Sốt đất bất ngờ rục rịch trở lại, chuyên gia lo ngại điều phía sau
Theo phản ánh, một số nơi sốt đất lại nhen nhóm trở lại với hình ảnh tấp nập, chen chúc nhau ở các khu đất đấu giá, những nơi xuất hiện quy hoạch dự án... Và một số nơi đất bị "đẩy giá" dù chưa có yếu tố liên quan đến phát triển hạ tầng, quy hoạch...
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc một công ty bất động sản, cho biết giai đoạn này nguồn cung không có nhiều, nguồn cầu chủ yếu là giới đầu cơ, giá nhà đất hiện tăng rất cao, sốt nóng.
Theo vị này, ở tại thời điểm hiện tại rất khó dự báo cho thị trường bất động sản thời gian tới. Tuy nhiên, điều ông Toản lo ngại đó là sau sốt nóng bao giờ thị trường cũng sẽ suy thoái, đóng băng.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản, ông Phạm Đức Toản cho rằng, về trung và dài hạn không tốt, khi giá lên cao, thanh khoản giảm, khi đó thị trường sẽ đìu hiu. Việc "sốt" chỉ có tác dụng lợi ích cho một số nhóm đầu cơ nhưng lại gây bất ổn với đầu tư dài hạn và cả nền kinh tế.
Loạn phân lô, bán nền ở Bảo Lộc, Bảo Lâm: Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc
Ngày 29/11, thực hiện chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến tình trạng phân lô bán nền ở Bảo Lộc, Bảo Lâm thuộc tỉnh này.
Cụ thể, Thanh tra Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản theo các nội dung báo chí phản ánh về tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Trước đó, báo chí đã phản ánh có tới 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục và chào bán rầm rộ. Ở Bảo Lâm, số dự án ít hơn nhưng diện tích dự án lại lớn hơn, nhiều dự án áp sát rừng. Cũng theo phản ánh, những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những dự đại dự án có diện tích hơn 10 ha, thậm chí 41 ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt), có dự án nằm ngay trong Trung tâm TP Bảo Lộc.
Trước những thông tin nêu trên, Thanh tra Bộ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản báo cáo về Bộ trước ngày 6/12, để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Lại "nóng" phân lô bán nền tại vùng ven Hà Nội
Phân lô bán nền không chỉ diễn ra tại Bảo Lộc, Bảo Lâm (Lâm Đồng) như báo chí phản ánh gần đây mà ở các vùng ven Hà Nội, tình trạng này cũng đang diễn ra rầm rộ. Các khu đất ở nông thôn, đất ở kết hợp đất trồng cây lâu năm đang được một số doanh nghiệp, người dân trong vùng đứng ra mua gom, sau đó làm đường vào để phân lô, bán nền.
Theo tìm hiểu của Dân trí, tại địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì… đều có các khu đất được phân lô bán nền tự phát, nhân viên môi giới giao bán công khai trên mạng xã hội, trang tin điện tử do các cá nhân, công ty môi giới trên địa bàn lập ra.
Lần theo thông tin rao bán công khai trên mạng xã hội, Dân trí ghi nhận khu vực các xã dọc theo Quốc lộ 21A, thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây hiện có hàng chục khu đất được phân lô bán nền đang rao bán công khai với nhiều mức giá khác nhau tùy theo vị trí, khu vực và đường vào các khu đất rộng hay hẹp.
Tại xã Phú Cát (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), hơn 40 lô đất, thuộc khu đất cạnh đường tỉnh 446, có diện tích 80-120 m2, đường ô tô trải nhựa vào tận nơi đang rao bán rầm rộ thời gian qua với giá từ 18-21 triệu đồng/m2. Chị T.M - một nhân viên môi giới động sản trên địa bàn cho biết giá bán niêm yết song người mua có thể thỏa thuận trước khi chốt giá mua, bên bán sẽ bao luôn phí sang tên sổ đỏ cho người mua.
Thu hồi 4 dự án khu đô thị ở Mê Linh, một bên xin dừng vì tranh chấp nội bộ
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời ý kiến cử tri liên quan đến đề nghị thu hồi các dự án đô thị chậm triển khai trên địa bàn huyện và các dự án trong khu công nghiệp Quang Minh.
Về việc thu hồi dự án, UBND TP cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án (gồm: Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á); riêng đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.
Các dự án còn lại chưa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm: 2 dự án đang giải quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư; 4 dự án đã được nhà đầu tư nộp hồ sơ điều chỉnh nhưng cần phải hoàn chỉnh lại (Khu nhà ở cho người thu nhập thấp, khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn; Khu nhà ở Minh Giang Đầm Và giai đoạn II, Khu đô thị Cienco 5); một dự án nhà đầu tư đã có văn bản xin tạm dừng giải quyết các thủ tục để giải quyết các tranh chấp nội bộ (khu du lịch 79 Mùa Xuân).
Chuyên gia dự báo phân khúc bất động sản này ở TPHCM sẽ tăng giá năm 2022
Vndirect vừa công bố báo cáo ngành bất động sản với chủ đề "Sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ".
Nhóm chuyên gia cũng kỳ vọng duy trì triển vọng khả quan cho thị trường bất động sản nhà ở tại các tỉnh lân cận của TPHCM trong năm 2022, đón nhận những tích cực từ cả cung cầu và giá bán.
Nhóm nghiên cứu VNDirect cũng cho rằng, nhà ở sơ cấp sẽ khó có thể giảm trong năm 2022, do chi phí phát triển dự án gồm tiền đền bù và chi phí tài chính tăng cao trong bối cảnh dự án kéo dài trong các năm qua và chi phí nguyên vật liệu xây dựng đang tăng mạnh. Các chủ đầu tư có thể sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách bàn giao tốt hơn, hỗ trợ kéo dài tiến độ thanh toán để kích cầu thay vì giảm giá bán sơ cấp.
Theo đó, đơn vị này dự báo giá bán căn hộ sơ cấp tại TPHCM sẽ tiếp tục xu hướng tăng 1-7% so với cùng kỳ ở tất cả phân khúc, trong đó phân khúc trung cấp sẽ tăng mạnh nhất 7% so với cùng kỳ do nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế.
Nguyễn Khánh(tổng hợp)