Người phụ nữ đột quỵ khi đang ăn cơm

Ngọc Hân| 09/04/2021 09:06

Việt BáoĐang ăn cơm, chị T. đột ngột xuất hiện đau đầu nhiều khi đang ăn cơm, ý thức suy giảm dần, trước đó không có va chạm vùng đầu.

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân H.T.T (56 tuổi, ở Thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, Phú Thọ) cấp cứu với biểu hiện xuất huyết não.

Theo lời kể từ gia đình, bệnh nhân T. có tiền sử tăng huyết áp, nhưng duy trì thuốc không thường xuyên. 7h tối 1/4, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu nhiều khi đang ăn cơm. Sau đó, ý thức suy giảm dần dù không có va chạm vùng đầu.

Hình ảnh trước và sau can thiệp của bệnh nhân T. Ảnh: BVCC.

Người bệnh được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện. Từ kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não, ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết não. Bệnh nhân được được thở máy qua ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

5 giờ sau, người bệnh được đưa đến Trung tâm đột quỵ Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu với 10 điểm Glasgow, chảy máu do vỡ phình tiếp tục tăng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch não cho hình ảnh khối phình động mạch thân nền đã vỡ, chảy máu dưới nhện lan tỏa.

Nhận định tình trạng phình động mạch não của bệnh nhân tiên lượng xấu, đe dọa tính mạng, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị bằng phương pháp can thiệp nút túi phình bằng vòng xoắn coil. Phương pháp này giúp bít túi phình để ngăn chặn xuet61 huyết não tiếp diễn.

Bác sĩ Phan Ngọc Nhu, Trung tâm Đột quỵ, cho biết quá trình cấp cứu gặp nhiều khó khăn do khi ống luồn qua động mạch đốt sống rất hẹp và ngoằn ngoèo gây cản trở việc tiếp cận túi phình; động mạch đốt sống bị vỡ tiếp tục chảy máu mà không cầm được.

Các bác sĩ can thiệp nút túi phình bằng phương pháp luồn một ống thông nhỏ từ động mạch đùi đưa lên đoạn mạch não bị tổn thương rồi tiếp cận túi phình động mạch não. Sau đó, kíp thực hiện nút mạch bít túi phình bằng vòng xoắn Coil dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).

Hiện sức khỏe bệnh nhân T. đã ổn định. Ảnh: BVCC.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết túi phình động mạch não như trường hợp bệnh nhân T. khá thường gặp, ước tính khoảng 2-3% dân số, tỷ lệ có thể cao hơn ở người lớn tuổi. Như vậy, tại Việt Nam ước tính có khoảng 2-3 triệu "bom nổ chậm" trong dân số 100 triệu.

"Tỷ lệ xuất huyết màng não khoảng 6-10 ca trên 100.000 ca. Điều này có nghĩa hơn 3.000 trường hợp có túi phình động mạch não mới có một trường hợp gây vỡ", bác sĩ Thắng phân tích.

Hiện có hai phương pháp chính điều trị túi phình mạch máu não, gồm can thiệp nội mạch và phẫu thuật.

Để phòng ngừa, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để được sàng lọc phát hiện sớm các túi phình mạch máu não, dị dạng mạch máu não, cũng như xơ vữa hẹp tắc động mạch não. Đặc biệt, cần phát hiện, điều trị các bệnh lý được xem là yếu tố nguy cơ tạo nên túi phình như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, tiền sử hay đau đầu, tiền sử gia đình có người đột quỵ, nghiện hút thuốc lá lâu năm...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ đột quỵ khi đang ăn cơm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO