Theo NBC News, vào một sáng thứ hai, cảm thấy chán nản vì thiếu caffein, bạn tấp vào cửa hàng drive-though (dịch vụ mua hàng tận nơi mà không cần rời khỏi xe) của Starbucks để mua cà phê.
Nhân viên tại đây vẫn đưa đồ như mọi khi. Nhưng sau đó, bạn sẽ được thức tỉnh lúc nhận được thông báo chạy trên màn hình nếu dùng thẻ tín dụng để thanh toán: Bạn được hỏi muốn boa 1 USD, 2 USD hay 5 USD?
Một nhân viên đưa túi cho khách hàng tại cửa hàng cà phê Starbucks ở Hercules (California, Mỹ) vào ngày 28/7. Ảnh: Getty.
Khách hàng của Starbucks từ lâu đã có thể boa bằng tiền mặt hoặc trên ứng dụng từ hãng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lời nhắc "trả thêm" khi thanh toán bằng thẻ tín dụng cũng được áp dụng. Khách hàng phải trả lời lời nhắc - nếu chỉ chọn "no tip" - để hoàn thành giao dịch của mình.
Sự thay đổi này nhận về vô số ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra khá bức xúc, phẫn nộ trước khoản phụ phí. Song cũng có người vui vẻ cho rằng đây là cơ hội để họ "bù đắp" tốt hơn cho nhân viên Starbucks.
Theo Yahoo, tài khoản @_treagan trên Twitter đã thẳng thắn lên tiếng: "Tại sao Starbucks lại yêu cầu tiền boa?". Trong khi người dùng @toxicjajin thú nhận rằng: "Starbucks khiến tôi căng thẳng mỗi khi họ yêu cầu tôi boa".
Những người khác cho rằng chuỗi cà phê nổi tiếng này nên tăng lương cho nhân viên hơn là chuyển chi phí đó cho khách hàng.
Việc nhắc khách hàng boa cho nhân viên của Starbucks nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Getty.
Thực tế, các luồng ý kiến này đều không mang nhiều giá trị. Những người hài lòng với sự thay đổi không giúp đỡ nhân viên pha cà phê nhiều như họ nghĩ. Còn những người tỏ ra bất bình lại hướng sự tức giận của họ vào sai mục tiêu. Họ thường tranh luận về chất lượng dịch vụ không xứng đáng với tiền boa.
Nhận định tiền boa phản ánh nỗ lực của một bộ phận nhân viên phục vụ hay thể hiện lòng biết ơn từ khách hàng là một sự bóp méo. Một số nhà hàng hiện dựa vào đó để trả lương nhân viên thấp hơn mức tối thiểu. Thay vào đó, khách hàng tạo ra sự khác biệt bằng cách boa, khoản tiền này trong các nhà hàng có thể chiếm phần lớn thu nhập của nhân viên. Có thể thấy, tiền boa là trò lừa đảo nhằm duy trì ảo giác về mức giá thấp, trong khi cho phép các nhà hàng trả lương thấp hơn cho nhân viên của họ.
Khi thông lệ này lan sang môi trường khách sạn và các hình thức thương mại khác, chúng ta đừng tranh luận xem ai "xứng đáng" nhận được tiền boa. Thay vào đó, hãy từ chối trò lừa bịp tiền boa như cách che khuất chi phí thực sự của hàng hóa và dịch vụ.