Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 đã ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine để thực hiện sứ mệnh "gìn giữ hòa bình". Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Putin ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của vùng ly khai Donetsk và Lugansk.
Hiện chưa rõ liệu việc Nga đưa "lực lượng gìn giữ hòa bình" vào Đông Ukraine có đánh dấu sự khởi đầu của một hành động cứng rắn như các nhà lãnh đạo phương Tây đã cảnh báo trong nhiều tuần qua hay không. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ và phương Tây nghi ngờ sắc lệnh của ông Putin có thể coi là động thái mở đầu cho một hành động quân sự tại quốc gia láng giềng.
Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tối 21/2, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng tuyên bố của ông Putin về việc các lực lượng Nga tiến vào Đông Ukraine với tư cách "lực lượng gìn giữ hòa bình" là "vô nghĩa".
Các sắc lệnh do Tổng thống Putin ký với lãnh đạo 2 khu vực ly khai đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (DPR và LPR) ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine là "các quốc gia độc lập" và đảm bảo an ninh của họ với sự hậu thuẫn của quân đội Nga. Sắc lệnh được đưa ra trong bối cảnh phương Tây cáo buộc Nga triển khai khoảng 190.000 quân tới gần biên giới Ukraine và dường như đang chuẩn bị gây sức ép với quốc gia láng giềng.
Một nhân chứng của Reuters đã nhìn thấy những đoàn xe quân sự, bao gồm xe tăng, xuất hiện ở ngoại ô Donetsk vào sáng sớm 22/2, sau khi ông Putin thông báo về việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Đông Ukraine. Cho đến nay, Nga chưa công bố cụ thể quy mô của lực lượng này, cũng như thời điểm các thành viên của lực lượng được triển khai tới Ukraine và sứ mệnh thực sự của họ.
Động thái cứng rắn hơn?
Sau sắc lệnh công nhận độc lập 2 vùng ly khai, những tuyên bố cứng rắn của nhà lãnh đạo Nga, sự hiện diện của hàng nghìn quân Nga ở biên giới Ukraine và những đánh giá của giới tình báo và quan chức Mỹ, kịch bản tiếp theo có thể sẽ khó đoán hơn.
Nga được cho là đã ủng hộ phe ly khai tại Đông Ukraine bằng nhiều hình thức, bao gồm hỗ trợ viện trợ tài chính, cung cấp vaccine Covid-19 và cấp ít nhất 800.000 hộ chiếu Nga cho người dân ở đây. Tuy nhiên, Nga luôn bác bỏ việc đưa quân đội tới khu vực này.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết việc Nga công nhận độc lập của 2 khu vực ly khai nhằm bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Donetsk và Lugansk trước hành động mà ông cho là sự gây hấn của Ukraine. Trong tuyên bố trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nebenzia khẳng định việc công nhận độc lập của các khu vực này không diễn ra "đột ngột", mà thực chất DPR và LPR đã tuyên bố tách khỏi sự kiểm soát của Ukraine từ năm 2014.
Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra trên thực địa tại các khu vực được Nga công nhận độc lập trong những ngày tới. Việc xác định rõ tính toán của Nga sẽ dẫn đến những phản ứng của Mỹ và các đồng minh.
Tổng thống Putin có lẽ là người duy nhất biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tuy nhiên, các con đường ngoại giao để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine đang khá hẹp và các chuyên gia cho rằng Nga dường như đang hướng đến một hành động cứng rắn hơn.