Sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 50% số vụ cháy thời gian qua

Trần Thanh| 08/06/2023 15:43

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), một trong những nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ cháy trong thời gian qua phải kể tới các vấn đề do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm tới hơn 50%).

Trong thời gian qua, tại Hà Nội và các thành phố, địa phương khác trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy. Một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ này.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Trung tá Lê Minh Hải - Trưởng Phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an.

5 tháng đầu năm, hơn 700 vụ cháy làm 35 người chết

Xin ông cho biết, công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như tình hình cháy nổ trên địa bàn cả nước thời gian qua được đơn vị triển khai như thế nào, nhất là trong giai đoạn thời tiết nắng nóng hiện nay?

- Trước tình hình cháy, nổ năm 2022 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND các địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác PCCC và CNCH.

Sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 50% số vụ cháy thời gian qua - 1

Trung tá Lê Minh Hải - Trưởng Phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an (Ảnh: Thu Huyền).

Cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, công an các địa phương tập trung triển khai chuyên đề kiểm tra đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn phòng, chống đuối nước ở trẻ em trong thời tiết khắc nghiệt và kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với cơ sở, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; xử lý 100% các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH.

Trong thời gian tới, tình hình nắng nóng kéo dài, học sinh cả nước bước vào giai đoạn nghỉ hè, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao dẫn đến quá tải thiết bị điện dễ phát sinh cháy, nổ. Ngoài ra, người tập trung tại các bãi tắm, bể bơi, sông hồ để tắm đông cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đuối nước cao.

Thực tế, thời gian qua có nhiều vụ cháy nổ xảy ra, nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ông có thể chia sẻ về những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ?

- Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra hơn 700 vụ cháy (xảy ra 255 vụ cháy nhà dân, chiếm 35,8%), làm chết 35 người, bị thương 32 người; thiệt hại về tài sản ước tính gần 67 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2022, tình hình cháy đã giảm cả 3 tiêu chí, giảm 16 vụ cháy; giảm 4 người chết; giảm một người bị thương; thiệt hại về tài sản giảm 46,7 tỷ đồng.

Sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 50% số vụ cháy thời gian qua - 2

Chiều 18/4, một vụ cháy xảy ra tại quán karaoke Pattaya Club ở quận Thanh Xuân, Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Để xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trong về người và tài sản trong tình hình hiện nay có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể đến một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất là vi phạm các quy định về PCCC trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh sống của người dân; Do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm trên 50%); Do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; Sự cố kỹ thuật các phương tiện, thiết bị...

Ngoài ra, còn các yếu tố phát sinh từ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình, cá nhân chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm và duy trì các điều kiện an toàn PCCC và CNCH.

Sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 50% số vụ cháy thời gian qua - 3

Ngôi nhà dạng chuồng cọp - nơi xảy ra vụ cháy khiến 4 bà cháu tử vong ở quận Hà Đông vừa qua (Ảnh: Trần Thanh).

- Để hạn chế các vụ cháy xảy ra, đặc biệt đối với những nơi có nguy cơ cháy nổ cao, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có khuyến cáo gì đến người dân?

Thứ nhất, người dân phải tự nghiên cứu, nắm rõ các quy định, kiến thức PCCC, kỹ năng thoát nạn cho mình.

Thứ hai, người đứng đầu cơ sở cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm PCCC và duy trì các điều kiện an toàn PCCC và CNCH tại cơ sở, hộ gia đình trong suốt quá trình hoạt động…

Thứ ba, mọi người duy trì công tác tự kiểm tra, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC tại cơ sở, hộ gia đình để kịp thời phát hiện, loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ.

Thứ tư, người dân cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, đồng thời duy trì vệ sinh công nghiệp tại khu vực sản xuất để loại trừ nguy cơ cháy, nổ.

Thứ năm, người dân cần bố trí lực lượng, phương tiện PCCC tại cơ sở, hộ gia đình, tổ liên gia để kịp thời xử lý cháy, nổ ngay lúc đầu.

Cuối cùng, tại mỗi hộ gia đình, người dân cần thường xuyên phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn, cẩn trọng trong sắp xếp đồ dùng, nội thất, phương tiện trong nhà, khi sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã.

Ngoài ra, người dân cần tự trang bị bình chữa cháy xách tay, mở lối thoát nạn thứ 2 và thường xuyên thực tập các phương án thoát nạn phù hợp với điều kiện của hộ gia đình. Khu vực sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm yêu cầu an toàn phòng cháy theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Hiện nay "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" là mô hình đang được nhân rộng trên khắp các địa phương. Xin ông chia sẻ rõ hơn về mô hình này?

- Hiện nay toàn quốc xây dựng được hơn 20.000 tổ liên gia an toàn PCCC, gần 25.000 điểm chữa cháy công cộng, các mô hình này đã phát huy hiệu quả, phát hiện và tổ chức chữa cháy, cứu người kịp thời đối với một số vụ cháy nhà ở hộ gia đình, không để xảy ra thiệt hại về người.

Việc xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy", là phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, nhằm duy trì công tác PCCC hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Ngoài ra, mô hình này còn kịp thời phát hiện, tổ chức chữa cháy, CNCH ngay khi đám cháy mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn.

Mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" còn hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày, khi có các sự cố bất ngờ xảy ra tại một hộ gia đình như có người bị thương, bị mắc kẹt… thì các hộ gia đình khác có thể tới giúp và chi viện.

Cuối cùng, mô hình này giúp người dân nâng cao ý thức PCCC và CNCH mỗi người dân; tăng tính đoàn kết giữa các hộ gia đình trong khu dân cư.

Xin cảm ơn Trung tá!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 50% số vụ cháy thời gian qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO