Lô kem bị thu hồi số 06 HD FN5G (ngày sản xuất: 1/6/2020; hạn sử dụng: 1/6/2023), được Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh Tây Ninh lấy mẫu ngẫu nhiên tại chợ Tân Châu.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm, hàm lượng thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép. Bộ Y tế không nêu rõ chỉ tiêu giới hạn này là bao nhiêu.
Nhãn sản phẩm này ghi thông tin Made in Vietnam; phân phối độc quyền bởi Công ty TNHH thương mại mỹ phẩm Huỳnh Đỗ Cosmetics ở Kiên Giang.
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc lưu thông, sử dụng mỹ phẩm, trả về cơ sở cung ứng sản phẩm và tiến hành thu hồi lô sản phẩm mỹ phẩm nêu trên.
Đồng thời, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty TNHH thương mại mỹ phẩm Huỳnh Đỗ Cosmetics phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm mỹ phẩm kem chuyên nám nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả về.
Riêng Sở Y tế tỉnh Kiên Giang được yêu cầu kiểm tra công ty trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.
Sử dụng mỹ phẩm chứa thuỷ ngân nguy hiểm như thế nào? |
Theo PGS Nguyễn Hồng Côn - nguyên giảng viên khoa Hoá học, trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, thuỷ ngân là kim loại nặng, có ánh bạc, có ký hiệu Hg. Ở nhiệt độ thường, Hg tồn tại trạng thái lỏng và dễ bay hơi, lan rộng ra môi trường xung quanh. Được ứng dụng trong nhiệt kế, chế tạo bóng đèn, dung môi trong phòng thí nghiệm, hỗn hợp hàn răng,…
Thủy ngân giải phóng từ chất thải có chứa thủy ngân tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí, trầm tích, thực vật..) hoặc tích tụ trong chuỗi thức ăn và vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ cá và hải sản, hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người.
PGS Côn cho biết, thuỷ ngân được xếp vào hoá chất có hại cho cơ thể. Theo WHO (tổ chức y tế thế giới) thì chất này là một trong mười nhóm hóa chất độc nhất. Ở dạng kim loại, các hợp chất và muối của Hg rất độc. Khi cơ thể tiếp xúc, hít thở hay nuốt phải các chất trên sẽ gây tổn thương não và gan.
Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học dễ dàng hấp thụ qua da, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa con người. Hợp chất hữu cơ của Hg độc hơn hợp chất vô cơ. Hợp chất độc nhất của Hg là metyl thủy ngân, chỉ cần giọt nhỏ rơi vào da có thể gây tử vong.
Thuỷ ngân ở mỹ phẩm hay gặp là loại thuỷ ngân phenyl cũng hay gặp trong các loại sơn sản xuất nhựa mủ, sơn chống thấm. Thủy ngân còn được sử dụng làm chất bảo quản trong các loại phấn mắt và các mỹ phẩm trang điểm vùng mắt khác.
Thủy ngân là một thành phần rất độc hại, có khả năng thẩm thấu qua da, bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi hoặc sữa mẹ. Hợp chất xâm nhập vào cơ thể qua da, qua tiêu hóa hay khi hít phải.
Khi ngộ độc thuỷ ngân, bạn có chứng dị cảm khi thấy tê và đau nhói ở môi, ngón tay. Tùy thuộc dạng tồn tại, thời gian và cường độ tiếp xúc mà có các biểu hiện khác nhau.
Có các biểu hiện như chảy nước miếng, viêm lợi, chân tay run rẩy và rối loạn tâm thần kinh. Đối với trẻ em hay quên, mất ngủ, kém ăn, buồn bã hoặc tâm trạng không ổn định. Khi ăn thức ăn chứa độc như cá biển thì triệu chứng có thể sau và ngày hay vài tuần.
Những trường hợp ngộ độc nặng có thể có dấu hiệu thần kinh suy nhược, loạn ngôn ngữ và khả năng vận động, thích giác giảm, thần kinh rối loạn, run cơ và có thể tử vong.
Ngoài ra, Hg rất độc với các mẹ khi mang thai thường hay ăn cá biển có thể gây sẩy thai, chậm phát triển, tâm thần, bại não, biến dạng chi.
Khánh Chi