Giống thật đến 90%, giá chỉ bằng 1/20
Ngọc Anh (Hà Nội) dành 3 tháng suy nghĩ để đưa ra quyết định có hay không mua chiếc túi thương hiệu Loewe, dòng Puzzle, có mức giá khoảng 70 triệu đồng. Cuối cùng, cô quyết định không mua bởi với thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng, cô cho rằng dành hơn 2 tháng lương để mua chiếc túi là quá xa xỉ.
Tuy vậy, Ngọc Anh vẫn không thể ngừng nghĩ về Loewe Puzzle - chiếc túi đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Vì tìm kiếm về sản phẩm này liên tục trong 2 tháng, trên trang cá nhân của Ngọc Anh, các bài đăng quảng cáo gợi ý về túi Loewe xuất hiện ngày một nhiều.
Trong đó, cô bị thu hút bởi dòng quảng cáo "Custom túi like auth 1:1" (Làm theo yêu cầu chiếc túi giống hàng thật với tỉ lệ 1:1 - PV).
Khi Ngọc Anh liên hệ, cửa hàng trên cho biết họ sẽ làm lại chiếc túi giống với Loewe Puzzle bằng việc dùng da thật, kỹ thuật khâu tay, thêu tay, đảm bảo sản phẩm có thể giống hàng thật trên 90%.
Tuy nhiên, phần logo sẽ có một vài điểm khác biệt so với bản thật. Việc làm logo khác đi được coi là cách để chiếc túi trở thành sản phẩm custom (làm lại), không phải hàng nhái.
"Là chiếc túi với 41 mảnh ghép, sử dụng gần một tấm da bò, chế tác rất kỳ công. Chất liệu da thật toàn bộ, toàn bộ quai và cạnh túi được sơn cạnh thủ công rất kì công.
Cửa hàng không hỗ trợ thay đổi kích thước và thay đổi các chi tiết kế túi, túi sử dụng nhiều mảng da lớn nên sẽ không thể tránh khỏi sẹo và nhăn.
Hiện đây là chiếc túi với từng chi tiết kì công, nên thời gian nhận đóng sẽ lâu hơn những chiếc túi khác 25- 30 ngày làm việc", đơn vị kinh doanh đưa ra lời cam kết khi Ngọc Anh liên hệ hỏi về chiếc túi giống Loewe Puzzle.
Với mức giá 3 triệu đồng cho một sản phẩm gần giống mong đợi, Ngọc Anh quyết định mua.
Khi nhận về sản phẩm trên tay, cô khá ưng ý. Với một người không có nhiều kinh nghiệm sử dụng hàng hiệu, Ngọc Anh dường như không tìm được điểm khác biệt giữa túi của cô và hàng thật.
Điểm khác biệt lớn nhất là độ mềm của da. Túi Loewe phiên bản chính hãng có phần da mềm, độ rủ cao còn chiếc túi làm lại của cô khá cứng, đứng dáng và không có độ rủ.
Tuy nhiên, Ngọc Anh cho hay cô chỉ dám sử dụng chiếc túi này ở Việt Nam. Nếu có dịp đi sang nước ngoài, Ngọc Anh nghĩ chiếc túi này sẽ mang lại rắc rối cho cô bởi rõ ràng, đây là sản phẩm nhái của thương hiệu nổi tiếng.
Hermes Birkin là một trong những "tượng đài" của những người yêu hàng hiệu. Đây là chiếc túi có giá từ 300 triệu đồng trở lên. Với những phiên bản giới hạn, nạm kim cương, Hermes Birkin có giá hàng tỷ đồng.
Do vậy, không khó hiểu khi Hermes Birkin là một trong những mẫu túi được nhiều người custom (làm lại). Trên thị trường, có không ít những địa chỉ nhận sản xuất lại mẫu túi giống Hermes Birkin với mức giá dao động từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tùy thuộc vào độ tinh xảo của chiếc túi.
Với những sản phẩm làm lại, đơn vị kinh doanh quảng cáo nguyên liệu da thật, dùng kỹ thuật khâu tỉ mỉ với độ tinh xảo cao. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh túi custom (làm lại) luôn làm một chi tiết khác so với bản thật để "lách luật".
Biết vi phạm pháp luật vẫn... nhái có tâm
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh M.T.V - chủ cửa hàng spa, sửa chữa túi hiệu, custom túi xách, cho biết nhu cầu làm lại các mẫu túi của các thương hiệu nổi tiếng ngày càng nhiều. Một phần, không phải ai cũng có đủ khả năng chi trả cho những chiếc túi hàng hiệu có giá thành rất cao.
Phần khác, việc custom lại một sản phẩm biểu tượng sẽ giúp người sử dụng không tốn quá nhiều công sức để suy nghĩ về hình dáng của một chiếc túi phù hợp với bản thân.
Tuy nhiên, trên thực tế, custom túi hiệu (làm lại túi hiệu) gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận cho rằng đây là hình thức làm giả, làm nhái sản phẩm hay nói cách khác là "ăn cắp ý tưởng". Nhóm người này cho rằng custom túi hiệu bản chất là hàng nhái, chỉ là "nhái có tâm" hơn một chút.
Ngoài ra, việc sử dụng những sản phẩm túi xách được custom từ các thương hiệu nổi tiếng cũng gặp không ít rủi ro liên quan đến pháp luật.
Do vậy, nhiều năm qua, anh M.T.V đã nhận custom các sản phẩm nổi tiếng, điển hình như Hermes Birkin. Tuy nhiên, trên trang cá nhân, M.T.V chỉ quảng cáo dịch vụ spa, sửa chữa túi hiệu và không nhắc đến các sản phẩm custom. Khi khách hàng có nhu cầu, M.T.V sẽ trực tiếp tư vấn kín thông qua tin nhắn.
"Custom túi hiệu bản chất là việc làm sai nên tôi không muốn quảng cáo nó. Có chăng, ai có nhu cầu tôi vẫn làm nhưng vẫn coi spa, sửa chữa túi là nghề chính", M.T.V bày tỏ.
Theo cử nhân luật, chuyên viên sở hữu trí tuệ Nguyễn Ngọc Thảo, căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 được bổ sung sửa đổi theo Luật số 07/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, trong điều 213, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo là một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc Tội xâm phạm quyên Sở hữu công nghiệp (Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015).