Học phí, bán trú, hai buổi/ngày, nước uống, bảo hiểm y tế, đồng phục (đi học và thể thao), dạy thêm do trường tổ chức, các khoản tài trợ - đây là những khoản cơ bản mà các trường công lập được phép thu, theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Với các gia đình lao động có mức thu nhập trung bình, chỉ cần 1-2 con đi học, mỗi "mùa thu tựu trường" đồng nghĩa với “mùa thu tiền trường” đến, các bậc cha mẹ lại phải tính toán để thu xếp.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều khoản tiền "nho nhỏ" mà các bậc phụ huynh không thể không chi, như thẻ học sinh, vệ sinh, sổ liên lạc điện tử, các loại quỹ… Và rồi “điều hoà, máy chiếu, tại sao đầu năm nào cũng phải thu tiền?” – câu hỏi bức xúc này không ít phụ huynh đã phải thốt lên.
Năm trước, khoản thu về “ghế ngồi chào cờ của học sinh” đã khiến dư luận thở dài. Năm nay, qua phản ánh trên báo chí, còn có những nơi đưa ra các khoản gây tranh luận như “tivi trong lớp học”, hay “máy tính cho giáo viên”. Khoản thu nào cũng có liên quan tới việc học của con em, nên dù có thể vô lý nhưng phụ huynh cũng phải bấm bụng.
Đỉnh điểm gây bức xúc của các khoản thu trong trường học, năm nay được điểm danh thẳng, là học phí của các môn học ngoài chính khoá. Xếp các môn này vào một biểu hiện của “lạm thu” cũng không oan, bởi nếu theo quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, các trường được thu các khoản dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Và thế là “trăm hoa đua nở” các loại hình học ngoài chính khóa trong các nhà trường với tên gọi mỹ miều: Bổ trợ, tăng cường, sinh hoạt câu lạc bộ các môn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các môn, liên kết giáo dục STEM+… Hình thức học, tất nhiên là “tự nguyện” - cũng lại một mỹ từ cho việc phụ huynh đăng ký học cho các con.
Thời gian học của các môn này, đa số được đưa vào xen kẽ trong các ngày học chính khóa, khiến nhiều gia đình, dù không có nhu cầu học, cũng vì bất tiện chuyện đưa đón con mà đành theo. Học phí của các môn học này không rẻ, trung bình mỗi môn khoảng từ 600.000 - trên 1 triệu đồng, có môn gần 2 triệu đồng/tháng (khoảng 4-6 buổi), nhân với 9 tháng, nhân với vài môn… Kết hợp với những khoản thu khác, các khoản thu từ những môn học ngoài chính khóa này đủ khiến nhiều phụ huynh lao đao.
Liên tục các năm gần đây, mà đặc biệt là đầu năm học mới 2023-2024 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An… thông tin về các hình thức biến tướng của học thêm (và thu thêm) này khiến dư luận vô cùng bức xúc. Lý do, ngoài việc gây tốn kém cho các gia đình, thì hiệu quả giáo dục của các mô hình này được phụ huynh đánh giá là không cao; đồng thời theo các chuyên gia giáo dục, thì làm mất thời gian nghỉ ngơi, tự học, tự tìm tòi khám phá của học sinh.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã ra các văn bản yêu cầu rà soát các khoản thu và công tác tổ chức các hình thức học thêm, dạy thêm trong nhà trường. Bộ GD-ĐT thì năm nào, trước khai giảng, cũng ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương, các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện các quy định về thu chi, về dạy thêm học thêm. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao tình trạng này cứ lặp đi lặp lại hàng năm, và càng ngày càng biến tướng, tinh vi đến mức gây bức xúc trong dư luận đến vậy?
Không thể và không nên đổ cho tình trạng nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế; cũng không thể đổ lỗi cho sự cả nể, sợ hãi của phụ huynh không dám đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực. Phải nhìn thẳng vào thực tế: Để tình trạng lạm thu được xảy ra, duy trì và ngày càng biến tướng tinh vi, là bởi chính các nhà trường đã lạm dụng vai trò và sự tin tưởng mà xã hội dành cho.
Sự lạm dụng ấy làm mất đi sự tôn nghiêm của môi trường đào tạo kiến thức và giáo dục nhân cách cho hoc sinh, tiềm ẩn những hậu họa khôn lường cho nhiều thế hệ. Giải pháp không có gì khó khăn, chính là minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, xem xét trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và có những xử lý thẳng thắn, mạnh mẽ.
Xã hội vừa chứng kiến “vụ việc Việt Á” như một "phép thử" cho hệ thống y tế, cho thấy những sự thật đau lòng như khi phẫu thuật một ung nhọt. Đáng mừng là sau "ca phẫu thuật", rất nhiều tín hiệu tích cực đã hé. Hy vọng rằng với ngành giáo dục, tình trạng "bài toán khó" về “triệt nạn lạm thu” sẽ sớm tìm được lời giải, không chờ tới thời điểm cả xã hội phải cùng nhau chứng kiến kết quả một "bài kiểm tra bẽ bàng" đối với từng cơ sở giáo dục và toàn hệ thống.