Sự nghiệp thăng trầm của 'đại gia' Trầm Bê vừa ra tù

Bình An (tổng hợp)| 15/02/2023 17:38

Theo Tuổi Trẻ Online, ông Trầm Bê - nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) - đã chấp hành xong 2 bản án hình sự dài 7 năm.

Thành công và dính vòng lao lý khi bước vào ngành ngân hàng

Trước khi dính vào vòng lao lý, ông Trầm Bê là một doanh nhân thành công, nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực: lâm sản, xây dựng, bệnh viện, thủy hải sản, nhưng được biết đến nhiều hơn cả khi lấn sân vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

sai-pham-hang-ngan-ty-dong-dai-gia-tram-be-bi-bat-153243.jpg
Ông Trầm Bê thời điểm điều hành Ngân hàng Phương Nam. Ảnh: CAND

Cụ thể, năm 2004, mua một lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và trở thành thành viên hội đồng quản trị. Theo báo Tuổi Trẻ, ông Bê sau đó đã thâu tóm cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và kiến nghị cho sáp nhập Ngân hàng Phương Nam - khi đó là một ngân hàng yếu kém, có tỉ lệ nợ xấu cao - vào Sacombank và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào tháng 8-2015. Tuy nhiên, cũng thời điểm này ông bị truất quyền điều hành tại Sacombank.

tram_be_jkod.jpg

Ông Trầm Bê bị bắt giam ngày 1/8/2017 do liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và bị TAND TP. HCM tuyên phạt ông Trầm Bê mức án 4 năm tù với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiếp đó, năm 2020, trong vụ án Dương Thanh Cường, ông tiếp tục bị TAND TP. HCM tuyên phạt 3 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 3 năm tù, tổng cộng 7 năm tù.

Thiệt hại xảy ra khi ông Trầm Bê giữ chức vụ phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 10/2007, Dương Thanh Cường đã đứng danh nghĩa Cty Thanh Phát để mua gom 10,5 ha đất nông nghiệp của các hộ dân tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM với ý định đầu tư dự án.

Dương Thanh Cường biết rõ thông tin diện tích đất 10,5 ha nằm trong khu quy hoạch, đã có Quyết định thu hồi của Nhà nước, không thể sang tên sở hữu cho Cty Thanh Phát. Đồng thời, trước đó giấy chứng nhận các thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích 10,5 ha này đã được Dương Thanh Cường thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 (NHNo Chi nhánh 6) để vay số tiền 628 tỷ đồng.

tram-be-2907-1_ctjk.jpg
Ông Trầm Bê bị dẫn giải đến tòa án trong vụ xử Dương Thanh Cường năm 2020. Ảnh: Hoàng Yến

Với mục đích chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Nam để sử dụng cá nhân, nên đầu tháng 4/2008, Dương Thanh Cường mang bản photocopy của 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) này đến gặp Trầm Bê, đề nghị vay tiền và tài sản thế chấp là 10,5 ha đất của 23 GCN QSDĐ.

Ông Trầm Bê thống nhất cho vay nếu hồ sơ đầy đủ, có tài sản thế chấp và giao cho Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam thẩm định hồ sơ.

Dương Thanh Cường đã sử dụng 23 GCN QSDĐ này làm tài sản thế chấp để vay và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Nam thông qua 3 hợp đồng tín dụng, số tiền 185 tỷ đồng và sử dụng hết vào mục đích cá nhân.

Tại phiên tòa năm 2020, HĐXX nhận định bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang (cựu phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐTD Ngân hàng) phạm tội không vì tư lợi, có nhiều cống hiến cho xã hội nên được xem xét giảm nhẹ phần nào hình phạt.

Tổng hơp với bản án 4 năm tù về cố ý làm trái quy định gây thiệt hại 1.800 tỉ trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, bị cáo Trầm Bê phải chấp hành chung là 7 năm tù.

Từng được đồn “đã ra tù từ lâu”

Ông Trầm Bê sinh 1959, là người Việt gốc Hoa, quê Trà Vinh nhưng lập nghiệp và thành công tại TP. HCM.

tram-be-961.jpeg

Là một doanh nhân nổi tiếng, cuộc sống cá nhân của ông cũng được biết đến nhiều trong các hoạt động từ thiện xã hội: xây dựng trường học, chùa …nhưng ít xuất hiện trên truyền thông. Sự kiện “ầm ĩ” nhất liên quan đến gia đình ông xảy ra vào năm 2005 khi con trai ông là Tr.Tr. Ng bị bắt cóc đòi tiền chuộc lên đến…10 triệu USD. Vụ việc sau đó được công an triệt phá, giải cứu thành công. Kẻ cầm đầu vụ bắt cóc năm 2005 là Bình ‘kiểm’ sau đó đã bị tuyên án 28 năm tù.

Số tiền chuộc 10 triệu USD mà nhóm bắt cóc thời điểm đó đưa ra cho thấy chúng hiểu khá rõ điều kiện kinh tế của gia đình ông Trầm Bê.

Thực tế, ông Trầm Bê kinh doanh khá mát tay và gặt hái nhiều thành công. Theo báo Tuổi Trẻ, trước khi bước vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông Trầm Bê đã đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác như mở Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh, thành viên hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), chủ tịch hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Triều An.

choang_ngop_truoc_dinh_thu_lon_nhat_nam_bo_cua_dai_gia_tram_be_9_7.jpg
Ngôi nhà như lâu đài của ông Trầm Bê tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Nhadautu

Năm 2002-2004, Công ty Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn do ông là chủ tịch hội đồng quản trị chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam.

Thời hoàng kim, tài sản của ông Trầm Bê ước tính gần 2000 tỷ đồng. Ngôi nhà của gia đình ông như một lâu đài và thuộc hàng lớn nhất tại tỉnh Trà Vinh, tọa lạc tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú. Ngôi nhà nằm trong khuôn viên rộng đến hơn 30ha, với nhiều hạng mục và cả hơn 1000 cây tùng nhập khẩu từ Nhật Bản.

Trước khi bị TAND TP. HCM xét xử trong vụ án Dương Thanh Cường năm 2020, có tin đồn ông Trầm Bê đã mãn hạn tù và hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, theo báo Tiền Phong, thời điểm đó VKSND tối cao đã bác bỏ tin đồn và khẳng định: “Bị can Trầm Bê thi hành án phạt tù kể từ ngày 1/8/2017, đồng thời đang bị tạm giam trong vụ án này (sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam –PV) từ ngày 27/3/2019 tại trại tạm giam Công an tỉnh Trà Vinh”

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sự nghiệp thăng trầm của 'đại gia' Trầm Bê vừa ra tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO