Sóc Trăng tưng bừng lễ Đôn Ta của đồng bào Khmer

Nhật Tân| 03/10/2024 16:06

Ba ngày qua, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng cùng với đồng bào Khmer các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ đã vui lễ Đôn Ta trong không khí vui tươi.

Từ ngày 1-3/10, lễ Đôn Ta của đồng bào dân tộc Khmer đã diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng và nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Đây là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Tại Sóc Trăng, trong ngày thứ 2 của lễ Đôn Ta, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi họp mặt mừng lễ Sene Đôn Ta của đồng bào Khmer năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển”. Buổi họp mặt được tổ chức tại tại chùa Lao Vên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề.

Tại buổi họp mặt, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, những chính sách về công tác dân tộc, chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương này. Hiện, toàn tỉnh Sóc Trăng có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 34 xã vùng dân tộc thiểu số (chiếm gần 50%) và có 4 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.Sóc Trăng tưng bừng lễ Đôn Ta của đồng bào Khmer - 1Cúng ông bà trong ngày lễ Đôn Ta tại Sóc Trăng. Ảnh: Duy Anh.

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua những chính sách an sinh xã hội được tỉnh Sóc Trăng triển khai kịp thời, đầy đủ. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ xây dựng 5.248 căn nhà ở cho hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 280 tỷ đồng (trong đó có 1.876 hộ nghèo Khmer được hỗ trợ), qua đó, giúp cho hộ nghèo có nơi sinh sống ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Đối với tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là 2 dự án giao thông trọng điểm; chỉ đạo, triển khai thực hiện các công việc liên quan khai thác, nhu cầu sử dụng cát đối với các mỏ cát đã được giao theo cơ chế đặc thù (bao gồm cát sông và cát biển)…

Từ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh này tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật như tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,55% (cùng kỳ năm 2023 là 4,99%; chỉ tiêu Nghị quyết năm 2024 đạt từ 7% đến 7,5%). Trong đó, khu vực I tăng 4,4% (cùng kỳ tăng 1,68%); khu vực II tăng 11,83% (cùng kỳ tăng 5,19%), khu vực III tăng 6,61% (cùng kỳ tăng 9,22%).

Đối với việc xây dựng nông thôn mới theo chương trình mục tiêu quốc gia đã được tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm, công tác tuyên truyền được các cấp ngành thực hiện nghiêm túc, thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gắn kết với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”.Sóc Trăng tưng bừng lễ Đôn Ta của đồng bào Khmer - 2Người dân đồng bào Khmer đến các chùa để vui chơi vào ban đêm trong ngày lễ Đôn Ta. Ảnh: Duy Khang.

Lễ Đôn Ta được bắt nguồn từ tín ngưỡng xa xưa của người dân tại phum sóc Khmer trước khi Phật giáo Nam tông du nhập miền nam Việt Nam. Nam Bộ vốn là vùng đất ngập nước, cư dân thường di chuyển bằng ghe, xuồng và sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa nước.

Trong truyền thống canh tác lúa mùa trước đây, bà con bắt đầu xuống giống từ đầu năm, khi bắt đầu mùa mưa theo Khmer lịch cho đến khi mùa Đôn Ta đến cũng là lúc hoàn thành mùa gieo cấy. Rảnh tay khỏi việc đồng áng, đồng bào Khmer thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi ông bà, cha mẹ ở xa và dâng tặng những món quà quê, cây nhà lá vườn như bánh trái, hoa quả...

Chính bởi vậy, theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, hàng năm cứ vào ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 1 tháng 9 Âm lịch, bà con lại nô nức tổ chức lễ Sene Đôn Ta hay gọi là lễ cúng ông bà nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu phước cho linh ồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng.

Theo lễ nghi truyền thống, lễ Đôn Ta thường được tổ chức trong thời gian nữa tháng với 4 nghi thức chính là lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Đôn Ta). Tuy nhiên, ngày nay lễ hội được diễn ra trong 3 ngày với nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Trong đó, ngày thứ nhất, mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ. Sau đó, dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà… và mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn,  khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu.

Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngoài ra, các vị achar lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng tam bảo, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố, rồi đem ra ngoài để chung quanh chính điện cúng cho những vong hồn cô đơn, không có con cháu.

Ngày thứ hai, vào buổi trưa, bà con người Khmer chuần bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể), sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong phum, sóc, bà con Phật tử trong phum sóc cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.

Ngày thứ ba, mỗi nhà, bà con chuẩn bị một mâm cơm, họ mời vài vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố. Riêng phần chuẩn bị cho ông bà, người thân quá cố, bà con làm chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có gắn thêm cờ phướn, 2 hình nộm (tương trưng cho tổ tiên) và các thức cúng mọi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, quần áo, tiền, vàng mã… rồi người nhà thắp nhang, đèn mang thuyền thả dưới dòng sông, kênh rạch gần nhà để đưa ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/soc-trang-tung-bung-le-don-ta-cua-dong-bao-khmer-c9a83257.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/soc-trang-tung-bung-le-don-ta-cua-dong-bao-khmer-c9a83257.html
Bài liên quan
  • Du khách đến Trà Vinh vì tình yêu với văn hóa Khmer
    Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách du lịch đến Trà Vinh tăng mạnh. Trong 5 ngày, địa phương đón khoảng 85.000 lượt khách (cao hơn so với kỳ nghỉ lễ năm 2022 gần 35.000 lượt); trong đó, lượng khách quốc tế tăng gần 5 lần so với kỳ nghỉ lễ năm 2022 với khoảng 720 lượt khách. Tổng doanh thu đạt trên 46 tỷ đồng.
  • Di tích "núi thơ" độc nhất vô nhị Việt Nam
    Núi Non Nước có hàng chục bài thơ đề trên các vách đá, được ví như bảo tàng thơ Hán Nôm và là tuyển tập những bài thơ "có một không hai" ở nước ta.
  • Vẻ đẹp thơ mộng cầu Trà Khúc 3 giữa làng quê thanh bình
    Cầu Trà Khúc 3 có thiết kế vòm thép độc đáo bắc ngang sông Trà Khúc nối hai huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) thơ mộng, hữu tình. Công trình hoàn thành mở ra cơ hội phát triển kinh tế- xã hội, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, kết nối phát triển các khu du lịch sinh thái và hình thành vùng đệm đô thị phía Tây thành phố Quảng Ngãi.
  • Lên Ba Vì săn hoa dã quỳ, check in chỗ nào cũng thấy siêu đẹp
    Mùa hoa dã quỳ năm 2024 tại Vườn Quốc gia Ba Vì diễn ra từ ngày 26/10 - 08/12/2024, thời gian hoa nở rộ và đẹp nhất từ ngày 2 - 24/11/2024. Trong tiết trời se se lạnh, nhiều đoàn du khách đã bắt đầy lên Ba Vì để check in và sống ảo.
  • Khách Tây xếp hàng nhảy thác ở Hà Giang, chính quyền lên tiếng cảnh báo
    Lượng khách tới Hà Giang thời gian qua tăng cao và thác nước Du Già là một trong những điểm đến thu hút. Tuy nhiên chính quyền địa phương cũng cảnh báo du khách cần cẩn trọng nhằm đảm bảo an toàn.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng tưng bừng lễ Đôn Ta của đồng bào Khmer
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO