Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 6-12/9: Taliban công bố chính quyền mới, Đảo chính ở Guinea, Mỹ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9

Nam Anh| 12/09/2021 10:33

Lãnh đạo Mỹ-Trung điện đàm, Taliban công bố chính quyền mới, Đảo chính ở Guinea, Mỹ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc có cuộc điện đàm lần đầu tiên sau 7 tháng nhằm tìm cách đảm bảo không có các 'xung đột ngoài ý muốn'. (Nguồn: Bloomberg)
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc có cuộc điện đàm lần đầu tiên sau 7 tháng nhằm tìm cách đảm bảo không có các 'xung đột ngoài ý muốn'. (Nguồn: Bloomberg)

Lãnh đạo Mỹ-Trung điện đàm lần đầu tiên sau 7 tháng

Ngày 9/9, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên sau 7 tháng, chia sẻ mong muốn sự cạnh tranh giữa hai nước sẽ không trở thành "xung đột".

Washington ra thông báo cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận chiến lược liên quan đến các lĩnh vực mà lợi ích cùng hội tụ và các lĩnh vực có sự khác biệt về lợi ích, giá trị và quan điểm.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc đối thoại thẳng thắn, sâu sắc về mối quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề cùng quan tâm.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đặt ra những khó khăn to lớn cho mối quan hệ song phương.

Truyền thông Trung Quốc cho biết thêm, cả hai lãnh đạo đã đồng ý duy trì các kênh liên lạc thường xuyên.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, và đây mới là cuộc điện đàm thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo, kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1 năm nay.

Chính quyền mới ở Afghanistan: Đức không muốn hành động đơn độc, Washington đánh giá kỹ, Taliban... hứa. (Nguồn: The Sun)
Chính quyền mới ở Afghanistan. (Nguồn: The Sun)

Taliban công bố chính quyền mới

Trong buổi họp báo ngày 7/9, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid đã công bố các thành viên Nội các mới ở Afghanistan.

Trong đó, thành viên kỳ cựu của Taliban, ông Mohammad Hassan Akhund sẽ được bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng, người đứng đầu chính phủ lâm thời của Afghanistan và ông Mullah Abdul Ghani Baradar sẽ trở thành Phó Thủ tướng.

Các thành viên còn lại được cho rằng đều là những nhân vật chủ chốt trong trật tự quyền lực trước đó của Taliban và không có thành viên chính phủ nào là nữ.

Tuy nhiên, theo phát biểu trên đài BFMTV tối 8/9, ông Mujahid nêu rõ rằng sẽ có những vị trí dành cho phụ nữ trong chính quyền trong tương lai.

Mặc dù vậy, người phát ngôn của Taliban Sayed Zekrullah Hashimi vẫn đưa ra các nhận định gây tranh cãi trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin TOLO News hôm 9/9 khi cho rằng, nội các mới tại Kabul không cần sự có mặt của phụ nữ.

Sau động thái của Taliban, người phát ngôn của Liên hợp quốc Farhan Haq khẳng định tổ chức sẽ không tham gia vào việc công nhận chính phủ mới và sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quyền con người của tất cả người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng chưa công nhận chính phủ mới do Taliban thành lập và Nga cũng phản ứng rất thận trọng, chưa đưa ra bất cứ quyết định nào.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đi thăm 3 địa điểm bị tấn công khủng bố, nhân dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/9. (Nguồn: AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đi thăm 3 địa điểm bị tấn công khủng bố, nhân dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/9. (Nguồn: AP)

Thế giới tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9

Ngày 11/9/2021 đánh dấu mốc 20 năm kể từ thời điểm diễn ra vụ khủng bố kinh hoàng gây chấn động nước Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành các hoạt động tưởng niệm sự kiện đau thương này.

Theo USA Today, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với Đệ nhất Phu nhân Jill Biden đã có chuyến thăm tới 3 địa điểm bị tấn công 20 năm trước, bao gồm: Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York, Lầu Năm Góc ở bang Virginia và cánh đồng gần thị trấn Shanksville thuộc bang Pennsylvania.

Phó Tổng thống Kamala Harris và chồng bà Doug Emhoff sẽ đến thăm Shanksville trước khi tới Lầu Năm Góc cùng gia đình Tổng thống Joe Biden. CNN cho biết, các chuyến thăm còn có sự góp mặt của hai cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama.

Theo thông lệ hàng năm, một buổi lễ với phần xướng tên các nạn nhân xấu số đã được tổ chức tại Đài tưởng niệm Quốc gia và Viện Bảo tàng 11/9 tại thành phố New York. Sự kiện bắt đầu với một phút mặc niệm lúc 8h46 phút sáng - thời điểm chiếc máy bay đầu tiên do những tên khủng bố kiểm soát lao vào tòa tháp phía Bắc của WTC.

Trước đó, trong một đoạn video ngắn đăng tải trên trang Twitter cá nhân vào hôm 10/9, Tổng thống Biden đã lên tiếng kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết. Ông cũng phản đối các cuộc tấn công nhằm vào công dân Mỹ theo đạo Hồi - vốn gia tăng nhanh chóng từ sau vụ khủng bố.

Trong thông điệp đánh dấu kỷ niệm 20 năm diễn ra vụ khủng bố kinh hoàng này, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, dù mối đe dọa khủng bố vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, song niềm tin của con người vào tự do và dân chủ sẽ không bao giờ bị lung lay. Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã lên tiếng thể hiện sự đồng cảm với gia đình các nạn nhân.

Cùng ngày, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục ngăn chặn và chống chủ nghĩa khủng bố phù hợp với luật pháp quốc tế và giúp các thế hệ sau thoát khỏi thảm họa chiến tranh.

Nhóm quân đội Guinea đảo chính, tuyên bố bắt giữ Tổng thống, giải tán chính phủ, áp giới nghiêm toàn quốc. (Nguồn: Guinea TV)
Nhóm quân đội Guinea đảo chính, tuyên bố bắt giữ Tổng thống, giải tán chính phủ, áp giới nghiêm toàn quốc. (Nguồn: Guinea TV)

Tình hình Guinea sau vụ đảo chính

Sau khi diễn ra cuộc đấu súng dữ dội tại trung tâm của thủ đô Conakry (Guinea) sáng 05/09, một lực lượng trực thuộc quân đội đặc nhiệm Guinea tuyên bố đã bắt giữ Tổng thống Alpha Conde, giải tán chính phủ, xóa bỏ Hiến pháp và áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc.

Sau đó, ngày 6/9, chỉ huy lực lượng đảo chính trên, ông Mamady Doumbouya cho biết nguyên nhân của cuộc đảo chính này là do “tình hình đói nghèo và vấn nạn tham nhũng”, khẳng định lực lượng sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết để giám sát giai đoạn chuyển tiếp ở Guinea.

Trước tình hình tại Guinea, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng bất cứ hành vi bạo lực hay biện pháp nào vi phạm Hiến pháp sẽ chỉ làm xói mòn triển vọng hoà bình tại quốc gia Tây Phi này.

Ngày 6/9, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Guinea Yue Shaowen cho biết tình hình ở thủ đô Conakry đã tạm thời ổn định.

Trước đó ngày 5/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Liên minh Châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế các nước châu Phi (ECOWAS) cùng lên án vụ đảo chính. Vài ngày sau đó, Guinea đã liên tiếp bị đình chỉ tư cách thành viên của mình tại hai tổ chức ECOWAS và AU.

Một vài nguồn tin cho biết, đơn vị thực hiện cuộc đảo chính vốn do lực lượng mũ nồi xanh của Mỹ huấn luyện. Tuy nhiên, chương trình huấn luyện các binh sĩ đặc nhiệm tại Guinea đã bị đình chỉ ngay lập tức sau sự việc và Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) Kelly Cahalan cũng cho biết, vụ đảo chính "không phù hợp với chương trình đào tạo và giáo dục quân sự của Mỹ".

Người biểu tình tham gia một cuộc biểu tình đoàn kết với các tù nhân Palestine trong nhà tù của Israel ở Ramallah ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng [Mohamad Torokman / Reuters]
Người biểu tình tham gia một cuộc biểu tình đoàn kết với các tù nhân Palestine trong nhà tù của Israel ở Ramallah ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng. (Nguồn: Reuters)

Tình hình Israel-Palestine căng thẳng trở lại

Vụ vượt ngục được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử Israel xảy ra rạng sáng ngày 6/9 vừa qua đã đẩy quan hệ giữa nước này và Palestine trở lại trạng thái căng thẳng.

Trước đó, vào khoảng 1h sáng ngày 6/9, 6 tù nhân người Palestine đã đào một đường hầm hẹp bên dưới nhà tù Gilboa - một trong những nhà tù được canh giữ nghiêm ngặt nhất tại Israel - để trốn thoát ra bên ngoài. Trong số những người vượt ngục có Zakaria Zubeidi, một thủ lĩnh dân quân nổi tiếng ở thành phố Jenin và là lãnh đạo của tổ chức vũ trang Lữ đoàn Al-Aqsa.

Ngay sau khi nhận được thông tin về các trường hợp bỏ trốn, cảnh sát Israel đã nhanh chóng vào cuộc để truy lùng quy mô lớn, tập trung tại khu vực Bờ Tây.

Người dân Palestine sống tại khu vực Bờ Tây và thành cổ Jerusalem đã xuống đường biểu tình phản đối chiến dịch truy lùng của Israel cũng như bày tỏ sự ủng hộ đối với các phạm nhân vượt ngục. Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) đã điều lực lượng đến thành phố Jenin để cảnh báo các lực lượng an ninh của Israel và các chiến binh tại dải Gaza cũng bắn một quả tên lửa vào khu vực miền Nam nước này.

Vào ngày 10/9, một trường hợp người biểu tình Palestine đã bị bắn tử vong sau khi cố ý dùng dao để tấn công lực lượng chức năng Israel tại Bờ Tây.

Tính tới chiều ngày 11/9, phía Israel đã bắt giữ thành công 4 trên 6 trường hợp vượt ngục, cùng với nhiều thân nhân của cả 6 đối tượng. Zubeidi cũng đã bị bắt trong một bãi đậu xe tải ở gần thành phố Nazareth.

tong-thong-my-de-cu-thu-truong-ngoai-giao-john-sullivan-lam-dai-su-tai-nga
Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan. (Nguồn: Reuters)

Nga triệu tập đại sứ Mỹ vì cáo buộc can thiệp bầu cử

Ngày 10/9, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại nước này John Sullivan vì lý do nhiều công ty công nghệ Mỹ đã “can thiệp vào cuộc bầu cử Hạ viện Nga”, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19/9.

AFP cho biết, tại cuộc gặp giữa ông Sullivan và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, Moscow đã đưa ra nhiều “bằng chứng không thể chối cãi” về việc nhiều công ty công nghệ của Mỹ đã vi phạm các bộ luật của Nga liên quan tới bầu cử Duma Quốc gia.

Trong khi đó, Washington cho biết cuộc thảo luận chỉ xoay quanh “một loạt vấn đề song phương nhằm ủng hộ mong muốn của Tổng thống Biden về một mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán với Nga”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích việc Washington không đề cập tới các cáo buộc can thiệp bầu cử và khẳng định rằng, đó là lý do duy nhất của cuộc họp.

Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành: Điện Kremlin muốn kích hoạt càng sớm càng tốt, Ukraine vẫn chưa bằng lòng
Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành. (Nguồn: TASS)

Nga hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Trong ngày 10/9, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Alexey Miller xác nhận đoạn ống cuối cùng thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã được hạ xuống biển Baltic và sẽ sớm bơm khí đốt sang Châu Âu từ cuối năm nay.

“Đây có thể được coi là “một chiến thắng địa chính trị cho Moscow”, bà Dmitry Marinchenko - Giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, nói với hãng tin TASS hôm 10/9.

Cùng ngày, Điện Kremlin cũng đã kêu gọi khởi động dự án đầy tranh cãi này trong thời gian “sớm nhất có thể”.

Ukraine cho biết, nước này sẽ tiếp tục “chống lại” dự án. Phát ngôn viên của Tổng thống Volodomyr Zelensky khẳng định Kiev sẽ không ngừng phản đối, kể cả khi quá trình vận chuyển khí đốt được khởi động.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhận định quan hệ với Berlin sẽ chỉ tiếp tục căng thẳng và không đạt được lợi ích gì, nếu Washington tiếp tục bày tỏ sự bất đồng với dự án. Thay vào đó, Mỹ cam kết sẽ thành lập một quỹ hàng tỷ USD để đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và các sáng kiến năng lượng bền vững trên khắp Châu Âu.

Thượng đỉnh BRICS: Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. (Nguồn: exclusiveglobalnews)
Thượng đỉnh BRICS đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: exclusiveglobalnews)

Hội nghị thượng đỉnh BRICS theo hình thức trực tuyến

Ngày 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến.

Tham dự hội nghị có Tổng thống Brazil Jair Bolsanaro, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphos cùng nhiều quan chức cấp cao các nước thành viên BRICS.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi nhấn mạnh: "BRICS đã đạt được nhiều thành tựu trong 15 năm qua. Ngày nay, chúng ta là một tiếng nói có ảnh hưởng đối với các nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Diễn đàn này cũng đóng vai trò hữu ích trong việc tập trung vào các ưu tiên của các quốc gia đang phát triển. Chúng ta phải đảm bảo rằng BRICS hoạt động hiệu quả hơn trong 15 năm tới. Chủ đề mà Ấn Độ lựa chọn cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình 'BRICS 15 năm: Hợp tác nội khối vì sự liên tục, gắn kết và đồng thuận' đã phản ánh ưu tiên này."

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận về cải cách hệ thống đa phương, chống khủng bố, sử dụng công cụ kỹ thuật số và công nghệ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và tăng cường giao lưu nhân dân.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về tác động của đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác hiện nay, trong đó có tình hình ở Afghanistan.

Khối BRICS bao gồm năm quốc gia đang phát triển lớn nhất trên thế giới (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), chiếm 41% dân số toàn cầu, 24% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 16% thương mại của thế giới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 6-12/9: Taliban công bố chính quyền mới, Đảo chính ở Guinea, Mỹ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO