viên Wellcome Trust Sanger, cho biết.

Tuy nhiên, đến nay, số lượng ca nhiễm Deltacron vẫn rất nhỏ. Do đó, các chuyên gia cho rằng vẫn chưa đủ dữ liệu để xác định mức độ nghiêm trọng hay hiệu quả của vaccine.

Nhà khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan, nhấn mạnh: “Tình trạng tái tổ hợp có thể xảy ra ở người hoặc động vật. Chúng ta cần chờ các thí nghiệm để xác định đặc tính của loại virus này. Điều quan trọng lúc này là giải trình tự gene, phân tích và chia sẻ dữ liệu nhanh chóng”.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Paul Hunter, Đại học East Anglia, nhận định Deltacron không gây ra quá nhiều nguy cơ. Bởi đa số người dân đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 hoặc có mức độ miễn dịch nhất định sau khi nhiễm nCoV.

bien-chung-covid-19-3-copy1.jpg

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao ở nhiều nơi và đặc tính ít gây bệnh nghiêm trọng của Omicron là căn cứ khiến các nhà khoa học tin rằng Deltacron sẽ không gây ra đợt dịch nguy hiểm. Ảnh: Star Tribune.

Các nhà khoa học cho rằng protein gai đặc thù của Omicron cũng đóng vai trò trong việc gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn. Omicron sử dụng các protein gai để xâm nhập các tế bào vùng mũi và đường hô hấp trên, nhưng dường như nó không xâm nhập sâu vào trong phổi. Và biến chủng lai Deltacron có thể hoạt động theo cơ chế tương tự.

Ngày 11/3, WHO xác nhận sự xuất hiện của Deltacron và cảnh báo tình trạng lây lan ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm virus này mới dừng lại ở con số vài chục.

Do đó, tổ chức này cũng cho rằng chúng ta chưa cần lo lắng thái quá về biến chủng này, Deltacron sẽ không có khả năng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Các nước nên đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng tăng cường. Đặc biệt, những khu vực có tỷ lệ tiêm thấp cần nhanh chóng bao phủ vaccine để tăng cường miễn dịch cho nhóm dễ bị tổn thương, hạn chế nguy cơ nCoV xâm nhập và sản sinh những đột biến mới nguy hiểm hơn.

Theo Tin tức online
https://tintuconline.com.vn/suc-khoe/su-nguy-hiem-cua-bien-chung-covid19-moi-xuat-hien-o-nhieu-nuoc-n-512941.html
Copy Link
https://tintuconline.com.vn/suc-khoe/su-nguy-hiem-cua-bien-chung-covid19-moi-xuat-hien-o-nhieu-nuoc-n-512941.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 mới xuất hiện ở nhiều nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO