Sự cố y khoa ở Việt Nam thấp vì nhiều bác sỹ sợ bị kỷ luật, không dám báo cáo

ANH ĐÀO| 26/05/2022 18:45

“Khi có sự cố y khoa xảy ra thì y bác sĩ phải đối mặt với người nhà bệnh nhân, thanh tra, đồng nghiệp, báo chí… Chúng ta chưa lập hội đồng đánh giá, chưa kết luận gì thì sự cố y khoa đã lên báo, khiến y bác sĩ chịu nhiều áp lực”, BS Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

img_1399.jpg
Các bác sĩ tại TP.HCM đang thăm khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: ANH ĐÀO

Đây là ý kiến được đưa bàn luận ra tại hội thảo"ứng xử ra sao với sự cố y khoa” do Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) phối hợp Báo Tiền Phong tổ chức sáng 26/5.

Gần như tất cả nhân viên y tế từng chứng kiến sự cố y khoa

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ - cho hay theo một nghiên cứu được thực hiện phỏng vấn từ 259 bệnh nhân thì có đến 88% người bệnh muốn biết tất cả mọi thứ liên quan đến các sự cố y khoa, có 12% muốn biết những tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của họ nếu có.

Trong khi đó, có đến 92% nhân viên y tế cho rằng đã từng chứng kiến, gặp phải, thậm chí gây ra sự cố y khoa.

“Khi gây ra các sự cố y khoa, một số trường hợp nhân viên y tế không còn muốn hành nghề, có thể bỏ nghề” – BS Cường nói.

Còn BS CKII Nguyễn Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy - sự cố y khoa là vấn đề không thể tránh khỏi trong các bệnh viện.

Ông Việt đặt vấn đề, ở các nước tiên tiến, sự cố y khoa xảy ra rất nhiều nhưng tại sao ở Việt Nam lại rất thấp? Nguyên nhân, khi xảy ra sự cố y khoa xảy ra thì y bác sĩ không dám báo cáo vì sợ bị kỷ luật.

“Hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy quy định, khi có sự cố y khoa thì bác sĩ đứng mổ phải báo cáo sự cố. Còn người quản lý chất lượng của bệnh viện báo cáo chi tiết, để thời gian cho bác sĩ làm việc. Khi có sự cố y khoa xảy ra thì y bác sĩ phải đối mặt với người nhà bệnh nhân, thanh tra, đồng nghiệp, báo chí… Chúng ta chưa lập hội đồng đánh giá, chưa kết luận gì thì sự cố y khoa đã lên báo, “tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa” khiến y bác sĩ chịu nhiều áp lực” – BS Việt nêu thực tế.

279724850-1935240293342812-2549196126159699305-n-2090.jpeg
BS CKII Nguyễn Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy - nói về sự cố y khoa - Ảnh: báo Tiền Phong

Không nên định kiến và hãy cởi mở

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế -  sự cố y khoa là câu chuyện phong phú, cần hiểu rõ để xử lý và phòng ngừa.

Theo đó, khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh viện tư thì dễ sập tiệm, bệnh viện công thì mang tai tiếng. Do đó, lãnh đạo các bệnh viện cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh. “Nếu xảy ra sự cố y khoa xảy ra thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân” – ông Khuê nói .

Khi xảy ra sự cố y khoa thì phòng Công tác xã hội của các bệnh viện là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện. Sự cố này là điều không ai mong muốn, nên cần phải chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề sau sự cố y khoa.

“Sự cố y khoa không chỉ ở Việt Nam mà tất cả nước tiên tiến đều xảy ra. Các sinh viên cần hiểu biết thêm về pháp luật, nhà trường cần quan tâm tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học để sinh viên tiếp cận thực tế. Thầy thuốc phải được mua bảo hiểm trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho mình” - PGS. TS Lương Ngọc Khuê nói.

BS. CK2 Bùi Nguyễn Thành Long - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM - cho biết sai sót trong sự cố y khoa đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm đến 70%.

Trước những tác hại to lớn của sự cố y khoa, BS Long cho rằng, cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu. “Càng có nhiều hàng rào giám sát thì càng ít sự cố y khoa xảy ra” - BS Long nhấn mạnh.

BS Long cũng cho rằng không nên định kiến và hãy cởi mở với những sai sót, sự cố y khoa không mong muốn và giúp các đồng nghiệp ngành y không lặp lại sai sót đó.

"Cần đơn giản hóa và chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật chuyên môn; tập huấn, đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị cần kiểm soát thường xuyên, kịp thời, đột xuất, đồng thời trang bị, cải tạo cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu điều trị, chăm sóc người bệnh.

Ngoài ra, cần lưu ý phát huy tinh thần tự nguyện với văn hóa báo cáo sự cố y khoa nhằm đảm bảo an toàn người bệnh, phòng tránh các lỗi sai, giúp cải tiến quy trình, nâng cao khả năng chăm sóc người bệnh", bác sĩ Long nói.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sự cố y khoa ở Việt Nam thấp vì nhiều bác sỹ sợ bị kỷ luật, không dám báo cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO