Mối nguy hiểm khi cho trẻ tập đi bằng xe tròn

09/09/2020 08:00

Theo các chuyên gia, việc sử dụng xe tròn không tốt cho sự phát triển cơ, xương của bé. Chúng cũng không giúp trẻ biết đi nhanh hơn.

Mới đây, bé trai 6 tháng tuổi tại Tuyên Quang bị ngã khi tập đi bằng xe tròn dẫn tới tụ máu não. Sự việc khiến nhiều cha mẹ băn khoăn liệu có nên cho con sử dụng loại xe này hay không.

Tập đi bằng xe tròn có lợi hay hại?

Bác sĩ Lý Lan Hương, Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương (Tuyên Quang), cho biết xe tròn không giúp trẻ biết đi nhanh hơn. Ngược lại, chúng dẫn đến nhiều nguy cơ.

-Té ngã: Phần lớn xe tập đi có bánh tròn nhỏ. Xe tự lăn khi có lực đẩy. Chúng giúp trẻ dễ di chuyển hơn nhưng làm tăng nguy cơ té ngã. Nghiên cứu cho thấy tốc độ di chuyển của xe tập đi có thể lên đến 91 cm/giây. Trường hợp trẻ còn nhỏ và không kiểm soát được tốc độ có thể dẫn đến tai nạn ngoài ý muốn.

-Giảm khả năng vận động và trí thông minh ở trẻ: Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra trẻ tự tập luyện sẽ thông minh và nhanh nhẹn hơn so với những bé biết đi thụ động nhờ xe này.

-Nguy cơ gù lưng và cong chân: Trẻ sử dụng xe tập đi quá sớm, hệ xương còn yếu, không thể nâng đỡ được phần trên của cơ thể. Lâu dần, bé bị biến dạng xương, thậm chí gù lưng và chân vòng kiềng.

Xe tập đi giúp trẻ dễ di chuyển hơn nhưng làm tăng nguy cơ té ngã. Ảnh: Findhealthclinics.

Vì vậy, theo bác sĩ Hương, việc sử dụng xe tập đi không tốt cho sự phát triển cơ, xương của bé.

Ông Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Mỹ, cho hay xe tròn đã bị cấm ở Canada từ 2014. Mỹ cũng khuyến cáo người dân không nên dùng vì nguy cơ gây tai nạn chết người. Trẻ em chỉ đẩy xe đi, không biết kiểm soát nên có nguy cơ lật nhào nếu va chạm vào chướng ngại vật. Tai nạn dễ xảy ra hơn khi trẻ chơi ngoài sân, trên bề mặt dốc hoặc cầu thang.

Tại Mỹ, trong năm 2014, 2.000 trường hợp cấp cứu do tai nạn liên quan xe tròn, trong đó, 90% bệnh nhi chấn thương vùng đầu cổ, 1% vỡ xương sọ.

Theo bác sĩ này, trẻ ngồi xe tròn không học được cách giữ thăng bằng, làm chậm quá trình tập đi và dễ gặp nguy hiểm.

Khi nào có thể cho bé tập đi?

"Thông thường, trẻ 3 tháng tuổi có thể giữ được cổ cứng. Tháng thứ 5-6, trẻ có thể lật và trườn, chưa bò. Khi đến tháng thứ 8, bé làm chủ được khả năng ngồi và dễ dàng chuyển sang tư thế khác.

Vì vậy, trẻ 6 tháng tuổi không nên tập đi, có thể gây tổn thương cột sống và dị tật ở nhiều xương khác. Theo quá trình phát triển sinh lý bình thường, đến 10 tháng tuổi, bé có thể dần biết đứng lên và đi", bác sĩ Lý Lan Hương cho hay.

Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Hưng cho rằng cách tập đi cho trẻ tốt nhất là tự chơi. Cha mẹ có thể cho con bám vào những dụng cụ chắc chắn như ghế dưới dự giám sát của người lớn.

Để tránh di chứng về hệ xương của trẻ sau này, gia đình nên cho con tập đi khi xương bé đã cứng cáp, có thể tự ngồi vững mà không cần trợ giúp. Cha mẹ nên nâng đỡ nhẹ nhàng và từ từ dìu con đi từng bước.

Phụ huynh không kéo bé đi theo mình, đẩy con về phía trước. Hành động này có thể ảnh hưởng đến xương vai và cổ tay của trẻ. Bé nên đi chân trần để cảm nhận từng bước. Mẹ có thể lót miếng xốp lên sàn nhà để tránh tổn thương khi bé bị ngã.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy hiểm khi cho trẻ tập đi bằng xe tròn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO