Bi kịch của người trẻ và hành trình từ trầm uất đến tự sát

10/09/2020 11:30

Những người trẻ chọn cách chấm dứt cuộc sống ở ngưỡng cửa tương lai thường bắt đầu từ sự cô đơn, thiếu chỗ dựa và việc buông bỏ, thờ ơ của gia đình.

Đ.N. (25 tuổi, đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM) từng có ý định kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 21.

Ở trường đại học, N. không có bạn. Sau trận cãi nhau nảy lửa với ba mẹ, N. rời khỏi nhà, đơn độc trên đường, nhiều ngày không ăn uống. Lúc toàn thân bủn rủn, không đủ sức nhấc được tay, chân, nam sinh vô tình được phát hiện và đưa đi cấp cứu.

“Giữa vô vàn điều mới mẻ nhưng tôi lại luôn mang tâm lý mặc cảm và tự thu hẹp cuộc sống. U uất, không thể chia sẻ, tôi rơi vào trầm cảm thời gian dài”, N. chia sẻ với Zing câu chuyện của 4 năm trước.

N. nhận thấy mình là người may mắn khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của tuổi trẻ. Tuy nhiên, những người khác thì không.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, mỗi ngày có hơn 2.000 tự sát. Các chuyên gia cho biết đây là con số đáng báo động.

Cứ 40 giây, thế giới có một người tự sát

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết hơn 30 năm công tác, ông tiếp nhận không ít trường hợp có dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, đa số gia đình họ không hay biết hoặc chính bản thân bệnh nhân không nhận ra điều bất thường. Điều này vô tình dẫn đến những cái chết thương tâm.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận hơn 800 bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó, khoảng 15% người có dấu hiệu trầm cảm.

Mỗi năm, WHO ghi nhận hơn 804.000 người tử vong do tự sát. Mỗi năm, hơn 2.000 người quyết định tự kết liễu cuộc đời. Đáng chú ý, tỷ lệ toan tự sát ở nữ cao hơn so với nam giới. Tuy nhiên, thống kê của WHO cho thấy số nam giới tử vong do tự sát nhiều hơn phái nữ.

4 năm trước, Đ.N. không ngừng nghĩ về việc chấm dứt cuộc sống bế tắc. Nam thanh niên không nhận thức rõ ràng những thay đổi tâm lý của bản thân. Những áp lực từ gia đình, tình cảm khiến nam sinh không thể suy nghĩ điều gì khác ngoài cái chết.

N. chia sẻ thời gian đó bản thân bất lực và không tìm được người để san sẻ. May mắn, tiếng còi xe cứu thương và ám ảnh về cái chết kéo N. trở về thực tại.

Khi bất ổn tâm lý không được giải tỏa, những người toan tự sát dễ dàng đi đến quyết định kết thúc cuộc đời. Ảnh: NBC.

Bác sĩ Hiển cho biết muốn tự sát là trạng thái bất ổn tâm lý có thể do nhiều nguyên nhân. Hơn 80% trường hợp tự sát xuất phát từ nguyên nhân tâm thần - tâm lý. Trong đó, trầm cảm được xem là căn bệnh dẫn đến con đường tự sát cao nhất. Các bệnh lý khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, nghiện chất… chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Thông thường, một cá nhân có hành vi tự sát sẽ trải qua 3 giai đoạn, bao gồm lên ý tưởng tự sát (có ý nghĩ nhưng chưa hành động), mưu toan tự sát (có hành vi tự sát nhưng chưa hành động). Trải qua 2 giai đoạn này, nếu không được can thiệp, cá nhân này sẽ tự sát, dẫn đến tử vong.

“Tự sát là một trong 4 cấp cứu của chuyên khoa tâm thần. Khi phát hiện người bệnh có ý định toan tự sát, bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện. Lúc này, bệnh nhân sẽ ở chế độ đặc biệt”, bác sĩ Hiển nói.

Không chấp nhận người thân bị bệnh tâm thần

Hơn 30 năm làm việc tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, bác sĩ Hiển cho rằng cuộc sống hiện đại đem đến cho con người nhiều mối lo toan. Các thành viên trong gia đình đều rất bận rộn và ít có thời gian dành cho nhau. Họ cũng ít tâm sự, chia sẻ với nhau.

Sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng còn hạn chế nên thường bỏ qua những trường hợp người thân có ý tưởng tự sát.

Một số trường hợp không chấp nhận hoặc vô tình không nhận biết được hành vi toan tự sát của người trong gia đình. Ảnh: NPR.

Bác sĩ Hiển từng điều trị cho một nữ du học sinh Singapore. Trước đó, cô trở về nhà do mệt mỏi, chán chường và không đủ tinh thần học tập. Đến Bệnh viện tâm Thần, nữ sinh có 3/4 triệu chứng của rối loạn lưỡng cực.

Lo lắng, linh cảm chẳng lành, bác sĩ Hiển nói riêng với người mẹ rằng cô gái cần điều trị thời gian dài. Gia đình phải thường xuyên quan sát. Sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân dần dần ổn định. Cô lạc quan và vui vẻ trở lại. Lúc này, gia đình ngưng đưa con gái đến bệnh viện.

Vài tháng sau, nữ sinh đến gặp bác sĩ Hiển trong tình trạng trầm uất nặng. Người mẹ cho biết cô không ra khỏi phòng riêng nhiều ngày qua và từ chối giao tiếp.

Khi thăm khám, bệnh nhân đã có 4/4 triệu chứng. Một lần nữa, bác sĩ Hiển đề nghị gia đình đưa cô gái nhập viện điều trị. Nhưng gia đình từ chối. Họ muốn điều trị ngoại trú. Vài ngày sau, cô gái tự sát.

Cái chết của con gái trước ngưỡng cửa cuộc đời như cú đánh chí tử đối với người mẹ. Bà từ chối đưa con đến bệnh viện vì người quen khuyên uống thuốc tâm thần nhiều sẽ gây loạn óc, mất trí nhớ.

“Giá như người mẹ lắng nghe con gái và tuân thủ phác đồ điều trị tại bệnh viện. Khi một người có ý định tự sát, sự nâng đỡ, lắng nghe của người thân, bạn bè có thể giúp phát hiện và làm dịu đi suy nghĩ này”, bác sĩ Hiển nhận định.

Bác sĩ Hiển cho biết các trường hợp toan tự sát thường thổ lộ ý tưởng này với người khác.

Nếu phát hiện và nhận biết kịp thời, chúng ta có thể kiểm tra mức độ mãnh liệt của ý định này bằng các câu hỏi:

- Bệnh nhân có mặc cảm mình là một người thất bại?

- Bệnh nhân có cảm thấy mình vô dụng?

- Bệnh nhân có ý nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình và người thân?

- Bệnh nhân có nghĩ rằng nếu mình chết đi sẽ giải thoát và tốt hơn cho gia đình.

Nếu 4 câu trả lời là có, đây là báo động đỏ. Điều này cho thấy ý tưởng và mưu toan tự sát của bệnh nhân đến rất gần, cần nhanh chóng can thiệp y khoa.

Đặc biệt, sau ý tưởng này, bệnh nhân đột nhiên trở nên bình tĩnh khác thường, không còn buồn bã hay khóc lóc. Đây là lúc rất nguy hiểm vì có thể sau thời gian suy nghĩ, bệnh nhân gần như đã đi đến quyết định tự sát.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bi kịch của người trẻ và hành trình từ trầm uất đến tự sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO